Chị năm nay mới ngoài bốn mươi. Có thể do máu, do khó ngủ, thường thức khuya, những âu lo trong cuộc sống,... thi nhau tô màu lên mái tóc. Những sợi tóc phai màu lúa túa mọc ra trên đỉnh đầu, chẳng ngần ngại, chẳng quan tâm lắng lo của người.
Dẫu gương mặt, nước da còn đẹp nhưng những sợi tóc trái chiều thời gian vô tình "kể tội" phai phôi nếp tuổi của một đời người. Người ta tự ti, thở than, buồn bã cũng chỉ từ vài ba sợi tóc khác màu đi lạc.
Tóc chị bạc, tóc anh vẫn còn đen khi hai anh chị cũng chỉ cách nhau vài tuổi. Chị lo lắng, lúc lúi húi nhổ bớt những sợi tóc bạc. Mấy bận tóc trắng dày thêm chẳng thể nhổ được, lại lúi húi tìm thuốc nhuộm hay dầu gội đầu phủ bạc.
Phụ nữ cả một đời nặng gánh âu lo, lại thêm nỗi trăn trở nhan sắc. Anh vốn mộc mạc, giản dị và yêu thương. Với bản thân, lúc nào cũng đơn giản, mọi thứ tốt đẹp dành cho vợ con. Mỗi lần thấy chị lắng lo, anh thường đùa, "chị bây lo nhuộm tóc, làm đẹp cho trẻ, hẹn hò anh mô".
Dù được yêu thương, bản tính phụ nữ nào muốn thấy tàn phai trên xác thân. Họ vẫn luôn muốn mình trẻ đẹp.
Chẳng ai chống lại được thời gian. Mỗi sợi tóc như một dấu hiệu năm tháng đổi thay, phủ dày lên sức khỏe, đời người. Nhìn tóc bạc, người ta nghĩ về nửa con dốc đời đã chùng chình bước ngang qua. Ngoái lại phía sau mà tiếc nuối, nhìn về phía trước mà âu lo.
Người ta nhìn những sợi tóc bạc mà xót xa, nghĩ suy về từng được-mất, đến-đi, tàn phai - rơi rụng, về một thế giới ở bờ bên kia. Đời sống vô thường nhưng mấy ai đã tìm được sự an nhiên, chẳng lắng lo.
Từng gánh nặng cuộc sống, từng vén vun bao nhiêu năm trời, từng đứa con còn chưa trưởng thành, một mai rời đi, gánh nặng vẫn còn đầy. Mấy ai đã học được cách buông bỏ cho mình, cho người? Mấy ai đã học được cách bình thản trước lẽ sống - còn, đi - ở?
Ông đã gần 90 tuổi, bà hơn 80 tuổi. Hai ông bà ở tuổi xưa nay hiếm. Vậy mà lúc nào đi cùng nhau cũng nắm tay, chầm chậm, thong thả dìu nhau từng bước. Bà tươi tắn, rạng rỡ, ông hồn hậu, đáng mến. Tôi còn nhớ trong một chuyến đi chơi xa cùng các con cháu, xe dừng ở trạm nghỉ, nhìn qua lại không thấy bà đâu, ông hớt hải hỏi và đi tìm "bà đâu rồi?".
Ông và bà chẳng thể vắng nhau trong tầm mắt một lát. Ánh mắt ông luôn trìu mến hướng về bà. Ánh mắt bà nhìn ông dịu dàng. Ông hát, bà phụ họa theo. Ông quan tâm bà. Bà chăm sóc ông tận tình, chu đáo. Hai mái đầu bạc phơ vết thời gian nhưng đậm đà tình yêu thương năm tháng.
Nhìn cảnh hai ông bà nắm tay nhau đi trên đường, bà cầm chiếc gậy chống, ông chầm chậm đi bên cạnh, nghiêng nghiêng bờ vai và mái đầu chênh chếch về phía bà. Tôi và những đứa cháu khác nhìn ông bà mà thầm ao ước mình cũng tìm được một người như ông, bà để sau này có thể cùng nhau già đi, cùng nhau hạnh phúc, cùng nhau bạc đầu.
Mẹ mất sớm, tôi chẳng được nhổ tóc bạc cho mẹ như bao người. Một điều đơn giản, tưởng dễ dàng nhưng lại là cả một niềm ao ước. Có chăng ký ức còn lại là những lần dùng hạt thóc nhổ tóc sâu cho mẹ.
Đôi khi thèm thuồng ước ao một lần nào đó cũng được như bao đứa trẻ khác, vạch mái đầu chen lấn những sợi tóc trắng pha đen trên mái đầu của mẹ, cũng được mẹ nhờ cậy nhổ vài sợi tóc bạc, được cho mấy đồng bạc lẻ, lon ton đi mua kẹo như con nhà người ta. Hẳn đứa trẻ tôi cũng từng có ước ao bé mọn ấy mà chẳng bao giờ thành.
Thế nên, được ở bên mẹ, được nhổ từng sợi tóc pha sương gió âu cũng là niềm hạnh phúc mà chẳng phải ai cũng có thể trải qua. Thế nên, nhìn những sợi tóc bạc mà nhắc nhớ chính mình trân quý mẹ cha, trân quý từng thương yêu bên cạnh.
Ai rồi cũng phải trải qua gió mưa năm tháng, đếm tóc pha sương trên mái đầu đấng sinh thành, người thân. Ai rồi cũng đến đoạn đường bên kia con dốc, tóc nhuộm sương phôi mà tiếc nuối thời gian ngắn ngủi, chia xa vội vàng, nhân gian vô thường.
Thế nên nhìn tóc mà thương người, mà nghĩ về nhau, trân quý thời gian còn bên nhau, mà nắm níu đôi tay cùng nhau đi đến bạc đầu. Hạnh phúc thật giản đơn, là cùng nhau bạc đầu, đi qua những tàn phai…
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn