Chưa rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị nào?
Tại UBND xã Sài Sơn, ông Nguyễn Nho Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn, cho biết: “Nạn chặt phá gỗ sưa trên núi Thầy đã xảy ra từ lâu, tuy nhiên khu vực này không nằm trong quyền quản lý của UBND xã. Xã chỉ quản lý về địa giới hành chính, còn đơn vị quản lý và chịu trách nhiệm chính là thuộc về Ban quản lý Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách”.
Từ năm 2014, chùa Thầy và khu vực núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, Phượng Cách được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Theo quy định cả khu di tích và núi Sài Sơn do UBND huyện quản lý. UBND huyện có Ban quản lý (BQL) di tích kiêm nhiệm gồm nhiều thành viên là cán bộ, viên chức, công chức của UBND huyện và xã. Trong đó ông Nguyễn Đức Nam - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện làm Trưởng ban, ông Nguyễn Thiên Mạch - Chủ tịch UBND xã và Trung tá Lê Sơn Hải - Trưởng Công an xã Sài Sơn - là thành viên của Ban quản lý.
Ông Nguyễn Đức Nam cho biết: “Chúng tôi chưa nắm được thông tin về việc xảy ra nạn chặt phá cây sưa trên núi Thầy, việc này tôi sẽ cho anh em kiểm tra xác minh rồi trao đổi lại với phóng viên."
Ông Nam khẳng định Ban Quản lý di tích chỉ chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động trong phạm vi Di tích, còn việc bảo quản tài sản, an ninh trật tự thì thuộc về trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương.
Theo tìm hiểu của phóng viên, mặc dù trên bản đồ điện tử và văn bản quyết định của UBND TP Hà Nội ngày 26/2/2024, thể hiện việc giao cho chùa Cả (chùa Thầy) hơn 4.300m2 đất để quản lý sử dụng nhưng cho đến nay cán bộ địa chính xã Sài Sơn và cả Trưởng phòng tài nguyên và Môi trường huyện Quốc Oai cũng không thể xác định được thực tế mốc giới chùa Cả được giao quản lý tới đâu, gồm những hạng mục nào, trách nhiệm cụ thể của mỗi bên ra sao,.
Dân phải tự trang bị “áo giáp sắt” cho cây để phòng kẻ trộm
Do quá lo lắng trước sự lộng hành của những kẻ “sưa tặc”, sư trụ trì chùa Thầy đã phải mua các thanh sắt và lưới mắt cáo về vây chặt các gốc cây sưa còn lại ở ngay sau chùa để phòng kẻ trộm đến chặt trộm cây.
Ông Nguyễn Tất Kim, nhân viên bảo vệ tại chùa Thầy, cho biết: “Những kẻ trộm gỗ sưa lộng hành ghê lắm, giờ quanh nhà chùa chỉ còn lại 2 cây sưa này, tuy nằm sát vách nhà chùa, nhưng vẫn phải vây bằng cọc sắt, lưới thép nhiều lớp thì mới giữ được đến hôm nay. Nhưng chúng tôi vẫn lo lắng nó có thể bị cưa hạ bất cứ lúc nào, đặc biệt là những đêm mưa gió, tôi vẫn phải liên tục đi kiểm tra".
Tại dốc bậc thang lên chùa Cao, cách đây vài tháng có một cây sưa đang xanh tốt với đường kính chừng 50cm, mọc giữa khe đá cũng được bảo vệ bằng một lớp lưới sắt. Thế nhưng, hiện tại cây sưa này đã biến mất, để lại hiện trường đổ nát với nhiều mảnh đá. Có lẽ các đối tượng đã phá những tảng đá để đào lấy cả gốc lẫn rễ.
Trang bị "áo giáp sắt" để bảo vệ những cây sưa còn lại
Việc cần thiết lúc này là UBND TP Hà Nội cần có những chỉ đạo kịp thời nhằm ngăn chặn nạn "sưa tặc", để bảo tồn những cây sưa quý hiếm còn sót lại đang đứng trước nguy cơ bị trộm cắp. Đồng thời xem xét trách nhiệm của mỗi cá nhân tổ chức liên quan đến công tác quản lý di tích Quốc gia đặc biệt, khi để xảy ra tình trạng chặt phá gỗ quý suốt thời gian qua.
Việc chặt phá gỗ sưa đã diễn ra nhiều lần
Theo tìm hiểu của phóng viên, thì việc chặt trộm gỗ sưa trên núi Thầy không chỉ diễn ra từ vài năm gần đây, mà trước đó đã diễn ra từ hàng chục năm, cơ quan Công an đã từng triệt phá các nhóm tội phạm có hành vi chặt phá và tiêu thụ gỗ sưa trên núi Thầy.
Cụ thể, ngày 27/9, Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Quốc Oai đã làm rõ và ra lệnh bắt khẩn cấp Bùi Thanh Huynh (SN 1984, ở Cao Dương, Lương Sơn, Hòa Bình) vì hành vi trộm cắp. Huynh là đối tượng đã cưa trộm cây sưa tại núi chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai).
Vụ việc xảy ra chiều 23/9. Qua điều tra, cơ quan Công an thu giữ được tang vật gồm: 6 đoạn gỗ sưa tươi (nặng 123kg, trị giá khoảng 184,5 triệu đồng). Qua đấu tranh khai thác, Huynh đã khai nhận cùng với hai đối tượng cùng quê cưa trộm số gỗ trên.
Đến năm 2014, đối tượng Bùi Văn Thuật (SN 1979, trú tại xã Tân Lập, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình) đã 6 lần đến khu vực núi chùa Thầy thuộc xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, để trộm cắp gỗ sưa, với tổng trị giá hơn 200 triệu đồng.
Đến khi bị Công an huyện Quốc Oai bắt quả tang, Thuật đã khai ra đường dây tiêu thụ gỗ sưa trộm cắp trên núi Thầy, đến năm 2018, cả nhóm đối tượng này lần lượt bị xử tù.
Theo đó, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Bùi Văn Thuật 3 năm 2 tháng tù (bằng thời hạn giạm giam) về tội trộm cắp tài sản. Các bị cáo: Đinh Công Nghị 10 tháng tù; Đinh Công Thanh 9 tháng tù; Trần Xuân Tứ 9 tháng tù; Tạ Duy Sơn 8 tháng tù; bị cáo Hoàng Quốc Anh 7 tháng tù về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn