Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ, chị Cao Thị Gian, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk vui mừng cho biết, vượt qua rất nhiều khó khăn, vất vả lập nghiệp từ đôi bàn tay trắng giờ đây chị đã có được một tổ ấm hạnh phúc với người chồng và hai con trai. Chị Gian là di dân vào xã Ia Rvê từ thủa nơi này còn hoang vu, rậm rạp, cuộc sống vô cùng khó khăn. Điều may mắn hơn cả là suốt quá trình lập nghiệp, chị nhận được sự giúp đỡ, động viên rất nhiều từ Hội LHPN xã cũng như cán bộ Biên phòng đóng quân trên địa bàn xã.
Chị Gian chia sẻ: "Tôi được Hội tạo điều kiện cho vay vốn phát triển kinh tế từ các nguồn vay ưu đãi, cũng như được tham dự các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ năng trồng trọt, chăn nuôi. Hội LHPN xã và các tổ chức đoàn thể cũng giới thiệu các mô hình sinh kế bền vững cho người dân học tập. Được sự gợi ý, giúp đỡ, tôi tập trung nuôi gà, trồng điều và mở một cửa hàng tập hóa để có nguồn thu nhập bền vững".
Trò chuyện hồi lâu với chị Gian, tôi mới biết, không chỉ hỗ trợ, giúp hội viên phụ nữ vay vốn, phát triển kinh tế gia đình, Hội LHPN xã Ia Rvê còn thành lập các câu lạc bộ "Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới" - một mô hình tuyên truyền, phổ biến pháp luật mới mẻ nhưng hoạt động rất hiệu quả ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng gió này.
Lễ ra mắt Câu lạc bộ “Phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên cột mốc”. Ảnh: Thu Thủy
"Chị em trong câu lạc bộ cam kết thực hiện tốt một số quy định cụ thể như: Không chặt phá và đốt cây khai hoang trong vành đai biên giới; phát hiện, tố giác tội phạm vi phạm quy chế biên giới; không tiếp tay, dẫn đường vượt biên trái phép... Tất cả chị em trong câu lạc bộ đều đồng lòng thực hiện những quy định trên", chị Gian cho hay.
Có đi trải nghiệm thực tế mới cảm nhận được những vất vả và niềm hạnh phúc của những người như chị Gian khi lập nghiệp ở xã biên giới non trẻ Ia Rvê cũng như ý nghĩa của việc thành lập các câu lạc bộ "Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới" ở đây. Nói Ia Rvê là xã non trẻ bởi địa phương này mới có 16 năm tuổi đời (thành lập năm 2006 theo dự án di dân phát triển kinh tế mới). Dân số toàn xã gần 7.000 người nhưng có tới 25 thành phần dân tộc khác nhau. Đời sống nhân dân trong xã chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao.
Người dân ở xã biên giới Ia Rvê chủ yếu là dân di cư từ nhiều nơi khác đến nên phong tục tập quán, văn hóa cũng hoàn toàn khác nhau. Địa hình của xã bằng phẳng, nằm sát biên giới Campuchia nên rất thuận lợi cho việc qua lại biên giới thăm thân, mua bán, giao thương hàng hóa. Trong khi đó, nhận thức về pháp luật của người dân, đặc biệt là những quy định về vấn đề đi lại, lưu trú tại địa bàn biên giới còn rất hạn chế. Điều đó đã gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý an ninh trật tự, đảm bảo an toàn xã hội tại địa bàn.
Chính vì vậy, bên cạnh các hoạt động giúp dân phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, Đồn Biên phòng Ia Rvê, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk đã tham mưu cho chính quyền xã và Hội LHPN xã Ia Rvê thành lập các câu lạc bộ "Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới".
"Việc thành lập câu lạc bộ nhằm tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ chấp hành các quy định pháp luật và vận động người thân trong gia đình không vi phạm quy chế biên giới. Với các hoạt động của câu lạc bộ, những người phụ nữ giống như bàn tay nối dài của Bộ đội Biên phòng trong công tác tuyên truyền người dân chấp hành pháp luật. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ, chúng tôi muốn phát huy tối đa vai trò của phụ nữ trong xã hội", Thiếu tá Cao Mạnh Tuấn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Ia Rvê, cho biết.
Chị Phùng Kim Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Rvê cho hay, toàn xã có 812 chị em hội viên. Trong suốt những năm qua, Hội Phụ nữ xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để chị em được vay vốn hỗ trợ, được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế. Xuất phát từ yêu cầu thực tế, nhằm tăng cường kiến thức, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho chị em phụ nữ, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của UBND xã và tư vấn của Đồn Biên phòng Ia Rvê, Hội LHPN xã đã tổ chức câu lạc bộ "Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới".
Ban đầu, việc tổ chức hoạt động câu lạc bộ gặp một số khó khăn nhất định do chị em còn rút rè, kỹ năng điều hành quản lý câu lạc bộ hạn chế. Kiên trì, vừa làm vừa rút kinh nghiệp, các câu lạc bộ đã hoạt động đi vào nề nếp, hiệu quả hơn.
Chia sẻ về quá trình thành lập và hoạt động của các câu lạc bộ "Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới", chị Trần Lệ Thủy, Bí thư đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Ia Rvê cho hay: "Trước đây, trong xã xảy ra tình trạng bà con nhân dân vi phạm quy chế biên giới do thiếu hiểu biết pháp luật. Các lỗi vi phạm bà con hay mắc phải là đi săn bắt thú, khai thác gỗ trái phép, qua lại biên giới không có giấy tờ đúng quy định.
Xuất phát từ thực tế đó, cộng với mong muốn giúp chị em có thêm kiến thức pháp luật cũng như am hiểu các quy chế, quy định qua lại biên giới cũng như các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia, Hội LHPN đã xây dựng ý tưởng thành lập câu lạc bộ "Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới"
"Từ ý tưởng đó, năm 2015, chúng tôi thành lập câu lạc bộ "Phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới" tại chi hội thôn 3 (nay là thôn 2) có 21 thành viên. Hàng năm, câu lạc bộ đều vận động chị em tham gia, phát triển thêm thành viên mới. Đến thời điểm hiện tại, câu lạc bộ có 27 thành viên, chị Thủy cho hay.
Năm 2016 với mục đich tuyên truyền vận động phụ nữ và cả các thành viên gia đình hội viên phụ nữ tích cực chấp hành các chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, nội quy địa phương, quy chế biên giới, Hội LHPN đã chủ động tham mưu cho Đảng ủy nâng quy mô câu lạc bộ lên thành "Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới" và tổ chức ra mắt tại thôn 5. Lúc đầu có 32 thành viên tham gia câu lạc bộ. Đến nay thông qua tuyên truyền, vận động, thấy được ý nghĩa cũng như giá trị tích cực qua các hoạt động của câu lạc bộ, số thành viên của câu lạc bộ đã tăng lên 42 thành viên.
Từ thành công của thôn 5, năm 2019, Hội LHPN xã Ia Rvê tiếp tục nhân rộng câu lạc bộ "Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới" tại thôn 4 với 15 thành viên. Năm 2020, mô hình này tiếp tục được nhận rộng tại thôn 6 với 11 thành viên và hiện giờ phát triển lên 15 thành viên...
Câu lạc bộ đưa ra quy chế hoạt động và xác định 15 tiêu chí mà các hội viên phải chấp hành. Trong đó có những tiêu chí nổi bật như các hội viên và gia đình hội viên không được vi phạm quy chế biên giới, không được chặt phá rừng, không tham gia mua bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới, không buôn bán, vận chuyển ma túy...
Chị em trong câu lạc bộ cam kết thực hiện tốt một số quy định cụ thể như: Không chặt phá và đốt cây khai hoang trong vành đai biên giới; phát hiện, tố giác tội phạm vi phạm quy chế biên giới; không tiếp tay, dẫn đường vượt biên trái phép... Hằng quý, Hội LHPN xã Ia Rvê phối hợp với Đồn biên phòng Ia Rvê tuyên truyền, vận động chị em chấp hành tốt quy chế biên giới.
Việc triển khai 2 câu lạc bộ đã tạo sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức và hành động của chị em về công tác quản lý biên giới. Chị em nắm rõ hơn các hiệp định, quy chế biên giới, các khu vực cấm, vành đai biên giới... và tuyên truyền cho người thân chấp hành tốt.
Đến nay, cả 4 câu lạc bộ ở 4 thôn biên giới với 92 thành viên của xã Ia R vê đều hoạt động hiệu quả. Thiếu tá Cao Mạnh Tuấn cho hay, trước đây, tình trạng vi phạm quy chế biên giới như săn bắt, khai thác lâm, thổ sản xảy ra rất nhiều. Một số người vượt biên trái phép để đi làm thuê... Tuy nhiên, từ ngày triển khai các câu lạc bộ "Gia đình phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới", tình trạng qua lại biên giới trái phép không còn diễn ra. Trong xã cùng không còn hiện tượng tụ tập chơi lô đề, đá gà. Mỗi hội viên phụ nữ thực sự đã phát huy vai trò của mình trong sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự của địa phương, giống như tai, mắt của chúng tôi, góp phần giúp Bộ đội Biên phòng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
Ngoài 4 câu lạc bộ "Gia đình hội viên phụ nữ không vi phạm quy chế biên giới", Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk còn phối hợp với Hội LHPN xã Ia Rvê thành lập 1 câu lạc bộ "Phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc" với 12 hội viên phụ nữ thôn đăng ký tham gia, 1 mô hình "Phụ nữ tố giác tội phạm, tham gia giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới", 1 mô hình "Chi hội phụ nữ 3 an toàn".
Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ hiệu quả của hội viên phụ nữ, Bộ đội Biên phòng Đắl Lắk đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân giao nộp 159 khẩu súng các loại, 320 viên đạn và nhiều loại vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ khác. Chị em phụ nữ và nhân dân cũng phát hiện, tố giác các đối tượng có hành vi phạm tội và cung cấp hàng ngàn nguồn tin có giá trị cho Bộ đội Biên phòng và các cơ quan chức năng xử lý, góp phần giữ vững an ninh, an toàn biên giới, lãnh thổ quốc gia.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn