Theo chị Phạm Thị Mỵ Nương, vùng đất Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam được thiên nhiên ưu đãi về các loại cây dược liệu và nông sản rất phong phú, đa dạng và chất lượng. Người Tiên Phước nổi tiếng về sự chăm chỉ, cần cù, chịu khó. Trong quá trình sinh sống và làm việc tại nơi đây, chị đã nhìn thấy các sản phẩm nông nghiệp và dược liệu của Tiên Phước dù rất tốt nhưng người nông dân chủ yếu bán thô chưa qua sơ chế.
Vì bán thô nên chất lượng cùng giá thành của nông sản không cao, đời sống người dân thì vẫn cực khổ. Vì thế, chị mong muốn làm được điều gì đó cho người nông dân và đem đến cho người tiêu dùng những sản phẩm thiết thực và lành mạnh. Chị đã nghĩ đến cây nghệ trắng, mật ong núi, hạt tiêu, khổ qua rừng và bây giờ là chuối.
Sau một thời gian mày mò tìm hiểu, chị Mỵ Nương nhận thấy hiện nay do môi trường và chế độ ăn uống nên con số người bị tiểu đường, có nguy cơ tiểu đường và béo phí đang tăng cao. "Trong khi đó bột chuối xanh là một sản phẩm chứa lượng tinh bột kháng cao nhất so với các loại hạt và củ khác. Bột chuối xanh là thực phẩm hỗ trợ cho người ăn kiêng, người muốn giảm cân, do hoạt động như một chất xơ chứa tinh bột kháng và pectin, làm tăng cảm giác no lâu và làm chậm quá trình làm rỗng ruột. Vì thế người dùng không cảm thấy thèm ăn, ăn ít hơn, giảm cân hiệu quả hơn. Chuối còn là sản phẩm tốt cho sức khỏe đối với người bị tiểu đường, tim mạch, cải thiện đường ruột", chị Mỵ Nương cho biết.
Những giá trị từ cây nông sản này đã thôi thúc chị tìm giải pháp để tạo nên các sản phẩm hữu cơ từ chuối. Chị xây dựng nhà xưởng dùng để sản xuất và trưng bày sản phẩm. Bên cạnh đó chị đầu tư máy rửa, máy xay vắt liên hoàn, máy sấy lạnh, máy nghiền bột siêu mịn, máy đóng gói hút chân không và một số máy móc khác… để đi vào sản xuất. Không chỉ quyết tâm xây dựng một nông trại sản xuất chuối bởi tiềm năng kinh tế lớn, mà khi thời tiết khắc nghiệt, hạn hán kéo dài, những cánh đồng, đồi núi bị bỏ hoang vì không có nước để sản xuất khiến cho đời sống người dân ngày càng khó khăn. Đó cũng chính là động lực để chị nhen nhóm ước mơ biến tất cả các cánh đồng bỏ hoang ấy thành những cánh đồng chuối xanh bạt ngàn.
Chị nghĩ, trồng chuối sẽ giải quyết nhu cầu lao động và góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương. "Tôi muốn mọi người biết đến giá trị của các loại nông sản và dược của huyện Tiên Phước nói riêng và Quảng Nam nói chung, giúp đỡ cho những người xung quanh tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn nhờ bán các sản phẩm ấy ra thị trường", chị Mỵ Nương chia sẻ. Hiện tại nông trại của chị Mỵ Nương có 6 lao động chính và 10 lao động thời vụ làm việc với mức lương 6-8 triệu đồng/1 tháng.
Hiện tại, chị đang chuẩn bị cấp giống chuối tặng cho phụ nữ và thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để trồng bán thành phẩm, giải quyết nhu cầu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Chị mong muốn được các ngành quan tâm tạo điều kiện để sản phẩm có nhiều cơ hội tiếp cận đến nhiều khách hàng trong và ngoài nước, giúp lượng nông sản địa phương được tiêu thụ nhiều hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là phụ nữ nông thôn.
Chị Phạm Thị Mỵ Nương – Giám đốc HTX sản xuất thương mại dịch vụ QNa Farm;
Địa chỉ: Thôn 3, xã Tiên Ngọc, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam;
Điện thoại: 0969 248 139;
Fanpage: QNA FARM Chuyên Nông sản - Đặc sản- Dược liệu quý rừng Quảng Nam; Website: www.qnafarm.com.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn