Nam sinh Hà Nội không thi lớp 10 mà quyết định đi học nghề, chia sẻ thực tế về môi trường học của hệ 9+

22:45 | 09/07/2023;
Môi trường học của hệ 9+ thực tế ra sao?

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2023-2024 ở Hà Nội, có gần 105.000 thí sinh đăng ký dự thi, trong khi tổng chỉ tiêu là khoảng 72.000. Như vậy, khoảng 33.000 em sẽ không có suất vào công lập. Các em này sẽ có những lựa chọn học tập khác như trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp,...

Thực tế, nhiều năm gần đây, có không ít học sinh chọn học chương trình 9+ tại các trường trung cấp, cao đẳng. 9+ là tên thường gọi của mô hình đào tạo song song giữa học nghề và học văn hóa. Theo thông tư 15/2022/TT-BGDĐT, chương trình văn hóa ở đây là khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 3 môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Lịch sử.

Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề đào tạo phải học thêm ít nhất một môn lựa chọn trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý. Sau 3 năm học, học sinh có thể tham gia thi tốt nghiệp THPT như các học sinh ở các trường phổ thông công lập. Bên cạnh đó, thí sinh sẽ được học nghề miễn phí, theo quy định của Chính phủ.

Học sinh sẽ được xét tốt nghiệp THPT (nếu đủ điểm tốt nghiệp trong kỳ thi tốt nghiệp THPT) và có bằng tốt nghiệp trung cấp. Học tiếp 1-1,5 năm, tùy từng trường, học sinh sẽ được liên thông và có bằng tốt nghiệp Cao đẳng.

Dù hệ 9+ đang ngày càng phổ biến hơn nhưng nhiều em vẫn đang còn e ngại với chương trình này bởi định kiến "học nghề toàn những học sinh kém, ngỗ nghịch, chất lượng giảng dạy sẽ không đảm bảo"

Việc học văn hóa được kết hợp với học nghề, ngoài ra được học thêm kỹ năng mềm

Em Ngô Vi Nam Khánh, sinh năm 2006, hiện đang theo học năm 2 hệ 9+ tại một trường cao đẳng nổi tiếng ở Hà Nội, chuyên ngành Thiết kế đồ họa. Trước đó, em là học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt, quận Long Biên.

Sau khi tốt nghiệp cấp 2, vì học lực không thực sự tốt nên em quyết định không thi cấp 3 công lập mà chọn lựa học hệ 9+. Khánh chia sẻ, thủ tục học hệ 9+ khá đơn giản, không lằng nhằng, chỉ cần xét tuyển học bạ.

Nam sinh Hà Nội không thi lớp 10 mà quyết định đi học nghề, chia sẻ thực tế về môi trường học của hệ 9+ - Ảnh 1.

Nam sinh Ngô Vi Nam Khánh.

Cũng từng có những lo sợ về chất lượng của hệ 9+, nhưng khi theo học, tự mình trải nghiệm, Khánh thấy rất bất ngờ vì chương trình học khá thú vị. Năm 1, em được học văn hóa, các môn kỹ năng mềm (kỹ năng quản lý cảm xúc, kỹ năng hợp tác làm việc nhóm...) và võ. Năm 2, em bắt đầu học các môn chuyên ngành, kết hợp văn hóa.

"Các môn văn hóa có Toán, Văn, Lý, Hóa, Anh. Em được học từ lớp 10 lên dần lớp 12, nếu không qua môn nào sẽ phải học lại đến khi qua thì thôi. Nhiều người nghĩ học hệ 9+ thì những môn văn hóa sẽ bị xao nhãng, "dạy lấy lệ" nhưng em thấy không phải như vậy", Khánh chia sẻ.

Hiện tại lịch học của Khánh sẽ kéo dài từ thứ 2 - thứ 7. Các ngày 2, 4, 6 em học 4 tiết; gồm 2 môn tiếng Anh với Nhiếp ảnh. Còn thứ 3, 7 là 4 tiết môn Luật bố cục xa gần. Còn thứ 5 em học Nhiếp ảnh và Kỹ năng mềm. Khánh đánh giá cao những kiến thức nghề nghiệp em được dạy tại trường, cũng như cách truyền đạt kiến thức dễ hiểu từ giáo viên.

"Cứ mỗi kỳ thì, chúng em sẽ được đổi giáo viên", Khánh chia sẻ thêm. 

Được biết, trường của Khánh thường xuyên tổ chức thêm các hoạt động trải nghiệm cho học sinh. Chẳng hạn như các show ca nhạc có mời ca sĩ nổi tiếng đến tham dự, giải bóng đá, bóng rổ, hội chợ... Trung bình một kỳ học sẽ có khoảng 3 hoạt động. Nhờ vậy, các bạn học sinh có nhiều trải nghiệm thú vị bên cạnh việc học.

Mọi người nghĩ "hệ 9+ toàn hư kém", thực tế như nào?

Nhiều người vẫn định kiến "hệ 9+ toàn hư, kém, chắc cũng chẳng học hành gì đàng hoàng, chỉ vào trường cho có cái bằng". Tuy nhiên Khánh cho biết, những định kiến này không đúng. Tại trường của em, các bạn rất chú tâm vào việc học. Có nhiều bạn thường xuyên đạt 9, 10 điểm.

Tuy nhiên, giống như những trường THPT bình thường khác, cũng sẽ có bạn học giỏi, bạn học kém, bạn chăm ngoan, bạn bướng bỉnh. Và ở trường của Khánh cũng vậy. "Ở đâu, cũng sẽ có bạn ngoan, bạn hư. Môi trường nào cũng không tránh khỏi việc đó", Khánh nhận định. Theo em, quan trọng nhất là ý thức của người học. Như ở lớp của Khánh, các bạn đều rất hòa đồng, chăm chỉ, điểm số ở mức khá cao.

Được biết, học phí tại ngôi trường cao đẳng mà Khánh đang theo học là 9 triệu đồng/kỳ (một kỳ học gồm 3 tháng). Mức học phí này khá "dễ thở". 

Sau 2 năm học hệ 9+, Khánh chia sẻ: "Nhiều bạn vì định kiến mà e ngại, không dám học hệ 9+. Từ kinh nghiệm của bản thân, em thấy đây là một môi trường học đáng thử. Ở trường em, việc học khá vui, không nặng kiến thức, lại có nhiều trải nghiệm. Hoàn toàn không "đáng sợ" như mọi người vẫn lầm tưởng".

Nam sinh này cho biết, sau khi tốt nghiệp hệ 9+, em sẽ đi học thêm một số kiến thức nữa để đi làm. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn