Theo báo cáo "Nghiên cứu thị trường cho Việt Nam - Cơ hội và thách thức đối với tuần hoàn nhựa" do IFC và Ngân hàng Thế giới thực hiện, tỷ lệ tái chế rác thải nhựa ở Việt Nam chỉ đạt 33%. Đa phần do hoạt động phân loại rác tại nguồn và thu gom rác nhựa chưa thực sự triệt để, chưa được đẩy mạnh và đồng bộ. Theo thói quen hiện nay, người dân chỉ phân loại một số nhựa cứng, nhựa có giá trị để bán ve chai; các loại nhựa khác, đặc biệt túi mềm vẫn vứt chung vào rác thải sinh hoạt nên không được tái chế.
Vì vậy, ngày hội Tách nhựa để Tái chế giúp người dân hiểu rõ vai trò quan trọng của việc phân loại rác nhựa tại nhà một cách triệt để, hỗ trợ mang nhựa quay lại phục vụ cho đời sống và hoạt động sản xuất thay vì gây ô nhiễm môi trường. Khi người dân phân loại tốt thì việc tái chế sẽ thuận lợi hơn, đỡ tốn kém hơn.
Trong không gian mở của khu vực Công viên Cảnh đồi (Quận 7, TP. HCM), UBND Quận 7, Unilever Việt Nam và các nhãn hàng (Omo, Comfort, Sunlight, Knorr, TRESemmé, Clear, P/S, Lifebuoy, Hazeline) đã mang đến hàng loạt nội dung ý nghĩa tại ngày hội.
Đầu tiên, hoạt động Triển lãm về Kinh tế Tuần hoàn đã giới thiệu một quy trình toàn diện từ phân loại, thu gom, tái chế rác thải nhựa, đến sản xuất bao bì từ nhựa tái chế (PCR), từ đó mang khái niệm Kinh tế Tuần hoàn trở nên trực quan và gần gũi với người dân.
Bên cạnh đó, người dân có thể thực hành phân loại rác nhựa ngay tại sự kiện thông qua các trò chơi, hoạt động đổi rác nhựa lấy quà, chụp ảnh lan tỏa thông điệp về phân loại rác thải nhựa.
Với hơn 35 triệu sản phẩm được người dân Việt Nam tin dùng mỗi ngày, Unilever đã tiên phong đẩy mạnh nhiều kế hoạch dài hạn và toàn diện hướng đến quản lý rác thải nhựa hiệu quả. Chương trình hợp tác cùng UBND Quận 7 là một hoạt động quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu thu gom và xử lý rác thải nhựa nhiều hơn lượng bao bì sản phẩm được đưa ra thị trường của doanh nghiệp đến năm 2025.
Hiện nay, Unilever Việt Nam đã thu gom và xử lý hơn 20.000 tấn rác thải nhựa thông qua những chương trình hợp tác, phát triển 73% bao bì sản phẩm có khả năng tái chế hoặc dễ dàng phân hủy, đồng thời giảm 82% lượng nhựa nguyên sinh thông qua cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái sinh PCR trong sản xuất bao bì.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Chủ tịch Unilever Việt Nam, với mô hình Kinh tế Tuần hoàn về Nhựa, chúng ta không chỉ giúp tránh lãng phí nguồn tài nguyên, mà còn góp phần bảo vệ môi trường khi ngăn chặn được rác nhựa bị thải ra môi trường đất hoặc đại dương và gây ô nhiễm. Để thực hiện mô hình này, bước đầu tiên và quan trọng nhất chính là phân loại tại nguồn, vì chỉ khi rác thải nhựa được phân loại đúng cách, chúng ta mới có thể tiến hành thu gom và có nguồn nhựa đầu vào chất lượng phục vụ cho hoạt động tái chế và sản xuất bao bì tái sinh về sau.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn