Nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong thế giới đang thay đổi

11:59 | 26/09/2017;
Hôm nay, 26/9, đã diễn ra sự kiện đầu tiên mang tính chất then chốt, quyết định sự thành công của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC (WEF) lần này với chủ đề “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi”.
Hội nghị Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế APEC (PPWE) lần thứ 2 tổ chức tại TP Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) vào sáng 26/9. Tham dự hội nghị có khoảng 160 đại biểu, họp kín cấp làm việc, cập nhật, thảo luận và thống nhất nội dung công tác hàng năm của Diễn đàn, hoàn thiện Văn kiện chính thức, Dự thảo Tuyên bố Bộ trưởng năm 2017 để trình lên các Bộ trưởng (tại Đối thoại cao cấp).
Thứ Trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan nhấn mạnh, để thúc đẩy, củng cố vai trò, vị trí và đảm bảo cơ chế hoạt động của nhóm PPWE, các bộ trưởng/trưởng đoàn từ các nền kinh tế sẽ cùng nhau tích cực thảo luận và thống nhất đưa ra đề xuất thiết thực cho diễn đàn. Qua đó, đảm bảo bình đẳng giới là vấn đề xuyên suốt và cần phải thực hiện trong mọi lĩnh vực, các diễn đàn của APEC nhằm tăng cường sự tham gia của phụ nữ, thúc đẩy tiềm năng kinh tế của phụ nữ trong bối cảnh thế giới đang thay đổi.

Đại biểu đại diện các nền kinh tế APEC tham dự hội nghị

“Chúng tôi kỳ vọng hội nghị này sẽ đạt được những đầu ra mong đợi, đó là cập nhật tiến độ thực hiện Kế hoạch chiến lược PPWE giai đoạn 2015-2018; thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các nền kinh tế và các nhóm công  tác của APEC trong việc thực hiện các sáng kiến chung; quy chế và tiêu chuẩn hoạt động của Quỹ về phụ nữ và kinh tế APEC, hoàn thiện và thông qua Hướng dẫn lồng ghép giới trong APEC, hoàn thiện và thống nhất trình Tuyên bố Bộ trưởng lên Đối thoại chính sách cấp cao”, bà Hồng Lan phát biểu. 

Năm 1998, Hội nghị đầu tiên của Bộ trưởng APEC về Phụ nữ được tổ chức tại Philipines đã thừa nhận về phạm vi và mức độ phức tạp của các vấn đề mà phụ nữ và các nền kinh tế trong khu vực APEC phải đương đầu. Hội nghị đã đề xuất với các nhà Lãnh đạo APEC về thúc đẩy lồng ghép bình đẳng giới, thực hiện cách tiếp cận thực tế và có hệ thống, đầy đủ về phụ nữ tham gia vào các quá trình và hoạt động chính của APEC. Do đó, “Khuôn khổ hội nhập phụ nữ trong APEC” được ban hành năm 1999 và Nhóm Tư vấn đặc biệt cho Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM) về vấn đề Giới (AGGI) được thành lập để hỗ trợ việc thực hiện Khuôn khổ. Năm 2002, Nhóm AGGI được kiện toàn với tên mới là Mạng lưới đầu mối về Giới trong APEC (GFPN) để thúc đẩy tiến trình hội nhập của phụ nữ và duy trì thành tựu đạt được.

Năm 2011, cùng với sự phát triển hợp tác, liên kết kinh tế đa tầng trong APEC và trước nhu cầu về tạo các cơ hội kinh tế mới cho phụ nữ trong quá trình phát triển, APEC tiếp tục phát triển Nhóm GFPN qua việc kết hợp với Mạng lưới các nhà Lãnh đạo nữ (WLN) để thành lập một cơ chế cao hơn, ở cấp độ đối tác công - tư nhằm lồng ghép và tăng cường sự ảnh hưởng của các vấn đề phụ nữ trong APEC, đó là Nhóm Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế (PPWE).

Bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Chủ tịch PPWE lần thứ 2 điều hành hội nghị. Ảnh: Phương Hoa

Theo bà Hoàng Thị Thu Huyền, Vụ phó Vụ Bình đẳng giới, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội nghị PPWE lần thứ 2, đây là sự kiện đầu tiên, quan trọng, mang tính chất then chốt, quyết định sự thành công của Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC (WEF) lần này với chủ đề “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới đang thay đổi”.

Các đại biểu trao đổi bên lề hội nghị

Ngoài Kế hoạch chiến lược PPWE giai đoạn 2015-2018, các đại biểu còn bàn về kế hoạch hành động cá nhân phù hợp với Kế hoạch Chiến lược và 5 trụ cột ưu tiên trên cơ sở tự nguyện; báo cáo về tiến độ của các Diễn đàn khác của APEC có sự tham gia của PPWE hoặc có các điều khoản về bình đẳng giới và tăng cường quyền năng cho kinh tế từ cuộc họp PPWE lần thứ 1. 

Bàn về các dự án PPWE của APEC, các đại biểu thảo luận về vấn đề “Nơi làm việc thông minh về giới - Xây dựng và thúc đẩy sức khỏe, an toàn và bao trùm tại nơi làm việc nhằm nâng cao sự tham gia và năng suất về kinh tế của phụ nữ”. Ngoài ra, PPWE Việt Nam sẽ trình bày dự thảo Hướng dẫn Lồng ghép giới trong APEC và xin ý kiến phê duyệt của các thành viên.

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn