Kiều mạch là một loại ngũ cốc nguyên hạt hay giả ngũ cốc nhưng có thể nấu như cơm, tuỳ sở thích bạn có thể trộn với gạo hoặc không. Ngoài ra, kiều mạch cũng được sử dụng để nấu cháo, làm salad,... Vì có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ và hương vị thơm ngon, hạt kiều mạch được nhiều người ưa chuộng, đặc biệt phù hợp với những người bị tiểu đường.
Carbs là thành phần dinh dưỡng chính của kiều mạch, ngoài ra loại ngũ cốc này còn chứa protein và các khoáng chất và chất chống oxy hóa khác nhau.
Theo Healthline, giá trị dinh dưỡng của kiều mạch cao hơn đáng kể so với nhiều loại ngũ cốc khác. Thành phần dinh dưỡng trong 100 gam kiều mạch thô là:
- Lượng calo: 343
- Nước: 10%
- Chất đạm: 13,3 gam
- Carb: 71,5 gam
- Đường: 0 gam
- Chất xơ: 10 gam
- Chất béo: 3,4 gam
Ngoài ra, hạt kiều mạch còn chứa một số loại vitamin và khoáng chất khác như vitamin K và B-6, mangan, đồng, sắt, magie, phốt pho. Nhìn chung, kiều mạch không đặc biệt giàu vitamin, nhưng so với các loại ngũ cốc khác, khoáng chất trong kiều mạch nấu chín được hấp thụ đặc biệt tốt.
Đáng lưu ý là hạt kiều mạch rất giàu các hợp chất thực vật chống oxy hóa khác nhau như rutin, quercetin, vitexin, D-chiro-inositol.
Giống như các loại giả ngũ cốc nguyên hạt khác, kiều mạch có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ:
- Tốt cho sức khoẻ tim mạch
Hạt kiều mạch có nhiều hợp chất tốt cho tim, chẳng hạn như rutin, magiê, đồng, chất xơ và một số protein nhất định.
Trong số các loại ngũ cốc và giả ngũ cốc, kiều mạch là nguồn cung cấp rutin dồi dào nhất, một chất chống oxy hóa có thể mang lại một số lợi ích cho sức khoẻ tim mạch như ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông, giảm viêm và huyết áp, cải thiện lượng lipid trong máu.
- Kiểm soát lượng đường trong máu
Lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến nhiều bệnh mãn tính khác nhau như bệnh tiểu đường loại 2. Vì vậy, việc kiểm soát mức tăng lượng đường trong máu sau bữa ăn là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tốt.
Việc ăn kiều mạch có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu do hợp chất D-chiro-inositol có trong loại hạt này. Các nghiên cứu chỉ ra rằng loại carb hòa tan này làm cho tế bào nhạy cảm hơn với insulin, loại hormone khiến tế bào hấp thụ đường từ máu.
Ngoài ra, một số thành phần của kiều mạch dường như ngăn chặn hoặc trì hoãn quá trình tiêu hóa đường ăn. Hơn nữa, là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, kiều mạch có chỉ số GI từ thấp đến trung bình.
Nhìn chung, nhờ có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu mà kiều mạch trở thành một loại ngũ cốc nguyên hạt an toàn và phù hợp cho những người mắc bệnh tiểu đường.
- Cải thiện tiêu hoá
Như đã đề cập, kiều mạch rất giàu chất xơ. Chất xơ là một loại carbohydrate có nguồn gốc thực vật mà cơ thể không thể phân hủy trong quá trình tiêu hóa. Chất xơ hỗ trợ ruột tiêu hóa thức ăn hiệu quả và giúp thức ăn di chuyển qua đường tiêu hóa.
Kiều mạch cũng chứa niacin (một loại vitamin B) có thể giúp tăng cường sức khỏe tiêu hóa.
- Quản lý cân nặng
Kiều mạch có hàm lượng protein cao nên có thể đem lại cảm giác no lâu, hạn chế tình trạng thèm ăn, từ đó có thể giúp kiểm soát cân nặng.
Kiều mạch thường được coi là một loại thực phẩm an toàn để ăn. Tuy nhiên, kiều mạch cũng có thể gây dị ứng ở một số người.
Dị ứng kiều mạch có nhiều khả năng phát triển ở những người tiêu thụ kiều mạch thường xuyên và với số lượng lớn.
Một hiện tượng được gọi là phản ứng dị ứng chéo làm cho chứng dị ứng này phổ biến hơn ở những người đã bị dị ứng với mủ cao su hoặc gạo.
Các triệu chứng dị ứng cần chú ý như phát ban trên da, sưng tấy, rối loạn tiêu hóa và trong trường hợp xấu nhất là sốc phản vệ.
Ngoài ra, trong hạt kiều có mạch chứa: rutin - có thể cản trở chức năng tuyến giáp, rutin và quercetin - có đặc tính làm loãng máu. Do vậy, những ai có vấn đề về tuyến giáp hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu nên tránh loại ngũ cốc nguyên hạt này.
Hạt kiều mạch có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Bạn có thể dùng hạt kiều mạch để nấu cháo, làm salad, hoặc nấu như cơm. Hạt kiều mạch cũng có thể được rang lên và ăn như một loại snack giòn. Ngoài ra, có thể xay hạt kiều mạch thành bột và sử dụng để làm bánh hoặc mì ống.
- Nấu hạt kiều mạch như cơm
Bạn có thể sử dụng hạt kiều mạch thay cho gạo hoặc kết hợp cùng với gạo, hướng dẫn cụ thể:
+ Vo sạch hạt kiều mạch dưới nước lạnh cho đến khi nước vo không còn đục nữa. Vo gạo nếu trộn hạt kiều mạch với gạo.
+ Cho hạt kiều mạch và gạo (nếu có) vào nồi cơm điện. Nếu không có nồi cơm điện, bạn có thể sử dụng nồi nấu trên bếp củi thông thường.
+ Thêm nước theo tỷ lệ 1 phần kiều mạch với khoảng 2 phần nước. Nếu bạn thích hạt kiều mạch mềm hơn, có thể tăng lượng nước lên một chút.
+ Bật nồi cơm để nấu. Nếu bạn nấu trên bếp, hãy đun sôi nước, sau đó giảm lửa và đậy nắp, để nấu nhỏ lửa cho đến khi kiều mạch chín và hấp thụ hết nước.
+ Khi thấy hạt kiều mạch và gạo (nếu có) đã chín mềm, bạn có thể tắt bếp hoặc nồi cơm điện và thưởng thức.
- Nấu cháo kiều mạch
Ngoài nấu như cơm, kiều mạch cũng có thể được sử dụng để nấu cháo. Cháo kiều mạch vừa dễ ăn lại tốt cho sức khoẻ, các bạn có thể tham khảo hướng dẫn dưới đây:
+ Vo sạch hạt kiều mạch dưới vòi nước lạnh cho đến khi nước trong veo.
+ Cho hạt kiều mạch vào nồi. Thêm nước theo tỷ lệ 1 phần kiều mạch với 4-5 phần nước, tùy thuộc vào độ sánh mà bạn muốn khi ăn.
+ Thêm chút muối hoặc gia vị khác như hành, gừng để tăng hương vị cho món cháo.
+ Đun sôi hỗn hợp rồi giảm lửa và đậy nắp, để nấu nhỏ lửa. Nấu cho đến khi hạt kiều mạch chín mềm và nước cháo đặc sánh. Trong quá trình nấu, thỉnh thoảng khuấy đều để cháo không bị dính nồi và có độ mịn đều.
+ Sau khi cháo chín, bạn có thể tắt bếp và để cháo trong vài phút để cháo đặc sánh hơn. Trước khi ăn, bạn có thể thêm thịt, cá, rau củ, hoặc các loại thảo mộc tùy ý để tăng thêm hương vị và giá trị dinh dưỡng cho món cháo.
Tóm lại, hạt kiều mạch không chứa gluten, là nguồn cung cấp chất xơ tốt, giàu khoáng chất và các hợp chất thực vật khác nhau, đặc biệt là rutin. Vì vậy, bổ sung hạt kiều mạch một cách thường xuyên sẽ hỗ trợ tăng cường sức khoẻ theo nhiều cách.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn