Áp lực quá lớn từ bố mẹ
ThS.BSNT Đỗ Thùy Dung, Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho hay mới đây bác sĩ tiếp nhận điều trị một trường hợp học sinh 18 tuổi bị trầm cảm nặng, có ý tưởng tự sát tới khám và điều trị. Đặc biệt, nam sinh này đã có những dấu hiệu trầm cảm từ năm lớp 10 nhưng gia đình không hay biết để can thiệp sớm cho em.
Nam sinh học tại một trường chuyên, được người nhà đưa tới khám do kết quả học tập sút kém, buồn chán, trong đầu luôn có ý định tự sát. Bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm mức độ nặng.
Theo lời kể của gia đình, bệnh nhân là người có tính cách hiền lành, trầm tính, ít nói, ít chia sẻ. Em rất chăm chỉ học tập, trên lớp có ít bạn, chỉ tập trung vào học, về nhà bệnh nhân không đi chơi, không tập thể dục, thời gian rảnh đọc sách, học bài. Em luôn là học sinh giỏi ở tất cả các cấp (cấp 1, 2) và có niềm đam mê với môn tiếng Anh. Lên cấp 3, em học tại một trường chuyên và được thầy cô chọn vào đội tuyển ôn thi học sinh giỏi tiếng Anh.
Từ khi vào đội tuyển tiếng Anh, em luôn bị bố mẹ hối thúc việc học, điều này khiến em cảm thấy bị áp lực và dần dần chán nản, ghét cả môn học mà mình yêu thích. Dù đã thi được chứng chỉ IELTS nhưng em đã tự xin ra đội tuyển vì cảm thấy áp lực và chán nản, không còn hứng thú trong việc học.
Trong thời gian đó, em vẫn cố gắng duy trì việc học tập các môn học, tuy nhiên áp lực từ gia đình khiến em dần mất hứng thú, chán nản, bi quan, không có định hướng cho tương lai.
Khoảng 2 tháng trước khi đến khám, em cảm thấy chán nản tất cả mọi thứ, trên lớp hay ngủ gục trên bàn, không tập trung nghe giảng, giảm quan tâm thích thú, không đi chơi, không tham gia các hoạt động với lớp, về nhà thường xuyên ở trên phòng không ra ngoài, thường cáu kỉnh, khó chịu với mọi người xung quanh.
Bệnh cạnh đó, em còn ngủ kém, chơi điện tử trên điện thoại, máy tính tới 2-3 h sáng và không học bài. Em cũng luôn cáu gắt, vùng vằng khi bị bố mẹ nhắc nhở. Đỉnh điểm, em không còn muốn giao tiếp với bố mẹ mà chỉ giao tiếp với cô của mình.
Cô bệnh nhân chia sẻ khoảng 2 tháng nay, bệnh nhân cảm thấy buồn chán, không muốn học, chỉ muốn 'kết thúc' cuộc đời. Em cảm thấy cuộc sống không còn thú vị khi bố mẹ không hiểu, gây áp lực; niềm yêu thích duy nhất là học tiếng Anh cũng không còn hứng thú nữa.
Theo bác sĩ Dung, bệnh nhân được chẩn đoán trầm cảm nặng có ý tưởng tự sát, được chỉ định nhập viện. Sau một thời gian điều trị, bệnh nhân đã quay trở lại cuộc sống bình thường, đã cởi mở với mọi người và đã thi đỗ đại học.
Đừng gây quá nhiều áp lực lên các con
ThS.BS Lê Công Thiện, Trưởng phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Phó Tổng Thư ký Hội Tâm thần học Việt Nam, cho hay trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến. Đặc trưng mắc trầm cảm là sự buồn bã, mất đi hứng thú, khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung.
Trầm cảm ở tuổi học đường ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.
Theo bác sĩ Thiện, tỷ lệ mắc bệnh trầm cảm ở trẻ em hàng năm là 0,3 - 7,8% ở trẻ em dưới 13 tuổi, 1 - 2% ở tuổi 13 và từ 3 - 7% ở tuổi 15. Các quốc gia có thu nhập thấp hơn hoặc trung bình có tỷ lệ trầm cảm ở thanh thiếu niên cao hơn so với các quốc gia có thu nhập cao hơn, cụ thể 10 - 13% ở trẻ em trai và 12 - 18% đối với trẻ em gái.
Trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể do nhiều nguyên nhân như:
- Di truyền
- Thay đổi nồng độ các chất dẫn truyền thần kinh
- Thay đổi cấu trúc giải phẫu não bộ
- Thay đổi nồng độ hormon
- Áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội
- Sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ theo tuổi
- Ám ảnh bởi những đau thương thời thơ ấu
- Lối sống không lành mạnh
Bác sĩ Thiện cho biết các rối loạn trầm cảm ở trẻ tuổi học đường cũng giống ở người lớn, tuy nhiên có vài sự khác biệt. Trẻ bị trầm cảm dễ bị kích thích về cảm xúc, khả năng kiềm chế thấp nên dễ cáu giận, bùng nổ.
Bác sĩ Thiện khuyến cáo: "Tỷ lệ có ý tưởng và hành vi tự sát ở đối tượng này cao hơn ở người lớn. Một số trẻ trầm cảm cố gắng bù đắp cho lòng tự trọng thấp bằng cách cố gắng làm hài lòng người khác nên trẻ có thể xuất sắc trong học tập và cư xử tốt. Vì vậy trầm cảm của trẻ có thể không được chú ý".
TS. Trịnh Thị Thanh Hương, Phòng Tâm lý lâm sàng, Viện Sức khoẻ Tâm thần, cho hay cha mẹ không nên tạo quá nhiều áp lực cho con. Trẻ cần phải được thấu hiểu, sẻ chia để phát hiện trầm cảm sớm.
Để phát hiện trẻ trầm cảm, chuyên gia lưu ý bố mẹ cần phải nâng cao hiểu biết về các triệu chứng của trầm cảm và ảnh hưởng của bệnh đến mối quan hệ của trẻ với gia đình và bạn bè.
Về phía nhà trường, cần đẩy mạnh hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của thầy cô và học sinh, không kỳ thị hoặc xa lánh những trẻ có vấn đề về sức khỏe tâm thần trong đó có trầm cảm.
Cần có sự tham gia của nhà trường trong việc phát hiện sớm, liên kết gia đình và các nhà chuyên môn trong thăm khám, chẩn đoán và điều trị cho các trẻ có dấu hiệu mắc trầm cảm.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn