Hoàng Nam nhập học ngành Kinh tế và Tài chính tại Đại học RMIT tháng 10/2019 và tốt nghiệp đầu năm 2022, với bằng Giỏi. Trong khi sinh viên khác thường mất 4 năm để hoàn tất chương trình bậc đại học, Nam rút ngắn thời gian này xuống gần một nửa, bởi cậu sớm tìm hiểu kỹ chương trình học và nghiêm túc lên kế hoạch thực hiện nó.
“Gia đình đã tạo điều kiện để em có thể học ở môi trường quốc tế. Vì thế nên em xác định tâm thế ngay từ đầu là phải tự học, tự tìm tòi để có kiến thức vững chắc”, Nam nói và cho biết luôn đặt chiến lược học tử tế và chuẩn chỉnh. “Quan trọng nhất là có kế hoạch và phương pháp nhanh gọn. Với em, cách nhanh nhất là kết nối với những người giỏi giang để nhanh chóng tìm ra hướng phát triển”.
Khi mới nhập học, Nam tìm cách kết nối với các bạn trong ngành, những anh chị khóa trên và các anh chị đã đi làm. Theo Nam, người đi trước thường có những kỹ năng và kiến thức mà mình phải mất nhiều thời gian mới có thể học được.
“Người đi trước thường có cách tiếp cận vấn đề một cách thông minh và sắc bén. Mình cần học điều này để tăng sự nhạy bén, cải thiện cách học tập và làm việc. Hiện nay, sự nhạy bén rất quan trọng đối với những người học và làm trong ngành tài chính, đặc biệt là khi muốn phát triển nhanh và có được những cơ hội việc làm mơ ước”, Nam nói.
Qua quá trình trau dồi và học hỏi từ họ, Nam có thể rút ngắn thời gian học một kỹ năng từ vài tháng xuống vài tuần. Đó cũng là bí quyết giúp cậu hoàn thành sớm chương trình đại học.
Nam còn áp dụng bí quyết này trong việc cải thiện kết quả tiếng Anh. Trước khi vào trường, cậu không khỏi tự ti vì trình tiếng Anh là “con số 0 tròn trĩnh”, thậm chí còn nghĩ “mình vào đường cùng rồi”.
Đầu lớp 12, Nam mới chuyên tâm học ngôn ngữ này. Cậu sau đó duy trì sự bền bỉ trong khoảng nửa năm, ngày nào cũng trau dồi, luyện tập và trao đổi phương pháp học với bạn bè và tìm tòi chiến lược thi của những người đi trước. Dù vất vả song kết quả vượt quá mong đợi của Nam tại thời điểm đó, với IELTS 7.0.
Với cách “hỏi nhanh, làm nhanh”, chàng trai 21 tuổi sớm đi thực tập và có công việc chính thức tại một công ty bất động sản hàng đầu thế giới, với vị trí chuyên viên phân tích tài chính, khi còn chưa chính thức tốt nghiệp.
“Em muốn phát triển bản thân một cách tối đa nên tham gia các câu lạc bộ (CLB) và làm những dự án xã hội. May mắn, em được bầu chọn vị trí chủ tịch SIFE (Students In Free Enterprise - CLB đóng góp những dự án có tính thiết thực về mặt kinh tế, môi trường và xã hội), với 80 thành viên”, Nam chia sẻ.
Ở tuổi 20-21, việc dẫn dắt một CLB hơn 80 thành viên là điều khó khăn. Nam trăn trở làm sao để cùng nhau tạo ra những dự án, làm thế nào để các thành viên có sự kết nối và cùng nhau đi lên.
Cậu không ngừng suy nghĩ, sáng tạo để cùng thành viên CLB tổ chức các sự kiện lớn như Peaking Point 2021- cuộc thi Social Marketing có quy mô toàn quốc hướng đến cộng đồng LGBTQ+ và một số dự án xã hội về trẻ em, người có hoàn cảnh khó khăn,...
Vừa phải học, vừa ôm đồm việc CLB khiến Nam đôi khi thấy “quá tải”, thậm chí một số kế hoạch học tập bị chệch khỏi đường ray.
“Có những lúc em phải lắng nghe xem mình muốn gì ở thời điểm đó, phải sắp xếp thứ tự ưu tiên cho các công việc, chứ không dám “tham lam”. Nhưng khi thấy sự kiện mình tổ chức có tầm ảnh hưởng và tác động mạnh đến cộng đồng, em vẫn muốn tiếp tục”, Nam nói.
Dù bận rộn nhưng Nam thấy mình cứng cáp, chín chắn và trưởng thành hơn. Kỹ năng giao tiếp được cải thiện, cùng với đó là khả năng kết nối mọi người, kỹ năng lãnh đạo và thích nghi trong đa môi trường.
“Một sinh viên chuẩn bị gia nhập thị trường lao động cần phải trau dồi học hỏi nhiều kỹ năng mềm thông qua hoạt động CLB và xã hội. Nếu không có những kỹ năng đó, chặng đường sau này sẽ vất vả hơn. Thực tế cho thấy, khoảng thời gian ở CLB giúp em hòa nhập môi trường làm việc mới khá nhanh”, chàng trai 21 tuổi chia sẻ.
Mỗi lần “quá tải” hay bí bách, Nam thường tìm đến sân khấu. Chàng trai 21 tuổi có nhiều tài lẻ như diễn xuất, làm MC, chơi piano và hát. “Âm nhạc và sân khấu khiến em giảm bớt căng thẳng. Nó là một phần giúp cân bằng cuộc sống muôn màu muôn vẻ”, Nam nói và cho biết được cha mẹ cho học piano từ nhỏ. Cậu cũng thường xuyên xuất hiện trên các sân khấu lớn nhỏ của trường.
Với nhiều tài lẻ, Nam cùng đại diện RMIT tham gia chương trình SV 2020, một sân chơi trí tuệ, khai thác khả năng hài hước, thông thái của sinh viên, trên VTV3. Ngay phần chào SV, Nam đã gây ấn tượng với gương mặt điển trai và màn giới thiệu bằng chất giọng rắn rỏi và đầy năng lượng: “Chúng tôi đại diện cho thế hệ Z luôn tự tin, năng động và sẵn sàng đón đầu mọi thử thách”.
Những phần sau đó, Nam liên tục tạo dấu ấn và cùng cả đội tiến vào vòng chung kết khu vực, đối đầu với Học viện Báo chí & Tuyên truyền. Với chủ đề thời sự gắn liền với phát triển công nghệ và xã hội: Trí tuệ Nhân tạo AI, Nam đảm nhận vai diễn chính, tạo nên màn đối đầu gay cấn và kết thúc cuộc thi với nhiều ấn tượng để lại.
“Em và đồng đội đã được thể hiện tài năng và sự nhiệt huyết. Dù nhiều thử thách nhưng cả đội vẫn cùng nhau tiến lên phía trước với tinh thần gắn kết và giúp đỡ nhau vượt qua mọi trở ngại”, Nam nói và cho biết SV 2020 là sân khấu khó quên trong quãng đời sinh viên.
Hiện tại, Nam đã có công việc và cuộc sống ổn định song cậu luôn mong muốn tiếp tục việc học và hoạt động xã hội, đặc biệt là những hoạt động hướng đến cộng đồng trẻ.
“Hiện đa số người trẻ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với công việc mong muốn, em cũng từng như vậy. Đó là lý do em muốn mình sau này có đủ khả năng để tạo ra ảnh hưởng tích cực, tiếp thêm động lực cho các bạn trẻ phát triển và có bước đi vững vàng trong sự nghiệp”, chàng trai 21 tuổi cho hay.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn