Đến thăm gia đình chị Bùi Thị Ngọc, xóm Tiến Lâm, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình, hình ảnh chúng tôi bắt gặp là một người phụ nữ Dao đang ngồi ngoài sân phơi thuốc. Tay vừa thoăn thoắt làm, chị vừa luôn miệng chào hỏi, giải thích về các vị thuốc nam cho những người dân đến chữa bệnh tại nhà. Chị Ngọc chăm chú, tỉ mỉ lựa chọn các vị thuốc cho người bệnh và tận tình chỉ bảo cách sử dụng thuốc hiệu quả nhất. Bên trong ngôi nhà chị, tuy nhỏ thôi nhưng được bài trí ngăn nắp, khắp nơi đều thấy các vị thuốc được sắp xếp gọn gàng.
Chị Bùi Thị Ngọc vui vẻ giải thích: Chị vốn là người con của dân tộc Mường, lấy chồng, trở thành con dâu của người bản Dao. Từ những gì học được tại nhà chồng và đồng bào người Dao, chị đã biết bốc thuốc Nam chữa bệnh rất tốt, đặc biệt là các bệnh về xương khớp và dạ dày.
Năm 2018 chị bắt đầu tự bốc thuốc ở nhà và thuốc Nam từ đó đã trở thành đam mê. Vì vậy, khách đến nhà nhìn thấy chị, không ít người ngạc nhiên, khi chị không mặc trang phục của phụ nữ dân tộc Mường với chiếc váy dài mang nhiều xà tích nữa, thay vào đó, chị Ngọc đã trở thành phụ nữ Dao "chính hiệu".
Khoác trên mình bộ trang phục của người Dao, chị Ngọc cho biết, đó là chị muốn thể hiện mình toàn tâm, toàn ý muốn theo nghề thuốc Nam của gia đình, giữ gìn và phát triển để nghề truyền thống của người Dao không bị mai một.
"Thời gian đầu đến với nghề thuốc nam mình gặp nhiều khó khăn lắm" - vừa giới thiệu về sản phẩm thuốc Nam của mình, chị Ngọc vừa tâm sự. "Mình và người thân trong gia đình phải tự làm hết các công việc. Từ lên rừng hái thuốc, về sơ chế, rồi tự bốc thuốc. Cứ cần mẫn tự làm như vậy trong 3 năm, rồi mình cũng đã có trong tay một chút thành quả nho nhỏ. Ngày nào cũng có người qua nhà mình bốc thuốc. Có những vị khách tận Hải Dương, Nam Định và một số huyện lân cận trong tỉnh Hòa Bình tháng nào cũng lấy thuốc đều đặn".
Các vị thuốc được thu hái từ trong rừng
Nhận thấy thế mạnh của việc phát triển nghề thuốc Nnam và mong muốn phát triển nghề thuốc của gia đình nói riêng và người dân tộc Dao nói chung, chị Bùi Thị Ngọc và chồng đã mạnh dạn vận động người dân trong bản cùng tham gia thành lập và phát triển Hợp tác xã với tên gọi Hợp tác xã thuốc nam Ngọc Sáng. Hợp tác xã có 7 thành viên tham gia làm nghề và giải quyết việc làm cho trên 20 lao động đều là phụ nữ người Dao tại địa phương.
Giám đốc hợp tác xã Bùi Thị Ngọc và các thành viên đã phát triển được vùng nguyên liệu thuốc rộng trên 1ha. Ngoài ra, cây thuốc còn được các thành viên lấy từ khu vực núi, rừng tại địa phương.
Với nguồn nguyên liệu dồi dào và một số cây đặc trưng, Hợp tác xã của chị đã mở rộng thị trường và phát triển nghề thuốc chuyên nghiệp hơn bằng các sản phẩm như: Cao xoa bóp xương khớp, cao uống xương khớp, viên uống chữa dạ dày… Hiện nay, hợp tác xã đã có 8 sản phẩm. Trong đó, sản phẩm chủ đạo là cao dạ dày và cao lá tắm người Dao.
Từ ngày thành lập hợp tác xã chị đã liên kết với người dân bản địa để thu mua dược liệu. Đồng thời bắt đầu tổ chức trồng các vùng dược liệu quý như xạ đen, khôi nhung, nghệ đen, thiên niên kiện. Chị Ngọc cho biết: Có làm như vậy, hợp tác xã mới đảm bảo được tính an toàn và nâng cao được hiệu suất công việc. Bên cạnh đó, hợp tác xã sẽ tiếp tục liên kết với người dân mở rộng thêm quy mô trồng dược liệu quý để tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương.
Thông qua Hội LHPN các cấp, chị Ngọc được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng. Chị còn được hỗ trợ để các sản phẩm của HTX thuốc Nam Ngọc Sáng được cấp tem truy xuất nguồn gốc miễn phí và được kết nối để tham gia các hội chợ thương mại xúc tiến khắp khu vực phía Bắc. Chính những lần tham gia hội chợ này đã giúp cho thương hiệu HTX thuốc nam Ngọc Sáng được nhiều người biết đến hơn.
Sau 2 năm thành lập HTX, cuộc sống của các thành viên và người dân Bản Dao đã có nhiều sự thay đổi. Thu nhập của thành viên HTX giao động từ 5 đến 7 triệu đồng, còn người dân và hội viên phụ nữ tham gia làm thêm cho HTX thu nhập dao động từ 3 đến 4 triệu đồng/người/tháng.
"Tôi có thu nhập tốt hơn, tôi giúp được nhiều chị em phụ nữ trong xóm có thêm thu nhập từ việc hái thuốc, giúp được nhiều người khỏi bệnh. Nhưng điều đặc biệt hạnh phúc hơn cả là chúng tôi đang cùng nhau giữ gìn và phát triển để nghề truyền thống của người Dao không bị mai một. Thời gian tới, hợp tác xã sẽ tiếp tục huy động nguồn lực để xây dựng xưởng sản xuất và đưa máy móc vào chế biến sản phẩm", chị Ngọc chia sẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn