Anh Lê Xuân Đồng nhớ lại: "Tôi gặp một nam giới trong CLB "Những người đàn ông trách nhiệm" vào năm 2012. Người đàn ông đó sinh năm 1973 tại Nghệ An. Ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ, anh đã bị người cha nghi ngờ, chối bỏ. Mới học lớp 10, cậu học sinh giỏi cấp huyện đã bị bố tìm cớ đuổi ra khỏi nhà. Ăn đói, mặc rách hơn 10 năm trời, anh phải duy trì sự sống bằng cách đi ăn chực, ăn vụng, thậm chí là ăn trộm của người dân để lấp đầy cái bụng. Lúc ấy, anh còn cha mẹ nhưng chẳng khác gì trẻ mồ côi, thân hình ốm yếu, phải lang thang ngủ bờ ngủ bụi. Bản thân anh bị bạo lực gia đình trong nhiều năm trời. Khi lấy vợ, anh ấy bị ám ảnh bởi quá khứ, lại như người bố trước đây từng đánh mẹ tàn nhẫn, rồi đánh đuổi con mình. Nhiều lần anh đã đánh vợ gây thương tích, không ít lần vợ anh quá sợ hãi, muốn bỏ nhà đi. Năm 2012, anh được động viên tham gia CLB "Những người đàn ông trách nhiệm", được trò chuyện và chia sẻ trong một không gian an toàn, thấu cảm. Người đàn ông đó và nhiều nam giới trong CLB đã chia sẻ với nhau những khó khăn khi làm chồng, làm cha, những trải nghiệm về bạo lực gia đình. Họ đã hiểu ra sai lầm của mình với vợ con. Đến nay, anh là thành viên tích cực của CLB, dùng chính câu chuyện của mình để giúp những người chồng khác hiểu ra giá trị đích thực của cuộc sống. Một gia đình không có bạo lực, thay vào đó là yêu thương dành cho nhau để có một gia đình hạnh phúc, yên ấm".
Càng đi nhiều, anh Đồng càng thấy những khó khăn trong công tác phòng, chống bạo lực giới ở các địa phương. Nhưng những câu chuyện nêu trên giống như "khoảng lặng" giúp người cán bộ điều phối như anh Đồng mỗi ngày gom nhặt thêm niềm hạnh phúc và đam mê với nghề mình chọn.
"Tôi cho rằng vấn đề giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam cần tác động hơn nữa đến nam giới. Ở Việt Nam hiện nay rất ít chương trình làm việc với nam giới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Việt Nam cũng chưa có chương trình quốc gia nào với nam giới trong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực giới", anh Lê Xuân Đồng cho biết.
Theo anh Lê Xuân Đồng, thực tế, nam giới không chỉ là người gây ra bạo lực, mà họ còn có thể là nạn nhân của bạo lực. Ngoài ra, chúng ta cần hiểu rằng, hành vi bạo lực xuất phát từ người gây bạo lực mà phổ biến là nam giới. Vì vậy, để phòng ngừa bạo lực cần tác động đến đối tượng làm chủ hành vi bạo lực, thay vì chỉ tập trung vào người bị bạo lực. Nam giới vừa là nguyên nhân nhưng chính họ cũng là giải pháp để chấm dứt bạo lực. "Hầu hết các sự kiện, chương trình liên quan đến giới và bạo lực gia đình, nam giới tham gia rất ít. Đã có nhiều người cho rằng bình đẳng giới giống như một cuộc chiến giữa nam và nữ vậy. Tôi từng bị nhiều người kỳ thị rằng, tôi đang "tranh việc phụ nữ".
Phải làm sao để mọi người trong xã hội nhận thức được rằng, bình đẳng giới là câu chuyện của cả nam và nữ; thực hiện bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới mang lại những lợi ích cho cả nam, nữ và cộng đồng. Chúng ta cần tạo ra những không gian và cơ hội để nam giới tham gia kiến tạo về bình đẳng giới. Một khi bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực giới trở thành câu chuyện chung, mục tiêu chung thì chúng ta sẽ thực hiện điều đó hiệu quả hơn", anh Lê Xuân Đồng nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn