Đây là Hội thảo do Trung tâm Truyền thông Tài Nguyên và Môi trường, trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn tổ chức.
Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các phòng, đơn vị thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái; đại điện lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Theo báo cáo, những năm qua, khai thác bền vững tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội là vấn đề mang tính toàn cầu. Do nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, hiện nay vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược đặc biệt là các nguồn nước xuyên biến giới trở nên phức tạp và khó lường. Theo số liệu thống kê sơ bộ, trên 1.100km đường biên giới, số sông, suối chiếm khoảng 24,7% tổng chiều dài đường bộ.
Bên cạnh đó, quá trình đô thị hoá và sự gia tăng dân số, tình hình phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có xu hướng gia tăng, đã và đang gây áp lực lớn đến công tác bảo vệ môi trường ở nước ta. Ước tính, hiện nay trên cả nước lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh khoảng 60.000 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị chiếm 60%. Đến năm 2025, tỷ lệ phát sinh chất thải rắn sinh hoạt dự báo tăng 10%-16%/năm.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên gia Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường báo cáo về các nội dung chính như: Quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; Quy định về quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; Quy định về quản lý chất thải nguy hại; Quy định về quản lý chất thải khác; Kiểm soát ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa gây ra; Luật Tài nguyên nước và các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tăng cường quản lý, bảo vệ hiệu quả, khai thác và sử dụng bền vững các nguồn nước xuyên biên giới.
Thông qua hội thảo đã giúp nâng cao nhận thức quản lý nhà nước về tài nguyên nước, nâng cao các kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn về truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường. Từ đó tìm các giải pháp tối ưu, giúp cho công tác truyền thông về bảo vệ môi trường nước từ các nguồn nước xuyên biên giới, góp phần vào việc phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn