Theo PGS. TS Trần Văn Thuấn, Phó Giám đốc BV K Trung ương, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận khoảng 20-30 ca mắc ung thư vú là nam giới. Đây là con số nhỏ so với hàng nghìn ca ung thư vú của nữ giới. Tuy nhiên, do hầu hết bệnh nhân đều đến khám và điều trị ở giai đoạn muộn, nên hiệu quả điều trị không cao.
Khi thấy bất thường ở vùng ngực, nam giới cần đi khám sớm |
Nhiều người bệnh cho biết, khi thấy có cục, u vùng ngực, họ thường nghĩ là bị mụt nhọt nên thường tự mua thuốc về uống. Sau thời gian tự điều trị, thấy u không giảm mà còn lớn hơn, bệnh nhân mới đến BV khám.
Một số bệnh nhân khác, khi thấy cục u cứng xuất hiện thì điều trị bằng cách đắp lá cây hoặc đắp thuốc nam theo mách bảo của người quen, khi khối u đã bị lở loét, chảy dịch mủ… mới đi khám và điều trị thì đã muộn, khối u đã di căn sang các bộ phận khác.
Một thống kê tại BV Ung bướu TPHCM từ tháng 1/2008 đến tháng 7/2013 cho thấy, tại bệnh viện có 27 bệnh nhân nam bị ung thư vú được chẩn đoán thì có gần 43% trường hợp UTV đã ở giai đoạn III và hơn 14% ở giai đoạn IV, là những giai đoạn rất muộn.
Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn, với các bệnh ung thư nói chung, ung thư vú nói riêng, việc phát hiện sớm có vai trò quyết định trong điều trị khỏi bệnh. Thông thường, khi phát hiện ở giai đoạn I, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú nói chung có thể lên đến 80%.
Do đó, ngay khi có các dấu hiệu bất thường ở vùng ngực như: Sưng núm vú hoặc quầng vú; vú có biến đổi về hình dạng như tụt núm vú, chảy dịch từ núm vú; xuất hiện u, cục rắn ở vú và hạch khu vực gần nách, có thể đau hoặc không đau… thì mày râu cần đến cơ sở y tế để được chẩn đoán chính xác. Tùy từng trường hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật, hoặc điều trị kết hợp hóa trị và xạ trị…