Nam sinh lớp 12 bất ngờ đột quỵ: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ ở người trẻ

19:54 | 23/03/2023;
Đột quỵ ngày càng phổ biến ở người trẻ. Nhất là vào những ngày nắng nóng, căn bệnh có xu hướng tăng cao.

Đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa

Mới đây, thông tin nam sinh lớp 12 đang khỏe mạnh, học hành bình thường bất ngờ bị đột quỵ khiến nhiều người giật mình. Cụ thể, em H.H.C (SN 2005, trú xóm 2, xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An) hiện học lớp 12. Ngoài giờ học, em phụ giúp bố mẹ làm nông, cuối tuần đi phụ hồ. 

Thế nhưng chỉ sau một cơn đau đầu, C. bắt đầu bị co giật toàn thân, hôn mê. Qua chụp chiếu, các bác sĩ chẩn đoán C. bị xuất huyết dưới nhện do vỡ túi phình lớn động mạch cảnh trong phải. C. đã bị đột quỵ khi tuổi đời còn rất trẻ.

Từ vụ nam sinh lớp 12 bất ngờ bị đột quỵ: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo sớm - Ảnh 1.

Có thể nói, đột quỵ hiện nay ngày càng trẻ hóa, nhất là vào thời tiết nắng nóng. Vào tháng 10/2021, Bệnh viện Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ cứu sống bé N.T.M 8 tuổi ở An Giang bị đột quỵ nhồi máu não. 

Cũng trong năm 2021, một nữ sinh lớp 12 ngụ Long An bị đột quỵ sau khi đi học về. Vào đầu năm 2021, Bệnh viện Nhi đồng TP HCM cũng thông tin về trường hợp một bệnh nhi 3 tuổi đã được cứu sống sau 1 tháng nhập viện vì đột quỵ xuất huyết não.

Đột quỵ hiện không còn là căn bệnh được quy cho người già hay người trưởng thành nữa. Do đó, dù là trẻ nhỏ, cha mẹ cũng nên lưu tâm đến chứng bệnh đáng sợ này để nhanh chóng đưa con đi khám và điều trị kịp thời.

Theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ, khoảng 15% bệnh nhân bị đột quỵ có độ tuổi trong khoảng từ 18-45 tuổi, tăng hơn 40% trong vòng 10 năm qua. Thông tin từ Hội Đột quỵ thế giới 2022 cho biết, mỗi năm trên thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới. Trong đó có hơn 16% ca đột quỵ xảy ra ở người trẻ, trong độ tuổi 15-49.

Nguyên nhân nào dẫn đến đột quỵ ở người trẻ ngày càng nhiều?

Theo GS.TS Nguyễn Lân Việt (Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam), đột quỵ có 2 loại gồm đột quỵ tim và đột quỵ não. Đối với đột quỵ não, có 2 dạng: xuất huyết não và tắc nghẽn mạch máu não. Đột quỵ thường gặp ở người cao tuổi nhưng thời gian gần đây có xu hướng ngày càng trẻ hoá.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng đột quỵ ở người trẻ là do tăng huyết áp. Tăng huyết áp, còn được gọi là cao huyết áp, là một tình trạng mà trong đó các mạch máu liên tục tăng áp lực. Đây được coi là "kẻ giết người thầm lặng" bởi nó hiếm khi gây ra các triệu chứng khiến nhiều người không hề biết là mình đang mắc phải.

Từ vụ nam sinh lớp 12 bất ngờ bị đột quỵ: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo sớm - Ảnh 3.

Khi những áp lực trong mạch máu cao hơn thì trái tim càng gặp khó khăn hơn trong việc phải làm việc để bơm máu. Nếu không được kiểm soát, tăng huyết áp có thể dẫn đến một cơn đau tim và cuối cùng là suy tim. Áp suất trong mạch máu cũng có thể gây ra chảy máu vào trong não. Điều này có thể gây ra một cơn đột quỵ. Tăng huyết áp cũng có thể dẫn đến suy thận, mù lòa, vỡ mạch máu và suy giảm nhận thức.

Ngoài tăng huyết áp, tiền sử gia đình có người bị đột quỵ hay dị dạng mạch máu não kèm theo cũng có thể là nguyên nhân gây đột quỵ. Riêng với người trẻ, đột quỵ xuất huyết não chủ yếu do dị dạng mạch máu não hoặc dị dạng mạch máu não kèm theo tăng huyết áp.

Thêm vào đó, áp lực công việc, học tập, căng thẳng kéo dài, thiếu thời gian quan tâm sức khỏe, lười vận động, lạm dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá... cũng là nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người trẻ. Ví dụ trẻ ở lứa tuổi học sinh có thể gặp áp lực trong học hành, căng thẳng khi gia đình kỳ vọng, học lấy điểm số...

Từ vụ nam sinh lớp 12 bất ngờ bị đột quỵ: Chuyên gia chỉ rõ nguyên nhân và dấu hiệu cảnh báo sớm - Ảnh 4.

Làm thế nào để nhận biết một cơn đột quỵ sắp đến?

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), ở trẻ lớn, dấu hiệu đột quỵ tương tự như ở người lớn. Cụ thể là méo miệng, nói đớ, liệt nửa người đột ngột... Trẻ đột nhiên xuất hiện đau đầu dữ dội, giảm tri giác, bất tỉnh, hôn mê sâu...

Ở trẻ nhỏ, những dấu hiệu của bệnh đột quỵ khó nhận ra hơn. Nhiều trường hợp trẻ không có biểu hiện rõ ràng mà chỉ xuất hiện cơn đau đầu, nôn ói, lơ mơ, lừ đừ... nên dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác.

Những lúc như vậy, gia đình không nên chủ quan. Nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất có chuyên khoa ngoại thần kinh để kịp thời xử lý.

Ngoài ra, dù là người trẻ hay già cũng nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống và sinh hoạt điều độ. Không nên căng thẳng kéo dài. Hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá... để phòng tránh đột quỵ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn