Ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang, chia sẻ tại Chương trình truyền thông về giảm nghèo bền vững năm 2022 do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.
+ Thưa ông, trong thời gian qua, công tác hỗ trợ giảm nghèo bền vững của tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả nổi bật. Xin ông cho biết các chương trình, chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở tỉnh hiện nay?
Nói về việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Trung ương có 7 dự án đang bắt đầu triển khai. Cụ thể là: Dự án 1: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Dự án 2: Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Dự án 5: Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Dự án 7: Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Tại tỉnh An Giang, giảm nghèo giai đoạn 2021-2025 được phê duyệt với tổng số tiền trên 900 tỷ đồng, bao gồm 87 tỷ của huyện nghèo Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ngoài ra, hầu hết kinh phí là đầu tư vào các nội dung: xây dựng cơ sở hạ tầng cho những huyện vùng sâu, vùng xa và tổ chức các mô hình giảm nghèo.
+ Việc triển khai các chính sách đang diễn ra như thế nào để mang lại hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, thưa ông?
Hiện nay, chúng ta đang thấy rằng một trong những vấn đề quan trọng được thực hiện nhiều năm qua là khắc phục cũng như kiện toàn các cơ quan chuyên môn và đặc biệt là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh công tác truyền thông, công tác tập huấn cho cán bộ chuyên môn các cấp về các vấn đề có liên quan đến công tác giảm nghèo.
Ngoài ra, có những nhóm vấn đề mà tỉnh An Giang cần phải quan tâm. Ví dụ: Thứ nhất là chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, tỉnh An Giang có thêm chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo nữa. Thứ hai là chính sách hỗ trợ giáo dục miễn học phí cho học sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thứ ba là chính sách hỗ trợ về nghề và giải quyết việc làm. Trong đó có tổ chức các lớp cho từng đối tượng riêng lẻ thông qua chương trình dạy nghề, tạo việc làm của ngành Lao động, Thương binh và xã hội cũng như các ngành khác. Thứ tư, quan trọng nữa là việc tuyên truyền và hỗ trợ về pháp lý trong các vấn đề có liên quan đến vốn và tổ chức sản xuất của địa phương.
Về các vấn đề liên quan khác, trong thời gian vừa qua, thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các ngành tỉnh An Giang cũng đã phát động phong trào thi đua vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau.
+ Hội LHPN Việt Nam là một trong những tổ chức chính trị - xã hội góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Ông có đánh giá gì về hoạt động của các cấp Hội LHPN tỉnh An Giang trong việc tham gia vào các hoạt động giảm nghèo bền vững tại địa phương?
Trong việc triển khai thực hiện các nội dung chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững, không thể không kể đến những đóng góp rất quan trọng của đoàn thể, đặc biệt là Hội LHPN phụ nữ các cấp, với các hoạt động rất cụ thể, hiệu quả.
Tại An Giang, những năm gần đây, chất lượng của các mô hình, hoạt động đã được nâng lên, đặc biệt là những tổ giúp nhau của phụ nữ địa phương đã có những đóng góp quan trọng giúp phụ nữ giảm nghèo bền vững.
Trong vài năm qua, Hội LHPN Việt Nam cũng đã chính thức tham gia vào những nội dung trong chương trình quốc gia giảm nghèo và có những hoạt động hiệu quả. Chương trình truyền thông về giảm nghèo tại tỉnh An Giang do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức cũng là một minh chứng cho các hoạt động đó.
+ Các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, giúp giảm nghèo thông tin tiến tới giảm nghèo bền vững là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Xin ông chia sẻ, thời gian qua, hoạt động này được triển khai tại địa phương như thế nào?
Truyền thông về công tác giảm nghèo là hoạt động rất bổ ích và mang tính thời sự trong tình hình hiện nay. Bởi vì ngoài đơn vị chức năng thì để các ngành, các cấp đặc biệt là nhân dân hiểu một cách rõ ràng, cụ thể về các quy trình để triển khai những mô hình giảm nghèo không phải là chuyện đơn giản.
Về giải pháp thì Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang cũng đã có những tham mưu với các ngành, các cấp triển khai, thực hiện tuyên truyền, truyền thông về giảm nghèo từ nhiều năm nay và tương đối có hiệu quả.
Như tôi đã chia sẻ là cần chú trọng đến việc quán triệt, nâng cao nhận thức sâu sắc trong hệ thống chính trị. Thứ hai là nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người dân ở vùng khó khăn đặc biệt khó khăn.
Ở tỉnh An Giang, chúng tôi không chỉ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con nhân dân của vùng khó khăn mà cũng thông qua các chương trình truyền thông, tuyên truyền cho những người có điều kiện, những hộ dân có điều kiện để họ chung tay cùng các ngành, các cấp và tỉnh để thực hiện một cách có hiệu quả nhất, vận động nguồn lực một cách rộng rãi nhất trong toàn xã hội để chăm lo cho công tác giảm nghèo.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn