Ngày 16/5, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Hội Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Y học kỹ thuật cao: Ghép phổi và Y học tái tạo tại Hoa Kỳ và Việt Nam - Thực trạng và giải pháp". Hội thảo có sự tham dự của hai chuyên gia về ghép phổi và ECMO đến từ Đại học University of California, San Francisco (UCSF) tại Mỹ.
Đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công 9 ca ghép phổi, trong đó có 1 ca tại Bệnh viện Trung ương Huế, 1 ca tại Bệnh viện 103, 4 ca tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, 3 ca tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Trong số đó, có 2 ca sau ghép phổi còn sống là 1 ca tại Bệnh viện 103 và 1 ca tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 kết hợp với Bệnh viện Phổi Trung ương.
Năm 2020, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép phổi cho người bệnh bị xơ phổi giai đoạn cuối là ông N.X.T (Bỉm Sơn, Thanh Hóa). Ca phẫu thuật được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF - 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ. Đây là ca ghép phổi thành công toàn diện nhất, đạt mức độ cao nhất như ở Đại học UCSF.
Toàn bộ quy trình chuẩn bị từ người chết não cho tạng và người chờ ghép phổi đều được đánh giá, chẩn đoán, điều trị chặt chẽ theo tiêu chuẩn của Trung tâm ghép tim phổi Trường Đại học UCSF.
Sau gần 3 năm được thực hiện ghép phổi, ông T. phục hồi tốt và hoàn toàn khỏe mạnh, chức năng hô hấp ổn định. Đây là ca phẫu thuật được các chuyên gia đánh giá là thành công nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh Việt Nam đã triển khai nhiều ca ghép phổi từ người cho bị chết não nhưng tỷ lệ thành công không cao, thời gian sống của người được cho sau ghép phổi không dài.
TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, gánh nặng bệnh phổi có chiều hướng gia tăng đáng kể ,nhất là sau giai đoạn đại dịch Covid-19 càng làm cho nhu cầu phát triển các kỹ thuật tiên tiến, hiệu quả trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đáp ứng nhu cầu của người dân. Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành lao và bệnh phổi đã thực hiện thường quy được hầu hết các kỹ thuật cao cả về nội hô hấp và phẫu thuật lồng ngực. Bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc đề án ghép phổi, là một bước chinh phục đỉnh cao, mở ra cơ hội sống thêm, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người bệnh giai đoạn muộn không còn đáp ứng với các phương pháp điều trị khác.
Tại Hội thảo, GS Jasleen Kukreja, bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật, chuyên gia về ghép phổi, Giám đốc Chương trình ghép phổi, Đại học California, San Francisco và GS Marek Brzezinski, bác sĩ chuyên ngành gây mê, Chuyên gia về kỹ thuật ECMO, Đại học California, San Francisco đã chia sẻ những vấn đề liên quan đến nâng cao chất lượng ghép phổi. Các chuyên gia cũng đánh giá cao những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong lĩnh vực ghép phổi.
TS Nguyễn Huy Bình, Trung tâm Ghép phổi, Bệnh viện Phổi Trung ương cho hay, bệnh phổi là nguyên nhân gây tàn tật và tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, ghi nhận tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi Trung ương có khoảng 6,7% ca bệnh mắc bệnh phổi mạn tính, 6-7% ca mắc bệnh phổi mô kẽ phải điều trị suốt đời.
TS Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho biết, hiện nay việc tiếp cận nguồn tạng hiến còn hạn chế, tình trạng mua bán tạng diễn ra phức tạp. Vì thế, theo ông Phúc, cần sớm sửa đổi, bổ sung Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; tổ chức chẩn đoán chết não, hồi sức và lấy tạng tại chỗ, xây dựng giá gói dịch vụ ghép thận làm cơ sở cho bảo hiểm y tế thanh toán…
Cũng theo TS Đinh Văn Lượng, các chính sách quy định về lĩnh vực ghép tạng ở Việt Nam hiện nay khá tốt, trong đó ghép phổi ở Việt Nam đã bắt đầu thực hiện thường quy. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất trong ghép tạng là nguồn tạng.
Trên thế giới, ghép tạng hầu hết được thực hiện từ những người cho chết não, nhất là ghép phổi - kỹ thuật phức tạp và khó khăn nhất trong các kỹ thuật ghép tạng. Tại Việt Nam, nguồn cho tạng từ người chết não rất ít, trong khi trong kỹ thuật ghép phổi, cứ 5 người cho chết não thì mới có 1 người có thể lấy được phổi để ghép vì vấn đề bảo quản phổi để ghép rất khó. Vì vậy, ghép phổi thường gặp nhiều khó khăn và ít ca ghép hơn so với các tạng khác.
TS Đinh Văn Lượng cho biết, nếu như trước đây, nguồn phổi từ người cho chết não chỉ bảo vệ được 4-5 tiếng, thì với hệ thống máy nuôi tim, phổi bên ngoài bệnh nhân (ECMO), có thể bảo quản được tim, phổi ghép tới hơn 10 tiếng. Như vậy, nguồn tim, phổi từ người chết não ở vị trí xa so với nơi nhận vẫn có đủ thời gian để giữ và bảo quản tim, phổi ghép. Tại Bệnh viện Phổi Trung ương, kỹ thuật ứng dụng ECMO và máy chạy tim, phổi cũng đang được triển khai.
Một trong những khó khăn liên quan đến ghép phổi là bệnh nhân phải chi trả quá lớn, dù đã được bảo hiểm y tế thanh toán 80%. Trao đổi về trường hợp ghép phổi tại Bệnh viện, TS Đinh Văn Lượng cho biết, dù đã được Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hỗ trợ nhiều về kinh phí nhưng gia đình bệnh nhân vẫn phải chi trả trên 300 triệu đồng. Do đó, ông Lượng đề xuất bảo hiểm y tế cần nâng cao mức chi trả cho bệnh nhân ghép tạng, nếu chi trả lên đến mức 95%, sẽ giúp nhiều người bệnh cơ hội được cải thiện chất lượng sống tốt hơn.
"Riêng đối với những ca chờ ghép phổi, nếu bệnh nhân không được ghép thì thời gian sống chỉ kéo dài khoảng 6 tháng. Nếu được ghép, với trình độ chuyên môn của các bác sĩ Việt Nam hiện nay, bệnh nhân có thể sống thêm 5-20 năm, chất lượng cuộc sống được cải thiện rõ rệt", TS Đinh Văn Lượng nhấn mạnh.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn