Một trong những vấn đề được phụ huynh đặc biệt quan tâm là điều chỉnh chương trình học để phù hợp với tình hình mới trong bối cảnh dịch bệnh. Để giảm bớt áp lực cho học sinh và giáo viên trước khi bước vào năm học mới, Bộ GD&ĐT đã thực hiện giảm tải nội dung của 10 môn học từ lớp 6 đến lớp 12 với nội dung cụ thể cho từng môn học, cấp học, điều chỉnh giảm thời gian thực học.
Theo đó, 10 môn học được điều chỉnh nội dung dạy học, giảm tải gồm: Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Cách thức học cũng linh hoạt hơn trước tình hình dịch bệnh, theo đó vừa phải dạy học vừa chống dịch, kết hợp giữa dạy online và dạy trực tiếp.
Nhà trường lưu ý các giải pháp bảo đảm chất lượng giáo dục trong bối cảnh dịch Covid-19 có thể còn diễn biến phức tạp. Riêng đối với những địa phương phải thực hiện giãn cách, cách ly xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 sẽ tổ chức việc dạy và học trực tuyến qua internet và trên truyền hình với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng học”, nhằm thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo kế hoạch năm học. Bộ GD&ĐT cũng sẽ đẩy mạnh triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, Bộ sẽ tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1”.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết: "Trước đây, bậc học THCS, THPT có 37 tuần thực học. Bộ GD&ĐT đã tính toán, từ năm học mới này sẽ giảm xuống còn 35 tuần thực học. Bộ không giảm tải cơ học mà có giải pháp đồng bộ để giảm được 2 tuần thực học, dù học 35 tuần vẫn đạt hiệu quả hơn".
Hướng tinh giản của chương trình học năm nay, theo ông Nguyễn Xuân Thành, là lược bớt những nội dung trùng lặp, không phù hợp với học sinh, tạo cơ hội cho giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, tăng thực hành, trải nghiệm cho học sinh. Nguyên tắc là tinh giản các nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; tích hợp một số nội dung thành các chủ đề; điều chỉnh các nội dung trùng lặp giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Căn cứ vào chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học mới, Sở GD&ĐT các tỉnh sẽ chỉ đạo cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và cơ sở giáo dục.
"Bộ GD&ĐT sẽ yêu cầu trường học đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học trực tuyến để ứng phó trong tình hình dịch bệnh. Thời gian qua, các trường đã tổ chức học trực tuyến, học qua truyền hình rất bài bản, học sinh được học theo đúng chương trình", ông Nguyễn Xuân Thành cho hay.
Học trực tuyến được xem là cách học phù hợp với tình hình dịch bệnh. Giáo viên và học sinh đã có một khoảng thời gian từ đầu mùa dịch đến nay để làm quen với hình thức học này, theo đó có thể linh hoạt áp dụng tùy diễn biến dịch bệnh.
Theo ghi nhận từ lãnh đạo một số trường, do đã có thời gian "tập duyệt" nên nếu có chỉ đạo của Sở phải áp dụng học trực tuyến cho năm học 2020-2021, nhà trường sẽ thực hiện được một cách chủ động. Hiện giáo viên tại trường đang tiến hành rà soát lại phương pháp dạy học trực tuyến, củng cố những phần chưa thực hiện được, để khi cần có thể thực hiện song song hai phương thức học trực tiếp và trực tuyến ngay khi có yêu cầu.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn