Tại Khánh Hòa, ngay sau khi có dự báo bão số 12 đang vào vùng biển Khánh Hòa thì tỉnh đã có công điện đến các huyện, thị, thành phố, các sở, ban ngành và các đơn vị liên quan triển khai các phương án khẩn cấp ứng phó mưa bão. Chuẩn bị mọi điều kiện ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp cơ quan liên quan thông báo cho người dân biết các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch, phương tiện đường thủy không được ra khơi kể từ 18 giờ ngày 2 -11.
Sở GD&ĐT Khánh Hòa cũng đã có văn bản yêu cầu các trường cho học sinh nghỉ học từ ngày 3 đến 5-11 để đảm bảo an toàn và có kế hoạch học bù vào thời gian thích hợp. Sở cũng yêu cầu các đơn vị phân công lãnh đạo thường trực 24/24 giờ để chủ động xử lý các tình huống xảy ra; thường xuyên theo dõi thông tin, phối hợp với địa phương và các đơn vị liên quan chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ, đảm bảo an toàn tính mạng của cán bộ, giáo viên, học sinh, phòng tránh các tai nạn đáng tiếc xảy ra...
Tại Ninh Thuận, vào chiều 2/11, UBND tỉnh Ninh Thuận có cuộc họp khẩn, triển khai công tác phòng chống cơn bão số 12 và tình hình mưa lũ trên địa bàn.
UBND tỉnh Ninh Thuận có công điện nghiêm cấm các tàu thuyền ra khơi đánh bắt và hoạt động trên biển; yêu cầu các ngành chức năng sắp xếp cho các tàu thuyền neo đậu an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu, phương tiện nội thủy, lòng bè nuôi thủy sản trước 13 giờ ngày 3 -11.
Tại Bình Định, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên trong nhiều ngày qua trên địa bàn đã có mưa to đến rất to.
Vào sáng 3/11, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức họp trực tuyến, triển khai biện pháp khẩn cấp phòng chống bão số 12. Trước đó, vào ngày 2/11, UBND tỉnh Bình Định cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chú ý bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, công trình đê kè, kêu gọi tàu thuyền trên biển trở về nơi tránh trú an toàn.
Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng yêu cầu ngành chức năng, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố triển khai các biện pháp gia cố, đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công, nhất là các tuyến đê biển, đê sông, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn.
Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định cũng đã có văn bản gửi các phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố, các trường THPT. Nội dung văn bản nêu rõ, trường hợp đang giảng dạy mà lũ lụt đến bất ngờ, hiệu trưởng khẩn trương phối hợp với chính quyền địa phương cử người trực đưa học sinh qua các đoạn đường nguy hiểm hoặc tạm giữ học sinh tại trường và thông báo cho gia đình học sinh biết, đến đón các em về. Tại các khu vực thường xuyên xảy ra ngập lụt, các trường cần có phương án bảo vệ an toàn các trang thiết bị dạy học.
Thông tin ban đầu cho thấy, hiện các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm kiếm thi thể của bà Nguyễn Thị Thu Tâm (50 tuổi) là nhân viên Trạm quản lý thủy nông đập Thạnh Hòa (Phường Nhơn Hòa, Thị xã An Nhơn). Trước đó, vào chiều 2 -11, trong lúc tham gia hỗ trợ một nhóm nhân viên trạm quản lý thủy nông khơi thông dòng chảy để bảo vệ thân đập thì bà Tâm bị trượt chân, rơi xuống dòng nước tràn qua đập.
Tại TP.HCM, vào sáng ngày 2/11, UBND TP cũng đã họp khẩn với 24 quận, huyện và các sở, ngành do ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực chủ trì về phương án phòng tránh, ứng phó với bão.
UBND huyện Cần Giờ, TP.HCM - cho biết, đã lên phương án di dời hơn 6.000 người ở Cần Giờ nếu bão đổ bộ vào và chằng chống hàng trăm căn nhà. Trong đó, xã Long Hòa là địa bàn có số lượng dân di dời nhiều nhất nếu bão đổ bộ vào với 1.410 người. Tiếp đến là các xã Lý Nhơn (970 người), xã Tam Thôn Hiệp (887 người), xã Bình Khánh (878 người)…
Riêng tại xã đảo Thạnh An(huyện Cần Giờ), UBND xã cũng đã có kế hoạch di chuyển hơn 800 người dân từ đảo vào thị trấn Cần Thạnh ( huyện Cần Giờ) nếu thời tiết xấu xảy ra. Trường hợp cần di dời cục bộ, chính quyền địa phương sẽ đưa 3.000 người dân ở khu vực nguy hiểm vào các nơi an toàn hơn như trường học, các trụ sở, chùa…
Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh mạnh và bão số 12, từ chiều và đêm nay (3/11), ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận có mưa rất to. Diễn biến mưa lớn còn phức tạp và kéo dài, lan rộng ra Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ.
Đợt mưa này có khả năng gây nên một đợt lũ diện rộng trên hầu hết các lưu vực sông thuộc các tỉnh từ Hà
Tĩnh đến Bình Thuận, khu vực Tây Nguyên và sông Đồng Nai. Lũ lớn tập trung ở khu vực từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Ngoài ra, còn có nguy cơ xảy ra lũ quét , sạt lở đất vùng núi, ven sông có nguy cơ xảy ra ở nhiều tỉnh thành. Đặc biệt khu vực vùng núi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk.