Tới dự và chỉ đạo có Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên TƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Quốc phòng. Cùng dự có ông Lê Khánh Lương, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Xuân Sơn, Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2; Thiếu tướng Lương Đình Lành, Hiệu trưởng nhà trường, đại biểu cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng cùng đại diện lãnh đạo, chỉ huy nhiều đơn vị quân đội khu vực phía Nam…; hơn 3.000 học viên của trường Sĩ quan Lục quân 2 và các gia đình tiêu biểu, các cháu học sinh là con của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng vượt khó học giỏi thuộc các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9.
Diễn đàn là một trong những hoạt động nhằm chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người có những quan điểm vô cùng tiến bộ về "thực hiện nam, nữ bình quyền", và cũng là một trong những hoạt động cụ thể nhằm hiện thực hóa ý kiến chỉ đạo của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ Bộ Quốc phòng là "Không dừng lại ở 1 ngày, 1 tháng mà 12 tháng, 365 ngày trong năm đều có những hành động thiết thực vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới".
Qua nhiều hình thức thể hiện sinh động như phóng sự, tiểu phẩm và những phần thảo luận sôi nổi, diễn đàn năm nay một lần nữa khẳng định để thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng ngừa, ứng phó mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, tập thể, cá nhân, mọi tổ chức, lực lượng trong mỗi cơ quan, đơn vị để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ, người lao động trong Quân đội, đặc biệt nhấn mạnh chủ thể là "Nam giới" với trọng tâm xoay quanh mối quan hệ của 3 yếu tố "Nam giới - bình đẳng giới - xây dựng gia đình hạnh phúc".
Tham gia diễn đàn, các đại biểu, khách mời đã chia sẻ về ý nghĩa, thực chất bình đẳng giới; hoạt động bình đẳng giới trong quân đội; những yêu cầu trong công tác tuyên truyền để thực hiện hiệu quả bình đẳng giới; trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới; giải đáp một số tình huống thường gặp về vấn đề bình đẳng giới; kinh nghiệm và cách làm hay của các cơ quan, đơn vị quân đội về thực hiện bình đẳng giới…
Tham gia giao lưu tại diễn đàn, Thiếu tướng Đỗ Thanh Phong, Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam), cho biết: Trong mọi tình huống và mọi hoàn cảnh, để thống nhất nhận thức và hành động, công tác tuyên truyền, giáo dục phải đặt lên hàng đầu. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Cục Tuyên huấn luôn nhận thức rõ vai trò, tham mưu giúp Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục bình đẳng giới; đề xuất các giải pháp để thực hiện tuyên truyền sâu, rộng, toàn diện, thường xuyên về bình đẳng giới trong quân đội.
Trả lời câu hỏi giao lưu của học viên Trường Sĩ quan Lục quân 2, Đại tá Phùng Thị Phú, Trưởng ban Phụ nữ Quân đội, nhấn mạnh: Bình đẳng giới không có nghĩa là mọi việc đều phải chia đôi, ngang bằng nhau mà tùy phần lao động và khả năng của nam giới, nữ giới để cùng hoàn thành các công việc chung. Nam giới và nữ giới hãy cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc. Sẽ không có bình đẳng giới nếu không có sự nhập cuộc, tham gia, hưởng ứng của mọi tổ chức, tập thể, cá nhân trong xã hội, nhất là vai trò tiên phong của nam giới trong hưởng ứng và triển khai các hoạt động thiết thực để thúc đẩy bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc và phòng ngừa, ứng phó với mọi hình thức phân biệt đối xử và bạo lực trên cơ sở giới.
Từ thực tế hằng ngày và những trải nghiệm cuộc sống gia đình, Đại tá Nguyễn Hồng Hải, Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân, chia sẻ: Nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng giới là do nhận thức chưa đầy đủ về bình đẳng giới. Bên cạnh đó, người phụ nữ, nhất là phụ nữ Á Đông thường yêu chồng, thương con, nên nhận hết phần việc nhà về mình… Cho nên, cần thay đổi nhận thức để thực hiện hiệu quả bình đẳng giới. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần có giải pháp mềm dẻo, hợp lý, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về bình đẳng giới. Ở mỗi đơn vị, mỗi đối tượng khác nhau cần có biện pháp tuyên truyền khác nhau, vừa bảo đảm cụ thể, vừa linh hoạt, sâu sắc để chuyển biến nhận thức và hành động, thúc đẩy hơn nữa bình đẳng giới trong quân đội…
Nhân dịp này, Thượng tướng Lê Huy Vịnh đã trao quà tặng 30 gia đình tiêu biểu; 15 cháu là con của sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng vượt khó, học giỏi thuộc các cơ quan, đơn vị đóng quân trên địa bàn Quân khu 7, Quân khu 9.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn