Ngày 28/4, bác sĩ Nguyễn Thị Minh, Trưởng khoa Da Liễu, BV Đa khoa tỉnh Tuyên Quang, cho biết, 1 tuần qua, khoa đã tiếp nhận 2 trường hợp: Trương Bình Nguyên, 5 tuổi, trú tại Xuân Vân, Yên Sơn và Lý Gia Bảo, 7 tuổi, trú tại Kim Phú, huyện Yên Sơn, nhập viện trong tình trạng tổn thương vùng đầu, có ổ mủ, gây đau, ngứa.
2 bé bị nấm tổ ong do tiếp xúc với chó, mèo |
Gia đình các bé cho biết, trước khi nhập viện khoảng 2 tuần, các bé có chơi với chó, mèo bị ghẻ, nấm (do gia đình nuôi). Sau đó trẻ ngứa nhiều vùng đỉnh đầu, xuất hiện mụn mủ rồi đau, sưng to thành 1 mảng tròn trên đầu. Gia đình đã đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
“Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán 2 bệnh nhi bị bệnh nấm tổ ong. Đây là 1 bệnh ít gặp do lây từ động vật như chó, mèo... Đầu tiên, các mụn mủ ở một số chân tóc, sau đó lan dần ra xung quanh, tạo thành 1 mảng lớn nổi cao thâm nhiễm. Bề mặt tổn thương gồ ghề, có nhiều vảy, nếu cạy vảy thì lỗ chỗ như tổ ong chứa nhiều mủ nên gọi là “tầng ong mật”, tóc bị rụng tại đám thương tổn”, BS Minh cho hay.
Sau 1 tuần điều trị, hiện 2 trẻ đã được trích rạch ổ áp xe, đồng thời chấm thuốc sát khuẩn, uống thuốc kháng nấm toàn thân, kháng histamin chống ngứa, chống viêm, giảm sưng phù nề, vitamin nâng cao thể trạng. Các bác sĩ cũng đã hướng dẫn gia đình các bệnh nhi cách chăm sóc để trẻ tránh lây nhiễm.
Nuôi chó, mèo đã trở thành thói quen của các hộ gia đình. Tuy nhiên, động vật sống cùng cần được vệ sinh sạch sẽ, tránh cho trẻ tiếp xúc trực tiếp (như ôm ấp, chơi đùa...) với chó, mèo bị bệnh. Khi phát hiện trẻ có các mụn mủ lạ trên đầu, cơ thể thì cần đưa bé đến cơ sở y tế chuyên khoa để được khám bệnh, điều trị và tư vấn kịp thời.