Bà Bùi Thị Nhương, Chủ tịch Hội LHPN xã Quý Hòa, đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo PNVN xoay quanh nội dung này:
- Xin bà cho biết việc triển khai Dự án 8 "Bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em" ở địa phương đang diễn ra thế nào?
Mặc dù Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" trong Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I (2021-2025) mới được triển khai từ cuối năm 2022 nhưng đến nay, Hội LHPN xã Quý Hòa đã triển khai được nhiều hoạt động tích cực, như thành lập Tổ truyền thông cộng đồng; Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi và Địa chỉ an toàn... Nhiều hoạt động đã đi vào cuộc sống của cộng đồng, tạo ra những phong trào phát triển khá mạnh.
Qua đánh giá ban đầu, Dự án 8 khá thiết thực với đời sống hàng ngày của phụ nữ, với trẻ em nói riêng và với cả cộng đồng nói chung. Vì vậy, người dân địa phương tỏ ra hồ hởi tham gia các chương trình, nội dung hoạt động. Các hoạt động tuyên truyền ở các thôn bản trở thành định kỳ, trong đó, phụ nữ hay nam giới đều nhiệt tình tham gia hưởng ứng.
Đặc biệt, những buổi tuyên truyền và hoạt động của dự án không khô cứng, có nhiều hình thức thu hút người dân địa phương, chẳng hạn như có sinh hoạt văn nghệ, nên người dân đều hưởng ứng tham gia. Thậm chí chỉ thông báo tới cán bộ Chi hội là buổi tối chúng tôi xuống thôn, người dân đã tề tựu đông đủ.
Ngay cả các cháu học sinh cũng tích cực tham gia vào các hoạt động xây dựng và vận hành Câu lạc bộ thủ lĩnh của sự thay đổi. Các cháu có ý thức tập luyện tuyên truyền theo các nội dung được hướng dẫn triển khai.
- Cuộc sống của người dân địa phương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đã thay đổi thế nào, thưa bà?
Những mô hình, hoạt động của Dự án đã tạo sự gắn kết trong cộng đồng. Từ những buổi sinh hoạt này, người dân sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong cuộc sống và lao động sản xuất.
Nếu nhà chị em nào có người ốm đau hoặc công việc bận rộn, chị em trong thôn bản sẵn sàng huy động người đến giúp đỡ. Từ dọn dẹp đến việc đồng áng, chị em đều nhiệt tình chung tay giúp nhau làm. Hay như việc dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm, đến nay cũng trở thành một công việc định kỳ. Người dân trong xóm ngoài làng đều có ý thức đảm bảo vệ sinh môi trường, nhờ đó mà công tác vệ sinh làng bản luôn được thực hiện tốt.
Điều đáng mừng là giờ đây, công tác của Hội LHPN ở các thôn bản không chỉ là việc của phụ nữ, mà còn là có sự tham gia của cả nam giới. Điển hình là có rất nhiều nam giới nhiệt tình tham gia vào các Tổ truyền thông cộng đồng hoặc tham gia làm hội viên danh dự.
Hoạt động dọn dẹp vệ sinh làng bản
- Để các hoạt động của Dự án trở nên thiết thực với cuộc sống của người dân, theo bà cần có những nhân tố gì?
Theo tôi, để các hoạt động của Dự án 8 có thể đi vào đời sống của cộng đồng, trước hết phải là sự vào cuộc chỉ đạo và tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tiếp đó, phải kể đến những nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ Hội LHPN huyện Lạc Sơn và xã Quý Hòa, ngay từ việc xây dựng kế hoạch đến công tác triển khai xuống cơ sở đều được làm rất chặt chẽ, bài bản.
Từ đó, tạo ra sự thuận lợi và cả khí thế cho cán bộ thực hiện cũng như sự đón nhận nhiệt tình của người dân. Dần dần triển khai thành hoạt động định kỳ trong đời sống cộng đồng một cách thiết thực, sinh động.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!
Chị em phụ nữ hỗ trợ nhau sản xuất
Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và các vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình MTQG phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2022 và giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì. Mục tiêu của dự án nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn