Nam giới tiên phong trong phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ
12:10 | 25/11/2016;
Đây là thông điệp chính của hoạt động Bữa ăn sáng Ruy băng Trắng do Trung tâm Phụ nữ và Phát triển - Hội LHPNVN, trường ĐH Flinders và UN Women phối hợp tổ chức sáng nay, 25/11, tại Hà Nội.
Phát biểu tại sự kiện, bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPNVN, nhấn mạnh: Bữa sáng Ruy băng trắng được tổ chức vào Ngày Quốc tế loại bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) với sự có mặt của các đại biểu đa số là nam giới quan tâm đến việc ngăn chặn và ứng phó bạo lực đối với phụ nữ, đặc biệt là các đại biểu nam đến từ các cơ quan bộ, ngành quan trọng của chính phủ và các tổ chức liên quan trực tiếp đến chương trình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới.Phó Chủ tịch thường trực Hoàng Thị Ái Nhiên hy vọng rằng “mỗi nam giới sẽ trở thành một hạt nhân tiên phong trong phòng chống bạo lực đối với phụ nữ” vì sự an toàn của phụ nữ, vì mỗi gia đình, mỗi cộng đồng và toàn xã hội không có bạo lực đối với phụ nữ. Với tư cách là Đại diện hình ảnh của phong trào HeForShe (Vì những phụ nữ xung quanh ta) tại Việt Nam, ca sĩ-nhạc sĩ Hoàng Bách chia sẻ: “Chúng ta thường nhìn nhận bạo lực giới là vấn đề của phụ nữ nhưng tôi muốn nói rằng nó cũng là vấn đề của nam giới. Khi những người đàn ông chịu trách nhiệm cho hầu hết các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái thì chính họ cũng là một yếu tố quan trọng của giải pháp giúp chấm dứt bạo lực. Nam giới cần tiên phong và làm gương cho trẻ em trai, để mọi phụ nữ và trẻ em gái được sống và phát triển toàn diện trong một xã hội an toàn và bình đẳng”. Còn theo Đại sứ Úc Craig Chittick, là một người đàn ông, người chồng, người cha của hai đứa con gái, đồng thời là người đứng đầu Đại sứ quán, nơi có tới gần 70% cán bộ nữ, ông thấy trách nhiệm của mình là phải lên tiếng nhân ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. “Tôi khuyến khích nam giới hãy đồng hành và hỗ trợ những nỗ lực nhằm chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, đại sứ Craig Chittick lên tiếng.Trưởng đại diện UN Women Việt Nam Shoko Ishikawa cùng các đại biểu cam kết xóa bỏ bạo lực giới.Ca sĩ-nhạc sĩ Hoàng Bách cùng các đại biểu nam kêu gọi cộng đồng chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Theo báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình năm 2010, 58% phụ nữ đã từng kết hôn nói rằng họ đã trải qua ít nhất mọt hình thức bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần từ người thân tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ. Tuy nhiên, 87% nạn nhân không tìm đến sự trợ giúp do việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ có sẵn. Nhiều người sợ hãi không dám lên tiếng do sợ bị kỳ thị, phân biệt đối xử và bị quấy rói nhiều hơn nữa. Không chỉ phụ nữ đã kết hôn, rất nhiều phụ nữ trẻ và chưa kết hôn cũng là đối tượng bị bạo hành. Theo một nghiên cứu của tổ chức ActionAid, 87% phụ nữ và trẻ em gái không được an toàn tại nhà, nơi công cộng và cả nơi làm việc. Hằng năm, Việt Nam mất đi 3,19% GDP vì bạo lực gia đình.
Trên cơ sở tầm nhìn “Tất cả phụ nữ sống an toàn, thoát khỏi các hình thức bạo lực của nam giới”, Diễn đàn Ruy băng trắng bắt nguồn từ nước Úc năm 2003 là một hoạt động của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNIFEM, hiện nay là UN Women). Từ năm 2007, diễn đàn này trở thành Chiến dịch Ruy băng trắng trên toàn cầu. Chiến dịch đã gắn kết một cách tích cực các nam giới tham gia vận động chính sách để chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.