Nâng cao nhận thức, tạo động lực cho các nữ doanh nhân phát triển

14:21 | 23/09/2023;
“Một trong những rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ gặp phải là thiếu các thông tin, các kiến thức về kinh doanh bền vững”, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ về những cơ hội, khó khăn các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang phải đối diện và "chìa khóa" để hỗ trợ các nữ doanh nhân phát triển bền vững.

+ Bà có đánh giá, nhận định gì về sự phát triển của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam hiện nay?

Nâng cao nhận thức, tạo động lực cho các nữ doanh nhân phát triển  - Ảnh 1.

Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Bà Trịnh Thị Hương: Hiện nay, Việt Nam có khoảng hơn 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động; trong đó các doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm khoảng 24 % trong tổng số doanh nghiệp cả nước. Tuy nhiên, nếu xét về tiêu chí nữ có trong cơ cấu chủ sở hữu của doanh nghiệp thì tỷ lệ này lớn hơn rất nhiều, chiếm khoảng 51% trong số các doanh nghiệp và cao hơn rất nhiều so với các quốc gia khác.

Các doanh nghiệp nữ hiện đang góp phần rất quan trọng trong việc tạo ra giá trị của cải vật chất cũng như đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, cũng như tạo ra nguồn thu trong các gia đình; thực hiện trách nhiệm với xã hội và với cộng đồng.

Trong bối cảnh khó khăn vừa qua, chúng ta đã chứng kiến các nữ doanh nhân rất bền bỉ và kiên cường. Bên cạnh đó, các chị cũng rất sáng tạo và năng động để có thể gánh vác doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển bền vững. Nhiều nữ tướng trên mặt trận kinh tế đã có tên trong danh sách của các doanh nghiệp, doanh nhân có tầm ảnh hưởng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Nâng cao nhận thức, tạo động lực cho các nữ doanh nhân phát triển  - Ảnh 2.

Các nữ doanh nhân đã sáng tạo và năng động để có thể gánh vác doanh nghiệp vượt qua khó khăn để phát triển bền vững.

Mặc dù vậy, cũng cần nhìn nhận một cách thẳng thắn là đa số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có quy mô nhỏ bé. Đến 98% các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Các doanh nhân nữ bên cạnh những hạn chế cố hữu như: Vấn đề tiếp cận tài chính, công nghệ, trình độ quản lý, tiếp cận thị trường, tiếp cận thông tin… còn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động các nguồn lực để có thể đầu tư, cải tiến, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bền vững hơn.

+ Bà vừa nhắc đến kinh doanh theo hướng bền vững, vậy xin  bà chia sẻ thêm thông tin về mô hình này?

Bà Trịnh Thị Hương: Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh thương mại ngày càng gay gắt, các tiêu chuẩn xã hội về môi trường đang trở nên ngày càng quan trọng đối với việc phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Kinh doanh bền vững hiện được coi là một trong những xu hướng lớn trên toàn cầu gắn liền chặt chẽ về vấn đề tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các nhà đầu tư quốc tế trong nước ta ngày càng nâng cao các yêu cầu về phát triển bền vững. Áp dụng kinh doanh bền vững sẽ không chỉ giúp cho các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường trong nước, nước ngoài; tiếp cận được với các nguồn vốn xanh mà chính là phương thức để giúp doanh nghiệp có thể biến trách nhiệm tạo thành giá trị, tạo lợi thế cạnh tranh.

+ Kinh doanh bền vững tại Việt Nam được thực hiện ra sao và các nữ doanh nhân thích ứng với mô hình kinh doanh này như thế nào, thưa bà?

Theo kết quả của tổng điều tra nền kinh tế năm 2021 do Tổng Cục thống kê, Bộ Kế hoạch - Đầu tư tiến hành trên phạm vi toàn quốc cho thấy: Hiện nay, tỷ lệ doanh nhân nữ chiếm khoảng 24%, tương đương khoảng hơn 111.000 các doanh nghiệp đang hoạt động và trong số này chỉ có khoảng 12% doanh nhân do nữ làm chủ có các hoạt động về đổi mới sáng tạo, cải tiến các quy trình và mô hình kinh doanh.   

Gần đây của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng đã tiến hành khảo sát về khung giá trị kinh doanh bền vững, cho thấy hầu hết các doanh nghiệp tiên phong trong vấn đề này đều là các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp đã được tham gia vào các sàn chứng khoán… Đối với các doanh nghiệp nhỏ đang tăng trưởng, hầu hết là các doanh nghiệp mới dừng lại ở việc cân nhắc tham gia phát triển bền vững và chưa có các bước triển khai.

Một trong những rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ gặp phải là thiếu các thông tin, thiếu các kiến thức về kinh doanh bền vững.

Nâng cao nhận thức, tạo động lực cho các nữ doanh nhân phát triển  - Ảnh 3.

Các nữ doanh nhân phải vượt qua nhiều rao cản để phát triển doanh nghiệp

+ Là cơ quan tham mưu cho nhà nước các chính sách để phát triển doanh nghiệp, Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những chương trình, hoạt động gì để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững?

Bà Trịnh Thị Hương: Hiện tại phát triển xanh đang trở thành kim chỉ nam tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính phủ đã có nhiều cam kết mạnh mẽ về vấn đề phát triển bền vững và nhiều chính sách đã được lồng ghép các mục tiêu để phát triển bền vững.

Với vai trò là cơ quan tham mưu cho nhà nước các chính sách để phát triển doanh nghiệp, chúng tôi luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, chủ động nắm vững các xu hướng kinh doanh mới, đặc biệt là các mô hình kinh doanh bền vững. Từ đó có thể giúp doanh nghiệp chủ động và tích cực nắm bắt các mô hình này, có thể thực hiện được một cách chủ động, nâng cao cạnh tranh cho doanh nghiệp trong tình hình mới.

Nâng cao nhận thức, tạo động lực cho các nữ doanh nhân phát triển  - Ảnh 4.

Tiêu chí phát triển bền vững được nhiều nữ doanh nhân áp dụng trong doanh nghiệp của mình

Năm 2021, chúng tôi đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành và đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 167/QĐ-TTg về "Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025", hỗ trợ cho khu vực tư nhân kinh doanh bền vững và đặc biệt là hỗ trợ cho các đối tượng nhỏ và vừa do nữ làm chủ.

Đây là chương trình đầu tiên của Chính phủ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh bền vững với mục tiêu, kỳ vọng thúc đẩy phát triển bền vững trong khu vực tư nhân, đảm bảo kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa hiệu quả kinh tế và vấn đề trách nhiệm xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường, huy động các nguồn lực của khu vực tư nhân, đóng góp vào việc hoàn thành các mục tiêu phát triển của Việt Nam vào năm 2030.

Chương trình có nhiều nội dung mang tính chất toàn diện và chúng tôi kỳ vọng với các nguồn lực của Nhà nước mang tính chất là "miếng mồi" và cùng đồng hành với các nguồn lực quốc tế cũng như là nguồn lực trong nước để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong hành trình kinh doanh bền vững của mình.

+ Bà có lời khuyên gì dành cho các nữ doanh nhân, để chị em vững bước trong bối cảnh hiện tại?

Bà Trịnh Thị Hương: Trong bối cảnh các lợi thế cạnh tranh truyền thống dựa trên nguồn tài nguyên thiên nhiên giá rẻ đang ngày càng mai một dần, rõ ràng yếu tố sáng tạo, bền vững sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh với các doanh nghiệp. Chúng ta hãy cùng nhau nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa để có thể biến các trách nhiệm về kinh doanh bền vững trở thành cơ hội mới, sức cạnh tranh mới cho chính doanh nghiệp của mình để đi tới thành công.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn