Ngày 30/9/2024, phiên tòa xét xử Dominique Pélicot với cáo buộc nhiều lần đánh thuốc mê vợ mình là bà Gisèle Pélicot và mời hơn 70 người đàn ông tới cưỡng hiếp bà trong lúc mê man, tiếp tục được tổ chức tại tòa án hình sự Vaucluse (Avignon, Pháp). Phiên tòa rúng động này dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 20/12 tới.
Các điều tra viên cho biết, nạn nhân đã bị ít nhất 72 người cưỡng hiếp ít nhất 92 lần trong lúc bị mê man. Trong gần 10 năm (2011 - 2020), Dominique đã nghiền thuốc chống lo âu có tác dụng an thần, bỏ vào bữa tối của vợ. Ông đã sử dụng các nền tảng trực tuyến để mời những người đàn ông khác tới tấn công tình dục vợ tại nhà.
Hành vi của Dominique đã bị chú ý vào năm 2020 sau khi 3 người phụ nữ tố ông cố quay phim dưới váy của họ. Cảnh sát đã bắt giữ Dominique Pélicot và tịch thu các thiết bị công nghệ của ông ta, trong đó họ tìm thấy hàng trăm bức ảnh và video ghi lại cảnh vợ ông bị nhiều người đàn ông tấn công tình dục.
Cảnh sát cũng tìm thấy những bức ảnh cho thấy, con gái và hai con dâu của cặp đôi này dường như đã bị chụp ảnh mà không có sự đồng ý trong lúc họ trong phòng tắm hoặc đang ngủ. Luật sư Stephane Babonneau cho biết, các vụ cưỡng hiếp đã khiến nạn nhân là bà Gisèle mắc ít nhất 4 căn bệnh lây truyền qua đường tình dục, cũng như chịu các vết sẹo về thể chất và tâm lý.
Dominique Pélicot (hiện 71 tuổi) đã nhận tội đối với tất cả các cáo buộc chống lại mình, gồm cả cưỡng hiếp nghiêm trọng và chuốc thuốc mê. Ông cũng bị cáo buộc xâm phạm quyền riêng tư của vợ, con gái và hai con dâu. Ông Dominique và 50 người đàn ông khác (đã xác định tới nay) đang bị xét xử và có thể sẽ chịu mức án lên tới 20 năm tù mỗi người.
Theo luật của Pháp, bà Gisèle Pélicot (72 tuổi) có thể chọn xét xử kín. Thay vào đó, bà từ bỏ quyền ẩn danh và để phiên tòa diễn ra công khai. Bà Gisèle Pélicot muốn thế giới biết chuyện gì đã xảy ra với mình, muốn cả nước Pháp sẽ lắng nghe câu chuyện của mình. Bà đã mạnh mẽ nói rằng, chính những kẻ đồi bại mới đáng xấu hổ, còn bà là một nạn nhân, bà phải đứng trước tòa để chứng minh mình là người bị hại.
"Đối với những người phụ nữ khác, nếu họ thức dậy mà cũng không nhớ gì đã xảy ra, họ có thể nhớ lời khai của tôi. Không có người phụ nữ nào phải chịu đựng việc bị chuốc thuốc và bị đối xử tàn nhẫn. Tôi sẽ chiến đấu đến cùng vì phiên tòa này sẽ kéo dài 4 tháng", bà nói.
Các nhà hoạt động đã ca ngợi sự dũng cảm của bà Gisèle, bởi trước các vụ tấn công tình dục, nhiều phụ nữ thường chọn im lặng vì xấu hổ và sợ hãi. Luật sư Babonneau cho biết, bà Gisèle muốn khơi dậy cuộc thảo luận rộng hơn về những rủi ro bạo lực và xâm hại tình dục mà phụ nữ phải đối mặt ở Pháp.
Theo ông, vụ án này càng cho thấy vấn đề sử dụng ma túy để tạo điều kiện cho việc xâm hại tình dục không chỉ ở các hộp đêm, mà còn có thể là tội ác do các thành viên trong gia đình và những người đáng tin cậy khác thực hiện.
Ông cho biết, thân chủ của ông hy vọng vụ án này sẽ giúp nâng cao nhận thức về tình trạng được gọi là "sự khuất phục bằng hóa chất" ở Pháp. Đây là hành vi chuốc thuốc mê người khác mà không được đồng ý nhằm mục đích cưỡng hiếp, trộm cắp...
Từ ngày 14/9/2024 đến nay, các cuộc biểu tình đã diễn ra tại nhiều thành phố của Pháp, quy tụ hơn 10.000 người tham gia để ủng hộ Gisèle Pelicot và tất cả nạn nhân của bạo lực tình dục. Những người ủng hộ nữ quyền hy vọng, vụ án này sẽ thúc đẩy sự thay đổi trong một xã hội mà họ cho là đang chìm đắm trong sự phân biệt giới tính và thái độ kỳ thị phụ nữ một cách vô cớ, nơi chỉ có 6% các khiếu nại về hiếp dâm được truy tố.
Bà Magali Lafourcade, thẩm phán và tổng thư ký của Ủy ban tư vấn quốc gia về nhân quyền, lên tiếng hoan nghênh bà Gisèle Pélicot. Bà nhấn mạnh rằng tại Pháp, các nghiên cứu cho thấy, 9 trong số 10 phụ nữ là nạn nhân của hiếp dâm không đệ đơn kiện. Và khi họ làm vậy, khoảng 80% các vụ án bị hủy bỏ.
Một số nhà hoạt động tự hỏi điều gì đã cho phép Dominique Pélicot thực hiện những hành động không thể diễn tả nổi trong một thời gian dài như vậy. Anne-Cécile Mailfert, người sáng lập tổ chức nữ quyền Fondation des Femmes, nói rằng phiên tòa "đã trở thành biểu tượng cho điều tồi tệ nhất mà bạo lực do nam giới có thể gây ra".
Theo bà, Pháp đang " bị tụt hậu" trong việc giải quyết vấn nạn xâm hại tình dục trên phương diện xã hội và pháp lý. Bà Rebecca Amsellem, một nhà kinh tế người Canada gốc Pháp và là người sáng lập bản tin nữ quyền Les Glorieuses, cho biết bà hy vọng phiên tòa sẽ thúc đẩy sự thay đổi và là "lời cảnh tỉnh cho đàn ông".
Ngoài sự phẫn nộ, các chuyên gia pháp lý cho rằng vụ án này cho thấy cần phải sửa đổi Bộ luật Hình sự của Pháp về tội phạm tình dục. Bà Nathalie Tomasini, một luật sư chuyên đại diện cho nạn nhân bạo lực gia đình, tin rằng phiên tòa đặt ra "những câu hỏi thiết yếu" cho hệ thống Tư pháp của Pháp.
Pháp là một trong số những quốc gia phản đối nỗ lực gần đây của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thiết lập một định nghĩa chung về tội hiếp dâm. Nhiều nghị sĩ đã đề xuất sửa Bộ luật Hình sự của Pháp theo hướng quy định bất kỳ hành vi tình dục nào được thực hiện mà không có sự đồng ý tự nguyện đều cấu thành tội hiếp dâm.
Một số quốc gia EU khác đã đưa định nghĩa này vào luật quốc gia, bao gồm Bỉ, Đan Mạch, Hy Lạp, Ireland, Hà Lan và Tây Ban Nha.
Bà Aurore Bergé, Bộ trưởng Bộ Bình đẳng của Pháp, tuyên bố rằng cần phải thay đổi luật. Theo bà, sự lên tiếng mạnh mẽ của giới truyền thông xung quanh vụ án này sẽ dẫn đến sự giám sát chặt chẽ hơn của toàn xã hội.
140 nhân vật, được công bố trên báo Le Monde, đã ký tên và kêu gọi ban hành một luật mới có phạm vi rộng hơn trong việc chống lại bạo lực tình dục và phân biệt đối xử trên cơ sở giới.
"Chúng tôi chỉ có thể hy vọng lần này sẽ dẫn đến một luật có phạm vi rộng bao gồm cách cảnh sát xử lý khiếu nại ngay từ đầu, cách các vụ việc được điều tra, sau đó là được xét xử và phán quyết. Điều này sẽ cho phép xã hội tiến tới giải quyết vấn đề này", bà Mailfert nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn