Vị thế của phụ nữ dân tộc thiểu số được cải thiện
Dự án 8 được triển khai tại các tỉnh thành gồm xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ưu tiên địa bàn đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu thuộc khu vực II, I (xã chưa được cấp có thẩm quyền công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành Chương trình 135); xã biên giới được xác định theo các văn bản của cấp có thẩm quyền. Theo đó, tỉnh Lâm Đồng có 7 huyện với 72 thôn, 32 xã được hưởng lợi từ dự án.
Sau gần 2 năm thực hiện, các mô hình từ Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" đi vào hoạt động, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân và hội viên phụ nữ. Các mô hình đã trở thành chỗ dựa cho phụ nữ bị bạo hành, giúp nạn nhân của bạo lực gia đình mạnh dạn tìm đến sự hỗ trợ của các Địa chỉ tin cậy cộng đồng.
Cùng với các Địa chỉ tin cậy cộng đồng, Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng cũng đã tổ chức thành lập các câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi, Tổ truyền thông cộng đồng…. đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của phụ nữ dân tộc thiểu số. Tại các Tổ truyền thông cộng đồng có sự tham gia của hầu hết các cán bộ địa phương, người có uy tín trong cộng đồng góp phần giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, nâng cao vị thế của từng thành viên trong gia đình.
Ngoài bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ, Dự án 8 tại Lâm Đồng đã tập trung xây dựng các mô hình tổ/nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ, từ đó góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ trong xã hội. Nhiều chị em hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số đã tích cực, gương mẫu trong thực hiện các phong trào, cuộc vận động tại địa phương.
Kết quả ban đầu cho thấy, nhờ các hoạt động hỗ trợ từ Dự án, phụ nữ dân tộc thiểu số được nâng cao trình độ mọi mặt, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc. Những hoạt động toàn diện của Dự án đã tác động từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới, những tập tục lạc hậu và giải quyết các vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần quan trọng chăm lo, hỗ trợ phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng.
Thúc đẩy bình đẳng giới
Chia sẻ tại hội thảo "Giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số" vừa được tổ chức tại Lâm Đồng ngày 24/11, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng Cil Bri cho biết: Trong những năm qua, Hội LHPN các cấp đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác, mô hình sinh kế, hỗ trợ phụ nữ tham gia ứng dụng khoa học - công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất và kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt từ năm 2017, Hội LHPN các cấp tích cực triển khai Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025. Qua đó đã hỗ trợ gần 600 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp với tổng số vốn hơn 2,8 tỷ đồng; phối hợp, hỗ trợ thành lập 10 hợp tác xã, 47 tổ hợp tác và 26 tổ liên kết do phụ nữ quản lý; trao 223 mô hình sinh kế cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trị giá trên 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội LHPN các huyện/thành phố còn phối hợp với Trung tâm dạy nghề, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 20.000 hội viên phụ nữ với các nghề đan lát, móc len, may công nghiệp, cắt tóc, trang điểm, cạo mũ cao su… Từ những hỗ trợ đó, hội viên phụ nữ nói chung, phụ nữ dân tộc thiểu số nói riêng trong tỉnh đã có nhiều cơ hội để nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, thúc đẩy bình đẳng giới thực chất.
Không ngừng nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số
Bên cạnh những thay đổi tích cực thì hiện nay, phụ nữ nói chung, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số ở các thôn, xã đặc biệt khó khăn ít có điều kiện tiếp cận với khoa học công nghệ trong đời sống cũng như trong phát triển sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. Hoạt động hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế; các mô hình phát triển kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số còn nhỏ lẻ… Do đó, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tham gia vào các hoạt động nâng cao đời sống kinh tế gia đình để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số là điều cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Thực hiện Quyết định số 1719/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 (giai đoạn I từ năm 2021-2025), Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch triển khai một số hoạt động Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" năm 2023. Theo kế hoạch, các hoạt động chú trọng thúc đẩy hỗ trợ nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần cho hội viên phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn tiếp cận được công nghệ, nâng cao giá trị sản xuất và sản phẩm, cải thiện đời sống, thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhằm tìm ra giải pháp hiệu quả, tại hội thảo "Giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số", các đại biểu đã tập trung thảo luận, trao đổi, đánh giá thực trạng các mô hình tổ/nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ/đồng làm chủ ứng dụng công nghệ 4.0 tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời, đề ra các giải pháp tháo gỡ những tồn tại, các giải pháp nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm góp phần cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận công nghệ thông tin, nâng cao giá trị sản xuất và sản phẩm, cải thiện đời sống, góp phần thực hiện hiệu quả Dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" giai đoạn 2021- 2025.
Hy vọng, với sự vào cuộc của tất cả các cấp Hội phụ nữ Lâm Đồng sẽ tăng cường và thúc đẩy mạnh mẽ sự tham gia của phụ nữ dân tộc thiểu số vào các hoạt động kinh tế có thu nhập, từ đó nâng cao quyền năng kinh tế, giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ cách làm, có được tiếng nói trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn