Nạn nhân hủ tục cắt âm vật làm Đại sứ thiện chí UN Women

11:27 | 17/02/2018;
Tổ chức UN Women vừa bổ nhiệm nhà hoạt động nhân quyền Gambia Jaha Dukureh làm Đại sứ thiện chí. Cô Dukureh sẽ vận động thanh niên tham gia cuộc chiến chống hủ tục cắt âm vật (FGM) và nạn tảo hôn ở Lục địa Đen và trên toàn cầu.
jaha-dukureh-1.jpg
Jaha Dukureh


Jaha Dukureh (28 tuổi) là nạn nhân của FGM còn sống sót. 15 tuổi, Dukureh Jaha rời đất nước Gambia ở Tây Phi tới Mỹ theo một cuộc hôn nhân được dàn xếp. Tuy nhiên trước chuyến đi xa này, cô bị ép buộc phải trải qua hủ tục đáng sợ nhất: Nghi lễ cắt âm vật. FGM được thực hiện vì điều được coi là những lý do mang tính truyền thống vì nhiều người tin rằng tập tục này sẽ giúp các bé gái giữ được sự trong sạch, bảo vệ trinh tiết trước khi lập gia đình.

Tuy nhiên với những cô gái như Jaha Dukureh, tập tục đó thật sự chỉ gây nỗi đau đớn về thể xác và để lại vết sẹo tinh thần suốt quãng đời về sau. Vì lẽ đó khi đã ở Mỹ, Dukureh bắt tay thành lập tổ chức phi lợi nhuận có tên “Safe hands for girls” (Bàn tay an toàn cho các thiếu nữ) tại Atlanta năm 2013. Đây là tổ chức hoạt động với mục tiêu nâng cao nhận thức cho mọi người về hủ tục cắt âm vật, hỗ trợ các cô gái đã trải qua thủ thuật và tích cực vận động chấm dứt hủ tục đáng sợ này. Dukureh chia sẻ: “Tôi thành lập tổ chức “Safe hands for girls” vì tôi là người từng kinh qua hủ tục cắt âm vật. Tôi hiểu thủ thuật này đau đớn thế nào và thật khổ sở khi phải đương đầu với nó một mình. Tôi không muốn thấy bất cứ người phụ nữ nào nữa phải trải qua nỗi đau đớn giống như tôi”.
fgm.jpg
Nạn cắt âm vật trẻ em gái là nỗi ám ảnh cả thế giới

  

Cô đã truyền cảm hứng cho một thế hệ thiếu nữ từng là nạn nhân của tục cắt âm vật, giúp họ có tinh thần phản kháng mạnh mẽ hơn. Cô đang đào tạo thêm những cô gái khác trở thành chuyên gia tư vấn để giải quyết hủ tục này ngay trong chính cộng đồng của họ. Nhờ các nỗ lực đấu tranh không ngừng của Dukureh, mùa thu năm 2015, Gambia đã ban hành lệnh cấm tiến hành hủ tục FGM với các bé gái.
 
Không chỉ châu Phi mà ngay tại Mỹ, các em gái đang sống trong những cộng đồng người nhập cư vốn xuất thân từ những nước có hủ tục này vẫn bị bắt ép trải qua nỗi đau thể xác ấy. Dukureh đã đi khắp nơi trên nước Mỹ để nói chuyện với những cộng đồng vẫn đang duy trì hủ tục đó. Cô triển khai các hội thảo, khóa học tại nhiều trường đại học để nâng cao nhận thức của mọi người về hủ tục cắt âm vật đang diễn ra tại Mỹ. Cô đã góp phần rất đáng kể đánh thức sự quan tâm của dư luận Mỹ trong việc phản đối hủ tục cắt âm vật.
jaha-dukureh-2.jpg
Jaha Dukureh từng được cựu Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon ủng hộ


Ngoài các chiến dịch truyền thông cụ thể, cô còn khởi động một đơn kiến nghị tập thể với hơn 221.000 chữ ký trên trang Change.org, kêu gọi chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama có kế hoạch cụ thể chấm dứt hủ tục này.

Chính những nỗ lực đó, Jaha Dukureh đã có tên trong danh sách 100 nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí nổi tiếng Mỹ Time. Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) cũng đã chọn Jaha Dukureh làm Đại sứ thiện chí. Cô Dukureh sẽ vận động thanh niên tham gia cuộc chiến chống hủ tục FGM và nạn tảo hôn ở Lục địa Đen và trên toàn cầu.

phumzile-mlambo-ngcuka.jpg
Giám đốc Điều hành UN Women Phumzile Mlambo-Ngcuka đánh giá cao đóng góp của Jaha Dukureh

 

Trên thế giới hiện có 200 triệu cô gái vẫn phải trải qua FGM, riêng ở châu Phi, khoảng 125 triệu cô gái và phụ nữ còn chịu hủ tục này. FGM gây ra những hậu quả tiêu cực, khiến tỷ lệ tử vong cao khi sinh, hạn chế việc đi học, gây bất bình đẳng cho phụ nữ. Hiện Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu, Liên hiệp châu Phi… đều chung tay xây dựng các sáng kiến, các chương trình toàn cầu giải quyết các vấn nạn này.
 
Chào đón Đại sứ thiện chí mới, Giám đốc Điều hành UN Women Phumzile Mlambo-Ngcuka  nói: "Jaha Dukureh là người có kinh nghiệm sâu sắc về những vấn đề này từ cuộc đời và công việc của chính mình. Cô là một người dám đứng lên chống lại mọi hủ tục, truyền cảm hứng cho phụ nữ và trẻ em dám cất cao tiếng nói đòi quyền lợi cho bản thân và cộng đồng. Đó là câu chuyện về lòng can đảm của một cô gái trẻ có khả năng và sẵn sàng thay đổi thế giới không còn sự tồn tại của FGM và nạn tảo hôn ở trẻ em”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn