Theo các nhà khoa học, nam giới có khối lượng cơ bắp tốt sẽ giảm 81% nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ so với những mày râu có lượng cơ bắp thấp. Thậm chí, những người mắc bệnh tim mạch bị mất khối lượng cơ bắp càng nhiều càng có nguy cơ tử vong sớm hơn.
Để ngăn ngừa và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch, nam giới cần duy trì vận động, tập luyện. Điều này không chỉ giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể mà còn rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Chính quá trình trao đổi chất và việc kiểm soát lượng đường trong máu nhờ luyện tập giúp cơ thể con người tăng khả năng chống viêm, từ đó góp phần ngăn ngừa bệnh tim. Ngoài ra, những người thường xuyên tập thể dục thể thao, duy trì cơ bắp tốt cũng có xu hướng sống tích cực hơn và điều này cũng giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Tập thể dục luôn đem lại những lợi ích cho sức khỏe và phòng ngừa nhiều bệnh. Đối với bệnh tim mạch, tập thể dục có tác dụng tương tự như một số loại thuốc bổ trợ. Cụ thể, huyết áp cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các vấn đề về tim mạch thì tập thể dục có tác dụng như một loại thuốc ức chế beta, giúp làm chậm nhịp tim và điều hòa huyết áp, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Nhiều nam giới còn gặp phải tình trạng thừa cân, béo phì. Thừa cân có thể gây căng thẳng và áp lực cho tim, nó là yếu tố nguy cơ chính gây ra các bệnh tim và đột quỵ. Do vậy, nam giới thường xuyên tập thể dục kết hợp một chế độ ăn thông minh cũng giúp kiểm soát cân nặng, từ đó có thể cải thiện sức khỏe của tim.
Tập thể dục cũng giúp tăng cường cơ bắp. Các bài tập như aerobic, gym, chạy bộ, bơi lội, nâng tạ không chỉ tăng sức đề kháng mà còn giúp cải thiện khả năng của cơ bắp, giúp máu lưu thông tốt, giúp tim hoạt động đỡ vất vả hơn khi bơm máu.
Ngoài ra, tập thể dục cũng có thể giúp bạn giảm ham muốn hút thuốc và từ bỏ thuốc lá. Hút thuốc lá là một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu của bệnh tim vì nó có thể phá hủy cấu trúc và chức năng của các mạch máu.
Bệnh tiểu đường có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng cho tim mạch, như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim. Các nhà khoa học cũng chỉ ra rằng, nam giới thường xuyên đạp xe, đi bộ, bơi lội... có thể giảm hơn 50% nguy cơ mắc tiểu đường và các biến chứng tim mạch do tiểu đường.
Tập thể dục cũng giúp giảm sự căng thẳng. Trong khi căng thẳng, stress được ví như "kẻ giết người thầm lặng" thì các bài tập thể dục như aerobic, chạy bộ, tập tạ hoặc yoga sẽ giúp bạn cảm thấy thư giãn và giảm bớt sự căng thẳng, mệt mỏi; từ đó hạn chế, ngăn ngừa được các cơn đau tim thứ phát.
Mỗi ngày, nam giới cần tập thể dục ít nhất 30 phút và thực hiện trong khoảng 5 ngày/tuần. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc các chuyên gia tư vấn để lựa chọn cho mình chế độ tập luyện phù hợp với tình trạng sức khỏe.
Sau mỗi buổi tập, bạn hãy quan sát và theo dõi những biểu hiện của cơ thể, nếu như cảm khó thở, tức ngực, đổ mồ hôi nhiều, rối loạn nhịp tim hoặc đau tim sau khi tập thể dục thì cần dừng việc luyện tập và hỏi ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt. Bạn nên duy trì chế độ ăn lành mạnh, ăn những đồ dễ tiêu hóa sau khi tập xong.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn