Ngày 6/12, Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM và Hội Giáo dục Nghề nghiệp TPHCM tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới với tiêu chuẩn quốc tế và thực tế tại Việt Nam".
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới; phác họa bức tranh chung về bạo lực giới và nạn nhân của bạo lực giới; tìm hiểu thực trạng triển khai các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới tại Việt Nam và so sánh các tiêu chuẩn quốc tế; thảo luận vai trò của các bên liên quan từ đó tìm ra các biện pháp thúc đẩy việc cung cấp gói dịch vụ thiết yếu hỗ trợ nạn nhân.
Theo nghiên cứu quốc gia về Bạo lực gia đình đối với phụ nữ tại Việt Nam do Tổng cục Thống kê và các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố vào năm 2010, ở Việt Nam có tới 58% phụ nữ từng kết hôn cho biết đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể xác, tình dục hay tinh thần; 32% phụ nữ từng kết hôn đã phải chịu bạo lực thể chất; 10% phụ nữ bị bạo lực tình dục; 54% bị bạo lực tinh thần; 9% bị bạo lực về kinh tế; 35% phụ nữ từng bị bạo lực thể xác hoặc tình dục bởi một ai đó có thể là bạn tình hoặc không phải bạn tình; khoảng 10% phụ nữ tại Việt Nam cho biết họ đã từng bị một người khác không phải là chồng gây bạo lực kể từ khi họ 15 tuổi; Tỷ lệ bạo lực do bạn tình gây ra cao gấp ba lần so với các đối tượng khác không phải là bạn tình; 87% phụ nữ và trẻ em gái đã từng chịu ít nhất một hình thức quây rối tình dục nơi công cộng…
Từ đó có thể thấy rằng, bạo lực giới có thể xảy ra với bất kỳ ai, trong bất kỳ độ tuổi nào và diễn ra với nhiều hình thức khác nhau gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, tại Việt Nam đã có các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bạo lực giới gồm: Dịch vụ chăm sóc y tế; dịch vụ hành pháp và tư pháp; dịch vụ xã hội.
Trong đó, dịch vụ chăm sóc y tế: bao gồm các hoạt động như xác định người trải qua bao lực do chồng hoặc bạn tình gây ra; trợ giúp ban đầu; chăm sóc tổn thương và điều trị y tế khẩn cấp; kiểm tra có bị tấn công tình dục hay không và chăm sóc, đánh giá sức khoẻ tâm thần và chăm sóc; lập hồ sơ (pháp y).
Dịch vụ hành pháp và tư pháp: bao gồm ngăn ngừa; tiếp xúc ban đầu; đánh giá hoặc điều tra; quá trình trước khi xét xử; quá trình xét xử; trách nhiệm của thủ phạm và đền bù, quá trình sau khi xét xử, an toàn và bảo vệ, giúp đỡ và hỗ trợ, truyền thông và thông tin; phối hợp trong lĩnh vực tư pháp.
Dịch vụ xã hội: bao gồm thông tin về khủng hoảng, tư vấn khủng hoảng; đường dây hỗ trợ; nơi trú ẩn an toàn, hỗ trợ vật chất và tài chính; làm mới, phục hồi, thay thế; giấy tờ tuỳ thân; thông tin, tư vấn và đại diện về pháp luật và quyền, kể cả trong các hệ thống pháp luật đa kênh; hỗ trợ và tư vấn tâm lý xã hội; sự hỗ trợ lấy phụ nữ làm trung tâm; dịch vụ dành cho mọi trẻ em chịu tác động của bạo lực; thông tin, giáo dục và khuyến khích sự tham gia của cộng đồng; hỗ trợ để có được sự độc lập; và phục hồi và tự chủ về kinh tế.
Việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân ở Việt Nam đã bước đầu được quan tâm thực hiện, tuy nhiên nhiều đại biểu tham dự đã mạnh dạn chỉ ra các hạn chế trong thực tế.
Bà Phan Thị Thu Hương, Phó Chánh tòa gia đình và người chưa thành niên, Tòa án Nhân dân TPHCM cho biết: "Đối với trường hợp bị bạo lực, khi họ bước chân đến tòa án thường lo lắng, bất an về mặt tâm lý. Tại Tòa án TPHCM đã xây dựng mô hình "tòa án thân thiện", mô hình này thể hiện trong quá trình xét xử, tất cả người tham gia cùng ngồi ngang bằng với nhau không có người trên hay kẻ dưới, để các nạn nhân tự tin đứng lên trình bày về quyền lợi của mình".
Ông Đỗ Hùng Vương, điều phối viên dự án Planete Enfants & Developpement chia sẻ: "Tâm lý của người dân thường bỏ qua mỗi khi có bạo lực gia đình, họ không muốn tố cáo chính người thân hoặc nhiều người vợ âm thầm chịu đựng bị bạo lực. Đó cũng là một trong những khó khăn thường gặp hiện nay trong quá trình ngăn cản bạo lực".
Ngoài ra, còn có nhiều khó khăn trong quá trình cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ như việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ hỗ trợ đối với nạn nhân của còn rất hạn chế, nhiều trường hợp người bị bạo lực giới không có khả năng tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý, ví dụ như người bán dâm, nhóm đồng tính, song tính, chuyển giới. Tỷ lệ nạn nhân tìm kiếm các biện pháp bảo vệ chính thức còn thấp, đặc biệt là nạn nhân bị quấy rối tình dục, bạo lực tình dục do tâm lý e ngại, xấu hổ.
Các cơ sở bảo vệ nạn nhân bạo lực giới như địa chỉ tin cậy cộng đồng, cơ sở bảo trợ xã hội… được thành lập nhưng chưa mở rộng cho các nhóm đối tượng bị bạo lực tình dục khác như phụ nữ bán dâm. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết cho việc cung cấp các dịch vụ hỗ trợ ở các cơ sở vẫn còn thiếu và không hiệu quả. Thiếu cơ chế chuyển tuyến hiệu quả giữa các trung tâm trợ giúp này.
Các đường dây nóng như 113, 111 được thiết lập để sử dụng cho các nạn nhân bị bạo lực là phụ nữ và trẻ em, nhưng rất ít người biết về số điện thoại này. Thông thường họ chỉ sử dụng đường dây nóng để báo cáo các trường hợp có tính chất tội phạm, còn trường hợp bạo lực tình dục trong gia đình hay bạo lực tình dục đối với phụ nữ bán dâm thì không sử dụng.
Chúng tôi mong muốn Hội thảo sẽ giúp cho mọi người có một cái nhìn tổng quan về tất cả các gói dịch vụ cần thiết để hỗ trợ cho nạn nhân bạo lực giới, đặc biệt đây là cơ hội để các cơ quan ban ngành liên quan đến các gói dịch vụ cùng ngồi lại với nhau để thấy được thực trạng, khó khăn hiện nay và đề xuất những kiến nghị, giải pháp để hỗ trợ nạn nhân một cách đầy đủ nhất có thể
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phân hiệu Học viện Phụ nữ Việt Nam
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn