- Thưa thượng tá Đinh Văn Trình, trong những năm gần đây, bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, trẻ em ngày càng phức tạp. Vậy ông có lời khuyên gì dành cho các nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới?
Thượng tá Đinh Văn Trình: Với các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, đầu tiên, chúng ta không nên cam chịu. Không nhẫn nhịn và thỏa hiệp xử lý nội bộ với hành vi bạo lực.
Hãy biết lên tiếng để tìm sự trợ giúp của mọi người, của các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương để được tư vấn bảo vệ. Các nạn nhân có thể gọi cho Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn và hỗ trợ khi cần thiết.
Bên cạnh đó, các bạn cần bình tĩnh, lưu giữ tất cả những thông tin tài liệu, dữ liệu điện tử về việc mình bị bạo lực để cung cấp, hợp tác với cơ quan chức năng xử lý vụ việc.
Các bạn cần nhớ: Các bạn không có lỗi, luật pháp sẽ bảo vệ các bạn. Hãy mạnh dạn báo tin tố giác để bảo vệ mình và góp phần ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực.
- Như Thượng tá đã chia sẻ, các hành vi quấy rối, bắt nạt, đe dọa, khiêu dâm trên môi trường mạng hiện nay đang có diễn biến phức tạp, mà nạn nhân hầu hết là phụ nữ trẻ và trẻ em gái... Vậy những đối tượng này cần trang bị những kiến thức, kỹ năng gì để giữ an toàn trên môi trường mạng, thưa ông?
Thượng tá Đinh Văn Trình: Phụ nữ và trẻ em nên có kỹ năng tự bảo vệ, tự trang bị để tiếp cận mạng xã hội một các lành mạnh, an toàn. Chúng tôi khuyến cáo nguyên tắc 4 không:
+ Không tò mò vào các đường link, đường dẫn lạ, tránh xa và không cổ suy cho những hành vi bạo lực, tục tĩu, khiêu dâm, phản cảm, gợi dục trên mạng xã hội...
+ Không tự quay, chụp hình ảnh nhạy cảm của mình để gửi cho bất kỳ ai;
+ Tuyệt đối Không cho người khác quay, chụp những hình ảnh nhạy cảm trên cơ thể mình vì bất kỳ lý do gì;
+ Không chụp, quay, phát tán hình ảnh nhạy cảm của người khác vì bất kỳ mục đích gì (đây là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý).
- Nhân tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023, thượng tá có đề xuất, kiến nghị gì để mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ hỗ trợ, giúp đỡ người bị bạo lực, chung tay đẩy lùi bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em một cách hiệu quả hơn?
Thượng tá Đinh Văn Trình: Tôi có một số đề xuất, kiến nghị:
Một là: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, vì: các vụ bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em hầu hết do chính người thân, người có trách nhiệm quản lý, nuôi dưỡng thực hiện trong môi trường hẹp và kín gây ra, nên rất khó phát hiện cũng như áp dụng các biện pháp phòng ngừa.
Ở những nơi công cộng thì đối tượng cũng triệt để lợi dụng thời điểm vắng vẻ mới thực hiện hành vi bạo lực, xâm hại. Nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em bị bạo lực không được bảo vệ trong chính ngôi nhà của mình, chỉ khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc khi có hình ảnh phát tán lên mạng, cơ quan chức năng mới biết, lên tiếng và ngăn chặn xử lý....
Bên cạnh đó, nhiều người dân còn có quan niệm việc xâm hại tình dục, bạo lực giới mà nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em là việc của mỗi gia đình. Vì vậy họ chưa có ý thức phát hiện, tố giác hoặc ngăn chặn tội phạm. Do đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Mặt khác, phương pháp tuyên truyền phải được đổi mới theo hướng hướng dẫn chi tiết; hỏi đáp và các tình tiết minh họa trực quan, đảm bảo tính sinh động, dễ hiểu giúp các em có kỹ năng nhận diện tội phạm, kỹ năng phòng tránh để không trở thành nạn nhân bị xâm hại. Từ đó, phụ nữ, trẻ em có kỹ năng tự bảo vệ mình.
Các cơ quan chức năng cũng cần hướng dẫn các biện pháp, kỹ năng ứng phó, "thoát hiểm" trước nguy cơ, cạm bẫy của tội phạm. Đồng thời tuyên truyền, giáo dục trách nhiệm của mỗi người dân trong việc báo tin, tố giác tội phạm và cộng tác với cơ quan Công an trong điều tra, xử lý tội phạm.
Đề xuất thứ hai là cần nâng cao năng lực, ý thức chấp hành pháp luật cho lực lượng thực thi pháp luật nhằm đáp ứng hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm, bảo vệ an toàn cho phụ nữ và trẻ em.
Đề xuất thứ ba là tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em, các tổ chức xã hội, đoàn thể, tổ chức quốc tế và chính quyền địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống bạo lực, quấy rối, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em.
Đặc biệt, các vụ xâm hại, quấy rối, bạo lực phụ nữ, trẻ em đều diễn ra, được phát hiện tại địa bàn cơ sở. Vì vậy cần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xã hội, đoàn thể như cán bộ Lao động, thương binh và xã hội; Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên... để phối hợp, hỗ trợ lực lượng Công an tại các cấp cơ sở trong tuyên truyền, nên tiếng, trợ giúp và điều tra xử lý tội phạm.
- Vậy ông có nhận định, dự báo gì về thực trạng bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian tới?
Thượng tá Đinh Văn Trình: Xu thế hội nhập và phát triển mạnh mẽ, mô hình một thế giới phẳng với sự đan xen giữa các nền kinh tế văn hóa, khoa học, công nghệ đã và sẽ còn bộc lộ nhiều mặt trái. Trong đó, tình hình tội phạm luôn tiềm ẩn xu thế gia tăng, diễn biến phức tạp, phương thức thủ đoạn ngày một tinh vi, quy mô và triệt để lợi dụng công nghệ cao.
Phụ nữ trẻ em, đặc biệt trẻ em gái vẫn luôn là nhóm yếu thế có thể trở thành nạn nhân bị xâm hại, bị mua bán, bị bạo lực bất kỳ nơi nào, lúc nào. Hiện trạng này đòi hỏi các cơ quan, đơn vị, Bộ ngành nói chung và lực lượng Công an nói riêng luôn phải nỗ lực tăng cường các hoạt động phối hợp sâu rộng, nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm thì mới có thể ứng phó kịp thời và hiệu quả với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm và các hành vi bạo lực, xâm hại tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Xin cảm ơn ông!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn