Để phát huy được những giá trị đó, Hội LHPN Việt Nam góp phần lớn trong việc dung hòa giữa giữ gìn giá trị gia đình truyền thống với xây dựng gia đình trong thời kỳ mới. Để cùng hiểu hơn các cách làm hay, mô hình tiêu biểu trong vấn đề này, PV Báo PNVN đã có buổi trao đổi với bà Đoàn Thị Mỹ - Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh).
- PV: Bà có thể cung cấp thông tin nhanh về tình hình đời sống, xã hội của hội viên trên địa bàn thị xã?
- Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kỳ Anh: Thời gian qua, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng phát huy nhân tố con người. Hà Tĩnh được biết đến là vùng đất nghèo với truyền thống hiếu học đã được hun đúc từ bao đời nay, là nơi có các phong trào tiêu biểu trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, trong thời kỳ "Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa", Hà Tĩnh nói chung và thị xã Kỳ Anh nói riêng đang trên đà phát triển nhanh và bền vững với sự phát triển đồng đều trên các mặt kinh tế - văn hóa - xã hội, đời sống người dân được nâng cao.
Hiện nay thị xã được xác định là đô thị động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội phía Nam của tỉnh, nằm trong vùng kinh tế động lực Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình, được quy hoạch là trung tâm thương mại cấp vùng, trung tâm công nghiệp đa ngành, công nghiệp nặng, nhiệt điện, sản xuất thép, lọc hóa dầu, cảng và dịch vụ logistics, điều kiện đó tạo thuận lợi cho người dân trong phát triển kinh tế và mọi mặt đời sống xã hội, mức sống của người dân thị xã có sự thay đổi nhanh chóng, thu nhập nâng lên với sự phát triển kinh tế đa ngành nghề, lao động trong các khu công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp.
Ngoài ra, trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, xu thế người dân đi xuất khẩu lao động và đi làm ăn xa ngày càng nhiều với trên 5.439 người xuất khẩu lao động, trên 1,5 nghìn người đi làm ăn xa đã góp phần nâng cao mức thu nhập bình quân đầu người của thị xã, đạt 52,62 triệu đồng/người năm 2022 (tăng 3,1 triệu đồng so với năm 2021).
- PV: Trước bối cảnh phát triển nhanh về công nghiệp hóa - hiện đại hóa và công nghệ số như hiện nay, bà đánh giá đời sống gia đình có sự thay đổi như thế nào?
- Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kỳ Anh: Trước đây khi nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, mỗi thành viên trong gia đình đều là lực lượng lao động, cùng nhau làm viêc, cùng sum vầy qua những bữa cơm tạo nên mối quan hệ khăng khít, bền chặt. Còn hiện nay, tôi nhận thấy cơ cấu lao động, ngành nghề đã có những thay đổi, cơ hội việc làm, giao lưu hội nhập đã tạo điều kiện cho người dân được phát triển mọi năng lực, vươn lên làm giàu chính đáng. tuy nhiên, song hành với sự phát triển kinh tế - xã hội thì chúng ta cũng phải đối mặt với sự thay đổi trong quá trình xây dựng và phát triển gia đình.
Với sự phát triển của "thế giới phẳng" như hiện nay, trong mỗi gia đình sẽ có sự đan xen của nhiều luồng văn hóa khác nhau. Bởi vậy, giá trị truyền thống gia đình Việt Nam đang ngày càng có những thay đổi đáng lo ngại trong mối quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình cũng như các thế hệ trong nhiều gia đình. Thực tế này đã và đang là một trong những nguyên nhân làm phai nhạt giá trị văn hóa truyền thống.
- PV: Qua triển khai công tác phụ nữ, bà thấy sự thay đổi đó được biểu hiện cụ thể như thế nào?
- Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kỳ Anh: Điều nhận thấy rõ nhất đó là thời gian dành cho gia đình của mọi người ngày càng thu hẹp lại, sự quan tâm chăm sóc giữa các thành viên cũng có những thay đổi, mối quan hệ trong gia đình ngày càng trở nên lỏng lẻo, việc giáo dục con cái chưa được quan tâm đúng mức.
Như tôi vừa chia sẻ ở trên, việc người dân có điều kiện đi làm ăn xa, chẳng hạn xuất khẩu lao động góp phần cải thiện về kinh tế, tuy nhiên khi bố mẹ đi làm ăn xa thì con cái chủ yếu gửi cho ông bà hoặc người thân, có lúc còn phó mặc cho nhà trường và xã hội. Từ đó, những khoảng cách vô hình giữa con cái với bố mẹ dần nảy sinh, những nề nếp truyền thống đang dần bị mai một, ảnh hưởng đến sự hình thành tâm sinh lý, hình thành nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách của con người.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, các tệ nạn, lối sống đua đòi, ích kỷ, thực dụng, sống ảo đang ảnh hưởng đến không chỉ nhiều đứa trẻ mà thậm chí là cả những người lớn trong gia đình. Chính vì vậy mà tôi buộc phải chia sẻ những con số rất buồn, chẳng hạn như theo số liệu từ năm 2021-2022 trên địa bàn thị xã có 154 vụ ly hôn, có 24 người dưới 18 tuổi vi phạm pháp luật, xu hướng mong muốn sinh con trai nối dõi vẫn còn dẫn đến tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao với 39,01%. Thậm chí nhiều người sống không kết hôn, sinh con ngoài giá thú. Vấn đề này ảnh hưởng đến việc nuôi dưỡng và giáo dục con cái trong một số gia đình.
- PV: Đối mặt với rất nhiều những vấn đề nhức nhối đó, Hội LHPN Thị xã Kỳ Anh đã có những hoạt động gì để tuyên truyền, thay đổi nhận thức cho các hội viên?
- Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kỳ Anh: Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy, các cấp Hội đã phối hợp phát động nhiều phong trào thi đua xây dựng gia đình hạnh phúc. Đó là các phong trào: "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc"; Cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch"; Phong trào "3 không" gắn với xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; Xây dựng gia đình đạt 4 chuẩn mực: "No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"; Phong trào "Ông bà cha mẹ mẫu mực, con cháu, hiếu thảo",... Đồng thời, các loại hình Câu lạc bộ cũng đã được thành lập như: "Gia đình không bạo lực", "Bình đẳng giới", "Phòng chống tệ nạn xã hội", "Tiếng kẻng học bài", "Phụ nữ nuôi dạy con tốt", "Không sinh con thứ 3", "Tình thương và trách nhiệm", "Đồng cảm",... Các phong trào, Câu lạc bộ được triển khai trên toàn thị xã, hoạt động có hiệu quả, đi vào chiều sâu và trở thành phong trào quần chúng sâu rộng được toàn xã hội hưởng ứng tích cực.
- PV: Bà đánh giá những hoạt động đó đã tác động tích cực như thế nào đến các hội viên, phụ nữ?
- Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kỳ Anh: Qua báo cáo của các cấp Hội ở cơ sở, tỷ lệ gia đình đạt 8 tiêu chí đạt 82%; 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa. Phong trào Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới đã được cụ thể hóa thành các phong trào thi đua trong các cấp Hội và hội viên, phụ nữ. Chúng tôi cũng tuyên truyền nâng cao nhận thức mọi mặt cho chị em phụ nữ bằng hình thức nhiều sinh hoạt, hội thi, hội diễn, diễn đàn, qua các trang thông tin của Hội (hệ thống Zalo, Facebook) và qua các trang thông tin của địa phương... Từ các phong trào thi đua này, hội viên, phụ nữ đã nâng cao chất lượng cuộc sống, khẳng định vị thế của chị em phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, góp phần gìn giữ xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội văn minh.
- PV: Qua quá trình thực hiện rất nhiều phong trào, kế hoạch, bà có thể rút ra được những kinh nghiệm gì để Hội phụ nữ làm tốt hơn nữa vai trò của mình khi dung hòa giữa giữ gìn truyền thống gia đình với xây dựng gia đình trong thời kỳ mới?
- Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kỳ Anh: Hội LHPN các cấp cần cụ thể hóa để triển khai các Đề án, chương trình hành động, các hoạt động về xây dựng gia đình, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về vị trí, tầm quan trọng và trách nhiệm của gia đình trọng tâm là "Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc" đáp ứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Trong đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", xây dựng gia đình "5 có, 3 sạch", đưa ra các giải pháp, các chương trình hoạt động phù hợp trong từng vùng, miền, từng đối tượng để đảm bảo đạt các tiêu chí phù hợp, thiết thực.
Chủ động tham mưu các chính sách, chương trình về công tác gia đình, phụ nữ và trẻ em; Phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, tuyên truyền vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao hiểu biết về bình đẳng giới. Thực hiện có hiệu quả Đề án 938 về "Tuyên truyền giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" gắn phong trào "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có văn hóa, có trách nhiệm với gia đình và xã hội. Đây là chuẩn mực đạo đức vừa kết hợp giá trị truyền thống với sự phát triển của nhân loại, góp phần quan trọng trong xây dựng gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới, đáp ứng với thực tiễn đi lên của đất nước.
- PV: Bà có đề xuất gì để có thể làm tốt hơn nữa việc giữ gìn giá trị gia đình truyền thống và xây dựng gia đình ở Hà Tĩnh thời kỳ mới?
- Chủ tịch Hội LHPN thị xã Kỳ Anh: Tôi cho rằng, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam nói chung, người Hà Tĩnh nói riêng; chuẩn mực về công tác gia đình; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật; đề cao tinh thần yêu nước, tự hào truyền thống quê hương và dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Đồng thời, chúng ta cũng cần kết hợp những giá trị mới tiếp thu từ xã hội đương đại mang tính cởi mở, dân chủ, khoa học, quốc tế, tiến bộ nhằm hoàn thiện giúp cho việc xây dựng con người, gia đình truyền thống Hà Tĩnh có những phẩm chất, năng lực phù hợp với thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giải quyết những vấn đề khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa hiện nay.
- PV: Xin cám ơn những chia sẻ của bà!
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn