Nam sinh Thanh Hóa loạn thần vì áp lực học tập

10:12 | 07/06/2017;
Do luôn mong muốn đi học nước ngoài nên Q. (quê THanh Hóa) đã miệt mài học tập. Tuy nhiên, ước mong quá sức của bản thân nên em đã bị rối loạn lo âu, phải vào Viện Sức khỏe Tâm thần (BV Bạch Mai) điều trị.
Em Lê Ngọc Q. (20 tuổi, Thanh Hóa) đang được điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai).
Trò chuyện với chúng tôi, em cho biết sau khi học xong phổ thông, em có nguyện vọng du học ở nước ngoài. Do mong muốn của em quá mãnh liệt mà bản thân không đáp ứng được nên em đã bị rối loạn lo âu với các biểu hiện như: Sợ hãi việc học, lúc nào cũng lo lắng, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, cảm giác mệt mỏi “kiệt sức”, khó tập trung, đầu óc như trống rỗng, tính tình thay đổi, căng cơ, đi học thì xin cô cho về…
ap-luc-thi-cu-1.jpg
Một bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do học tập được điều trị tại Viện Sức khỏe Tâm thần 
Theo Theo TS.BSCKII Nguyễn Văn Dũng - Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Q. là một trong nhiều bệnh nhân bị rối loạn lo âu, có dấu hiệu của tâm thân, do chính bản thân tạo áp lực cho mình.
Điểm chung của những bệnh nhân này là luôn trong trạng thái học tập căng thẳng, tâm trạng lo sợ thi rớt, sợ thua kém bạn bè, cố gắng đạt thành tích quá cao, vượt sức mình. Nhiều em không biết cách sắp xếp, phân bổ thời gian học tập và nghỉ ngơi hợp lý, còn dành nhiều thời gian chơi game, vào Internet, nhiều em đến gần ngày thi mới học dồn, học ngày, học đêm nên không đủ thời gian nghỉ ngơi.

Thậm chí, có em chỉ ngủ 2 - 3 tiếng/ngày dẫn đến quá trình học tập bị giảm sút. Để đối phó với việc thức đêm, các em lại lạm dụng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá mà không chú ý đến việc bổ dung dinh dưỡng và năng lượng phù hợp.

ap-luc-thi-cu-2.jpg
 TS Nguyễn Văn Dũng thăm hỏi một bệnh nhân bị rối loạn cảm xúc do áp lực học tập.
Lưu ý đề phòng hành vi tự sát của bệnh nhân
Để điều trị cho những bệnh nhân này, theo TS Nguyễn Văn Dũng, việc đầu tiên là chúng ta phải tách các em khỏi những áp lực đó, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý. Đối với cha mẹ, trong quá trình nuôi dạy con, các bậc cha mẹ cần chú ý tới việc giáo dục nhân cách và nâng cao bản lĩnh cho các em để vững vàng đối mặt với những khó khăn, áp lực trong cuộc sống. Trang bị cho con kỹ năng sống, giúp con thích ứng với stress. Cha mẹ cũng phải nhìn nhận đúng năng lực và sở trường của con em mình, từ đó động viên, khuyến khích các em học, tránh tạo áp lực căng thẳng, kỳ vọng quá mức với các em.

Theo các chuyên gia, điều trị các rối loạn tâm thần liên quan đến áp lực học và thi phải tùy theo mức độ và tùy theo rối loạn mà có phác đồ điều trị phù hợp. Cần phải điều trị nội trú tại bệnh viện những trường hợp có ý tưởng hoặc hành vi tự sát, hay bệnh nhân loạn thần. Cần kết hợp các liệu pháp tâm lý và liệu pháp hóa dược. Liệu pháp tâm lý được sử dụng là liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp tâm lý nhóm, liệu pháp gia đình, kỹ thuật thư giãn luyện tập… Các thuốc có thể hỗ trợ điều trị như thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần.

TS.BSCKII Dũng khuyến cáo, rối loạn cảm xúc hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu chúng ta phát hiện sớm. Khi thấy con em mình có những biểu hiện bất thường, các bậc cha mẹ cần phải đưa các em đến ngay bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được khám, tư vấn và có hướng điều trị thích hợp. Tránh thái độ kỳ thị và tự ý mua thuốc bên ngoài để uống hoặc cúng bái, tin tưởng vào các đấng siêu nhiên.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn