Theo đó, hàng năm, Hội LHPN tỉnh Bến Tre có kế hoạch giúp 100% hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và phụ nữ trong các hộ nghèo gắn với việc thực hiện đề án đa dạng sinh kế bằng nhiều hình thức, biện pháp, cách làm có hiệu quả hướng đến cách hỗ trợ "cần câu" để tự "câu cá".
Quan trọng nhất là hướng dẫn cho hội viên phụ nữ cách thay đổi nhận thức để quyết tâm vươn lên; từ đó thay đổi cách làm, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp, phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững.
Qua đó, các cơ sở Hội đã có những hoạt động thiết thực, tập trung hỗ trợ thực hiện các mô hình sinh kế phù hợp thích ứng với biến đổi khí hậu, thông qua phát huy hiệu quả gần 3.000 tỷ đồng là công cụ vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội, Agribank, Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế đã hỗ trợ vốn vay cho trên 89.000 người…
Đồng thời, phát huy hiệu quả trên 5.000 các loại mô hình tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất, tổ đa dạng nghề nghiệp... nhằm phát triển những ngành nghề thế mạnh sẵn có, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ xã hội hóa các chiều thiếu hụt.
Song song đó, mô hình "Mỗi Chi Hội có 1 địa chỉ vì phụ nữ nghèo"; phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vận động chị khá giúp các chị khó khăn để phát triển kinh tế như hỗ trợ cây con giống, vật tư, ngày công, cho mượn vốn không lãi suất cũng được các chị em phụ nữ quan tâm ủng hộ, mỗi năm giúp thoát nghèo trên 12% (năm 2022 giúp phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo trên 18%).
Theo Hội LHPN tỉnh Bến Tre, với trên 219 mô hình tổ hợp tác phát triển sinh kế với 3.650 thành viên tham gia nhiều loại hình, Hội phát huy vai trò tích cực trong việc thành lập, duy trì và phát triển nhiều mô hình hay, hiệu quả trên các lĩnh vực như may công nghiệp, đan đát, đan giỏ cọng dừa, kết cườm, sản xuất phôi và trồng nấm, chăn nuôi, trồng rau sạch, lưới cá, buôn bán, sản xuất kinh doanh mua bán nhỏ...
Tiêu biểu và hiệu quả nhất là các dự án do tổ chức Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam tài trợ qua các dự án "Chắp cánh phụ nữ khởi nghiệp" thông qua việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể như mô hình nuôi vịt, nuôi dê, nuôi bò (Mỏ Cày Bắc), mô hình trồng nấm, may công nghiệp (Ba Tri), lưới cá, sản xuất cây con giống, hoa kiểng, nấu ăn (Chợ Lách), may công nghiệp (Bình Đại)... đã giúp cho người thụ hưởng dự án thêm nguồn lực để thoát nghèo bền vững.
Lĩnh vực nước sạch vệ sinh môi trường có Dự án "Cải thiện vệ sinh và nước sạch dựa trên kết quả do phụ nữ làm chủ" giai đoạn 2018-2022 do Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tài trợ với mục tiêu nhằm nâng cao sức khỏe và bình đẳng giới, hòa nhập xã hội cho các hộ nghèo và dễ bị tổn thương thông qua tăng cường khả năng tiếp cận công bằng với dịch vụ vệ sinh và nước sạch một cách bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu được thực hiện tại 40 xã thuộc huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc và Thạnh Phú đã giúp cho 4.902/4.700 (tỷ lệ 104,3%) hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 2.300 hộ đấu nối và sử dụng nước sạch,
Bên cạnh đó, còn có dự án "Biến rác thải sinh hoạt thành phân bón để phát triển vườn rau xanh" được thực hiện thí điểm 10 xã, phường của TP.Bến Tre và Châu Thành… dự án tập trung vào nhà tiêu hợp vệ sinh, cung cấp nước sạch, phân loại rác thải tại nguồn, ủ phân compost…
Hay như lĩnh vực giáo dục, có dự án "Xóa mù chữ - Hỗ trợ tài năng trẻ em gái nghèo hiếu học" do Tổ chức Kinderhilfe Hyvong - Việt Nam (CHLB Đức) đã hỗ trợ thông qua việc cấp phát học bổng định kỳ hàng năm cho 200 lượt trẻ em gái nghèo hiếu học trên địa bàn tỉnh Bến Tre, dự án đã thực hiện trên 26 năm qua.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề, truyền nghề, giải quyết việc làm cũng được đặt lên hàng đầu. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh không chỉ tập hợp, thu hút, tuyên truyền, giáo dục, vận động hội viên phụ nữ mà còn sẻ chia, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, là địa chỉ tin cậy, điểm tựa cho nhiều chị em trên con đường vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống bằng nhiều hoạt động thiết thực: tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phối hợp tổ chức tốt hoạt động dạy nghề cho phụ nữ nông thôn. Trong năm mở trên 50 lớp tập huấn, giới thiệu việc làm hơn 16.800; tư vấn lao động làm việc có thời hạn ở nước ngoài có 387 nữ đã xuất cảnh.
Để tiếp tục duy trì và thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ nâng cao năng lực làm chủ kinh tế cho phụ nữ, đặc biệt trong hỗ trợ xây dựng và phát triển bền vững các mô hình sinh kế, tổ hợp tác hiệu quả trong thời gian tới, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Bến Tre cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm "Hai chân", "Ba mũi".
"Hai chân" đó là: Xây dựng tổ chức hội vững mạnh; và Nâng cao quyền năng phụ nữ (Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng gia đình hạnh phúc); "Ba mũi" đó là: Ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình quản lý và hoạt động; Huy động nguồn lực (nội lực và ngoại lực) và tập huấn, hướng dẫn, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở, nâng cao chất lượng hội viên.
Bên cạnh đó, hướng dẫn khuyến khích các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, xây dựng mô hình khởi nghiệp trong hội viên phụ nữ, hỗ trợ phụ nữ nghèo tiếp cận mô hình sinh kế hiệu quả; phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan, tiếp tục vận động nguồn lực trong nước và quốc tế, góp phần tăng nguồn vốn cho phụ nữ vay phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, biểu dương khen thưởng và có kế hoạch bồi dưỡng, nhân rộng, hỗ trợ về tinh thần, giải pháp kỹ thuật và điều kiện vật chất để các điển hình tiếp tục phát huy khả năng và sức sáng tạo trong công việc và cuộc sống góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội phụ nữ các cấp đã đề ra.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn