Nạn buôn người ở Nigeria được dựng thành phim và chiếu trên Netflix

22:58 | 09/10/2020;
Mỗi năm, có hàng chục nghìn người bị buôn bán từ Nigeria, đặc biệt là Bang Edo ở phía Nam quốc gia này. Để nâng cao nhận thức của mọi người về vấn nạn này, bộ phim “Oloture” do Kenneth Gyang làm đạo diễn đã tái hiện chân thực cuộc sống của những nạn nhân buôn người ở Nigeria.

"Oloture" vạch trần nạn buôn bán tình dục ở Nigeria

"Oloture" cho thấy những thực tế khắc nghiệt và phức tạp mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt, đồng thời khắc họa thế giới khủng khiếp của mại dâm và buôn người. Bộ phim được lấy cảm hứng từ một nhà báo điều tra Tobore Ovuorie của Premium Times, người đã hoạt động bí mật vào năm 2014 để phơi bày hiện thực cuộc sống của những phụ nữ bị buôn bán ở đất nước này. 

Báo cáo của cô có tựa đề Inside Nigeria's Ruthless Human Trafficking Mafia (tạm dịch: Phía sau nạn buôn người tàn nhẫn ở Nigeria) đã lan truyền mạnh mẽ. Sau đó, cô bị hành hung như mô tả của nhân vật chính trong phim.

Phim do Kenneth Gyang đạo diễn, cho thấy cách tuyển dụng và bóc lột người bán dâm ở nước ngoài với sự tham gia của các diễn viên Beverly Osu, Segun Arinze, Omoni Oboli, Yemi Solade và Wofai Fada.

Phụ nữ bị bóc lột tình dục

Mỗi năm, có hàng chục nghìn người bị buôn bán từ Nigeria, đặc biệt là Bang Edo ở phía nam quốc gia này - nơi đã trở thành một trong những địa điểm lớn nhất của châu Phi đối mặt với tình trạng di cư bất thường.

Tổ chức Di cư Quốc tế (IMO) ước tính 91% nạn nhân bị buôn bán từ Nigeria là phụ nữ và một nửa trong số họ bị bóc lột tình dục bởi những kẻ buôn người.

Thông qua "Oloture", khó khăn của những người phụ nữ bị bóc lột tình dục được đưa ra ánh sáng. Bộ phim phơi bày cách những phụ nữ được tuyển dụng và buôn bán ra nước ngoài để thu lợi thương mại.

Mo Abudu, nhà sản xuất điều hành của "Oloture", chia sẻ rằng bộ phim tội phạm này lấy cảm hứng từ nhiều vụ buôn người trên khắp thế giới và ở Nigeria.

"Đã có nhiều báo cáo trên khắp thế giới nêu bật vấn nạn buôn người và chế độ nô lệ thời hiện đại. Tôi tìm hiểu, nghiên cứu và đã hoàn toàn bị sốc khi xem qua các con số và thấy số tiền kiếm được hàng năm từ nạn buôn con người"- cô nói.

Buôn người là một ngành công nghiệp toàn cầu trị giá 150 tỷ đô la. Và 2/3 con số này được tạo ra từ việc bóc lột tình dục, theo một báo cáo năm 2014 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Abudu - đồng thời là Giám đốc điều hành của EbonyLife Films, công ty sản xuất "Oloture" nói thêm rằng bộ phim phản ánh một số phóng sự thực tế của các nhà báo, bí mật vạch trần các mô hình buôn bán tình dục trong nước. Một trong số đó là báo cáo năm 2014 của nhà báo Tobore Ovuorie, trên tờ báo Premium Times của Nigeria.

Ước mong đổi đời khiến nạn nhân sa bẫy

Ovuorie, người đóng góp thông tin cho "Oloture", tiết lộ rằng phụ nữ thường bị buôn bán do nhu cầu kiếm tiền ở nước ngoài. Ovuorie cho biết trong quá trình trải nghiệm của mình cô đã gặp nhiều phụ nữ muốn đến châu Âu với hy vọng có cơ hội việc làm tốt và kiếm được nhiều tiền hơn.

"Mọi người bị nhu cầu làm giàu và lòng tham làm mờ mắt. Tôi đã nói chuyện với nhiều phụ nữ được cho là nạn nhân của buôn người. Theo đó, nhiều người trong số họ muốn có cuộc sống tốt hơn bằng cách kiếm nhiều tiền. Có một cô gái chưa bao giờ kiếm được tiền lương nhiều hơn 50.000 naira (khoảng 130 đô la) kể từ khi tốt nghiệp đại học". Hầu hết phụ nữ muốn thoát khỏi điều kiện kinh tế khắc nghiệt và nghèo đói, khiến họ trở thành con mồi cho những kẻ buôn người.

Trong cuộc điều tra của Ovuorie, cô cho biết mình đóng giả làm gái mại dâm trên đường phố Lagos, muốn đi du lịch châu Âu. Kế hoạch của cô đã thành công. Cuối cùng cô đã được kết nối với một kẻ buôn người hứa đưa cô đến Ý. Cô đã hợp tác với ZAM Chronicles và Premium Times ghi lại những trải nghiệm của mình.

Sau khi được "huấn luyện", cô ấy cho biết cô và những cô gái khác sẽ nhận được hộ chiếu giả để chuẩn bị cho việc ra nước ngoài bất hợp pháp qua biên giới ở Benin, Tây Phi. Tuy nhiên, cô đã trốn thoát ở biên giới.

Nạn buôn người ở Nigeria được dựng thành phim và chiếu trên Netflix - Ảnh 1.

Đạo diễn Kenneth Gyang lgiữa) làm việc ở trường quay bộ phim "Oloture"

Nạn nhân bị đối xử tàn nhẫn, từ thực tế thành phim

Theo báo cáo năm 2019 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nhiều phụ nữ bị buôn bán ở Nigeria phải đối mặt với lạm dụng tình dục, thể chất và tinh thần .

Nhóm nhân quyền đã phỏng vấn nhiều phụ nữ và họ cho biết họ bị buôn bán qua biên giới quốc gia trong những điều kiện đe dọa tính mạng, như bị bỏ đói, hãm hiếp và tống tiền. Theo báo cáo, trong một số trường hợp, họ không những bị ép làm gái mại dâm, phải phá thai mà còn bị ép quan hệ tình dục với khách hàng trong khi ốm, hành kinh hoặc đang mang thai.

"Oloture" khắc họa một số thực tế khắc nghiệt khi nhân vật chính (do Ooja thủ vai) phải chịu bạo lực tình dục và lạm dụng thể chất, bao gồm cả việc bị đánh đập bởi những kẻ buôn người. Gyang chia sẻ điều quan trọng là phải mô tả chân thực nạn buôn bán tình dục để người xem có thể hiểu được trải nghiệm của những phụ nữ là nạn nhân.

"Tôi muốn mọi người biết rằng đây là thực tế của những người phụ nữ này. Mọi người luôn muốn một cái kết có hậu nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng vậy", anh nói.

Trong khi đạo diễn bộ phim, Gyang đã đến thăm những nơi có người bán dâm để hiểu rõ hơn về cách họ sống và làm việc. Ông nói: "Tôi thực sự đã đến những nơi có những người hành nghề mại dâm ở Lagos với một trong những nhà sản xuất của bộ phim. Chúng tôi muốn thực sự nắm bắt cuộc sống của họ để có thể thể hiện điều đó một cách chân thực trong phim. Chúng tôi đã nói chuyện với họ, và một số căn phòng trong phim thực sự đã được sử dụng bởi những người hành nghề mại dâm trước đây. Đây là bộ phim có ảnh hưởng lớn nhất mà chúng tôi từng làm."

Ông nói "Bộ phim được quay trong 21 ngày vào cuối năm 2018. Quá trình hậu kỳ đã được thực hiện vào năm 2019 và được phát hành vào hôm thứ thứ Sáu (2/10) trên Netflix. Chỉ trong vài ngày, nó đã trở thành bộ phim được xem nhiều nhất ở Nigeria và nằm trong số 10 bộ phim được xem nhiều nhất thế giới trên Netflix".

"Mọi người có thể xem bộ phim cho dù ở bất cứ đâu trên thế giới. Đây là điều rất quan trọng vì với tư cách là một nhà làm phim, tôi muốn nhiều người có thể xem và hiểu về nạn buôn bán tình dục", Gyang nói.

Nạn buôn người ở Nigeria được dựng thành phim và chiếu trên Netflix - Ảnh 2.

Các diễn viên đóng "Oloture" tại phim trường

Người ở vùng nông thôn cần được xem bộ phim này

Các Cơ quan quốc gia về Cấm buôn bán người (NAPTIP), các cơ quan thực thi pháp luật phụ trách chống buôn người ở Nigeria, muốn người dân trong cộng đồng nông thôn - những người không được tiếp cận với Netflix cũng có thể xem được bộ phim.

Julie Okah-Donli, tổng giám đốc của tổ chức cho biết "Bộ phim khắc họa những tệ nạn và nguy hiểm của nạn buôn người này sẽ giúp mọi người nâng cao nhận thức về vấn nạn này".

Okah-Donli nói "Khán giả xem 'Oloture' trên Netflix đều biết buôn người là gì. Tuy nhiên, bộ phim cần phải được đến với các cô gái ở cộng đồng nông thôn - nơi những kẻ buôn người thường nhắm đến. Đó là những cô gái cần được nâng cao nhận thức".

Bà cho biết thêm, với việc nhiều người hợp tác với NAPTIP và nâng cao nhận thức về tầm nguy hiểm của điều này sẽ giúp vấn nạn "buôn bán người" ở Nigeria được giảm bớt.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn