Bà Nguyễn Thị Bích Vân - Chủ tịch Hội LHPN huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương - cho rằng, Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025" (Đề án 939) không chỉ tạo cơ hội cho phụ nữ phát triển sự nghiệp mà còn góp phần thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Theo bà Vân, tinh thần khởi nghiệp của chị em phụ nữ là vô hạn. Thông qua hoạt động thực tiễn của Hội LHPN các cấp đã giúp các chị em tự tin vào bản thân, thấy được tiềm năng và lợi thế của mình, đồng thời trang bị cho chị em những hiểu biết và kỹ năng cần thiết khi khởi nghiệp.
+ Bà đánh giá thế nào về tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin đối với hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên, phụ nữ hiện nay?
Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ thì việc ứng dụng công nghệ thông tin là một phần quan trọng và không thể thiếu trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, việc ứng dụng nền tảng số là xu thế tất yếu để nâng cao lợi thế cạnh tranh và giúp người kinh doanh đạt được mục đích, hiệu quả hoạt động. Đặc biệt trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dù ở quy mô nào, nếu không thay đổi, nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ thì hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của hội viên, phụ nữ là một bước ngoặt thay đổi từ tư duy đến nhận thức và cần một hành động cụ thể. Chị em cần phải xác định một cách rõ ràng rằng "số hóa" không phải là một lựa chọn mà là một nhu cầu tất yếu, hiểu được những điều này thì mỗi chị em sẽ chủ động hơn, đổi mới trong cách thức và sáng tạo nhằm tạo ra một hình thái mới, sự khác biệt mang lại giá trị phù hợp xu hướng, từ đó cho mình một cơ hội khởi nghiệp mà công nghệ số mang lại.
+ Vậy, Hội LHPN huyện Phú Giáo có những hoạt động cụ thể nào để giúp cho hội viên, phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh?
Ở huyện Phú Giáo, hoạt động chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống xã hội đã và đang được triển khai một cách mạnh mẽ, bước đầu đã mang lại nhiều kết quả đáng khích lệ, công tác tuyên truyền được chú trọng và triển khai sâu rộng; các tổ, đội, nhóm công nghệ số cộng đồng được quan tâm triển khai thực hiện xuyên suốt với mục tiêu gần nhất hướng đến mỗi gia đình phải có ít nhất một thành viên có thể thực hành các phần mềm ứng dụng cơ bản phục vụ trong giao dịch, giải quyết các thủ tục cần thiết.
Với tinh thần đó, ngay từ khi chủ trương được ban hành, Hội LHPN huyện đã có nhiều hoạt động nhằm góp phần cùng địa phương thực hiện chuyển đổi số và hỗ trợ hội viên, phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao năng lực cho bản thân, có thể ứng dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khởi nghiệp thông qua các lớp tập huấn, hội nghị chuyên đề, các buổi hỗ trợ cập nhật, trao đổi kiến thức, các lớp huấn luyện.
Đặc biệt, trong năm 2023, Hội LHPN huyện đã tổ chức thành công Cuộc thi "Phụ nữ Phú Giáo khởi nghiệp trên nền tảng số", Hội đã phối hợp các đơn vị đồng hành tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 79 thí sinh có ý tưởng, dự án tham gia cuộc thi để thí sinh có thể tự xây dựng cho mình một mô hình kinh doanh trên các nền tảng số đang thịnh hành, tự hoàn thiện kênh tiếp thị bán hàng online thông qua các kênh: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok; Thực hành làm video clip bán hàng qua Shop online.
Ngoài ra, các thí sinh được các giám khảo chuyên môn và sinh viên thuộc Câu lạc bộ Sinh viên khởi nghiệp Trường ĐH Thủ Dầu Một hỗ trợ và hướng dẫn cài đặt ứng dụng, đưa các sản phẩm lên cửa hàng số Vshop để có cơ hội tiếp cận gần hơn với khách hàng, đã có 27 dự án thực hiện thành công và tương tác bán hàng, trao đổi hàng hóa thông qua shop online. Kết thúc cuộc thi, Ban tổ chức đã trao 14 giải thưởng cho các dự án xuất sắc. Có thể nói rằng, Cuộc thi đã mang đến cho các chị nguồn kiến thức phong phú về khởi nghiệp và kinh doanh trên nền tảng số.
Không dừng lại ở đó, Hội tiếp tục tổ chức khóa học kỹ năng kinh doanh online - khởi nghiệp số cho 136 học viên là hội viên, phụ nữ đang kinh doanh trên nền tảng số qua sàn thương mại điện tử Vshop.
Cũng trên tinh thần đó, tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tích cực góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 939, Hội đã hỗ trợ 187 nữ chủ doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, chủ hộ kinh doanh tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao năng lực; hỗ trợ 13 dự án khởi nghiệp vay vốn số tiền hơn 1,1 tỷ đồng… Tất cả các hoạt động góp phần hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gia đình; 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, góp phần cùng địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,2% vào cuối năm 2023.
+ Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Phú Giáo có kế hoạch gì để tiếp tục hỗ trợ hội viên, phụ nữ trên địa bàn khởi nghiệp đạt được hiệu quả cao hơn nữa?
Việc chuyển hướng kinh doanh từ trực tiếp sang trực tuyến đòi hỏi người kinh doanh, khởi nghiệp phải bắt kịp xu thế. Ngoài ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý, vận hành còn cần phải song song với tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy marketing; thương mại điện tử và đặc biệt là khai thác lợi thế và tiềm năng từ nguồn tài nguyên bản địa, tận dụng triệt để những tiện ích công nghệ mang lại như: vận dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, xây dựng hình ảnh sản phẩm, đặc biệt là truy xuất nguồn gốc sản phẩm, tạo cho người tiêu dùng một sự an tâm, tin tưởng và có cái nhìn thiện cảm với sản phẩm; từ đó thúc đẩy sự tìm kiếm và sở hữu sản phẩm. Do đó, người khởi nghiệp phải tạo cho bản thân giá trị thương hiệu bền vững và đạo đức trong kinh doanh.
Để giúp các chị làm được điều đó, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục duy trì đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chuyển đổi số và những tiện ích mang lại khi ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống, nhất là việc vận dụng các nền tảng ứng dụng vào hoạt động kinh doanh, khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ. Xây dựng kênh bán hàng mang tính cộng đồng, chú trọng quy mô, chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, nhất là giới thiệu những sản phẩm xanh, sản phẩm chủ lực, đặc trưng của địa phương.
Bên cạnh đó, phối hợp các đơn vị chuyên môn duy trì các hoạt động huấn luyện, trang bị, hỗ trợ kiến thức, kỹ năng số nhằm giúp chị em xây dựng chuỗi quản trị hàng hóa. Thông qua đó giúp các chị hiểu rõ một số vấn đề cần quan tâm khi khởi nghiệp như phải thật sự am hiểu và đam mê hoạt động kinh doanh; hiểu rõ sở trường của bản thân, hiểu biết lĩnh vực mình muốn khởi nghiệp, cần am hiểu công nghệ; trang bị kiến thức pháp luật kinh doanh và pháp luật có liên quan, hình thành và xây dựng tốt các mối quan hệ hợp tác, xây dựng đội ngũ, tìm kiếm cộng sự và các kỹ năng kinh doanh…
+ Xin cảm ơn bà đã chia sẻ!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn