Tốt nghiệp đại học, cô theo con trai bác ra thủ đô xin việc. Vốn tính cởi mở, tốt bụng, bác tôi rất vui, sẵn sàng chào đón cô con dâu tương lai. Vì làm trong ngành Giáo dục nên bác quen biết nhiều, có thể xin cho cô một công việc ổn định trong ngành, nếu không được trường công thì cũng được trường tư. Nhưng ngặt nỗi, cô sinh ra ở vùng quê có chất giọng đặc trưng và phát âm hơi nặng lại dùng nhiều từ địa phương nên dù bác cố lắng nghe nhiều khi cũng không thể hiểu hết được những gì cô định nói.
Biết được đặc điểm này, bác đã ôn tồn giải thích với cô rằng, nếu cô muốn theo đuổi nghề giáo viên thì cô không thể giữ mãi giọng địa phương được mà cần phải học hỏi, thay đổi cách nói cho phù hợp với hoàn cảnh, tính chất công việc. Dù không phân biệt đối xử thì điều quan trọng là khi truyền đạt kiến thức, học sinh bậc học phổ thông ở lớp đông sẽ rất khó có thể hiểu bài. Còn nếu không thì cô có thể chọn một nghề khác không đòi hỏi nhiều về ngôn ngữ, cách phát âm thì mọi chuyện sẽ nhanh chóng ổn định.
Ảnh minh họa
Bác đã phân tích cho cô rất nhiều nhưng cô lại cho rằng bác cố chấp, coi thường, miệt thị cô, chê cô là người nhà quê, không muốn xin việc cho cô, ngăn cản cô lấy con trai bác. Cô tuyên bố với bác là cô không cần sự giúp đỡ của bác hay bất kỳ ai mà cô sẽ tự đứng vững trên đôi chân của mình và nhất quyết theo bằng được ngành nghề cô đã chọn.
Mặc dù không phản đối chuyện cưới xin nhưng vì mới ra trường, còn trẻ tuổi nên gia đình bác chỉ muốn cả hai tiếp tục học lên thạc sĩ, đồng thời xin việc làm ổn định rồi lập gia đình cũng chưa muộn. Thế nhưng, cô nhất quyết không nghe, thậm chí tìm cách có bầu với con trai bác để ép gia đình bác tổ chức đám cưới. Dù thế, bác tôi vui vẻ đồng ý, đám cưới diễn ra ngay lập tức trong niềm vui rộn rã của cả hai bên gia đình.
Để giúp cô có việc làm, bác đã giới thiệu học sinh của bác cho cô làm gia sư. Thậm chí, còn vay tiền để mua cho vợ chồng cô một căn hộ ở gần trường, nơi bác dạy để cô thuận tiện trong việc kèm cặp, dạy thêm cho học sinh. Cẩn thận hơn, những ngày đầu, bác còn ngồi kèm và truyền kinh nghiệm cho cô vừa giảng giải thêm để học sinh dễ tiếp thu kiến thức. Khi cô đã vững vàng về chuyên môn, kỹ năng sư phạm, bác chuyển giao số học sinh muốn học kèm lại cho cô. Dần dần, cô gây dựng được uy tín, số người đến gửi, nhờ cô dạy nhiều hơn. Thu nhập cũng vì thế mà tăng theo, bình quân hai chục triệu đồng/tháng, tháng chuẩn bị thi cấp 2, cấp 3, thu nhập của cô lên tới 30-40 triệu đồng/tháng.
Thu nhập cao là vậy nhưng cô cũng không phải lo nhiều tới chi tiêu bởi con của cô thì cô gửi hai bác tôi trông nom tối ngày. Buổi chiều đến đón con, hai vợ chồng cô tiện thể ăn tối luôn cùng hai bác. Tiền điện, nước, cô cũng “nhờ” bác tôi đóng hộ nhưng hầu như “quên” không trả. Quần áo thì cô cũng mang theo nhờ luôn bác giặt giũ, phơi, gấp và chỉ việc mang về. Chỉ trong vòng 4 năm sau cưới, hai vợ chồng cô đã có trong tay tiền tỷ.
Tưởng mọi chuyện như vậy là êm xuôi, bác tôi yên tâm, cần mẫn vun đắp cho vợ chồng cô. Chỉ một thời gian nữa, cô sẽ có đủ nhà, xe cộ và tích lũy nuôi con ăn học. Hoặc khi kinh tế ổn định, cô có thể tìm một công việc khác phù hợp hơn. Nhưng thật không ngờ, mới đây, cô lại đưa ra điều kiện, cô sẽ chuyển cả gia đình về một vùng quê xa xôi, nơi cô có thể xin dạy ở một trường bán công. Dù mức thu nhập chỉ là lương cơ bản nhưng cô bảo đó là ý muốn của cô, bởi ở đây, cô không được đi dạy theo hình thức chính thống. Cô muốn được đi làm như mọi người, sáng ra đến trường mang theo giáo án, tối về soạn giáo án, lĩnh lương đều đặn hàng tháng, không phải nghĩ. Khi chồng cô tỏ ý không đồng tình với quyết định đột ngột đó thì cô nói thẳng trước mặt cả bố mẹ chồng: Cô sẽ mang con cô đi, nếu cô và chồng còn duyên thì ở tiếp với nhau, nếu không còn thì thôi, đường ai nấy đi.
Cô không hề đếm xỉa tới công việc của chồng. Mặc dù lúc này, công việc của chồng cô đang rất thuận lợi, chuẩn bị được cất nhắc lên chức trưởng khoa của một trường đại học danh tiếng của thủ đô. Giờ đây, nếu về tỉnh, không có mối quan hệ, sự quen biết, chồng cô còn chưa biết đi đâu, về đâu, bởi về tỉnh, không hẳn có chuyên môn tốt là được nhận vào làm việc. Hơn nữa, bác tôi chỉ có duy nhất mình chồng cô, tuổi xế chiều đang cận kề, rất cần được xum vầy cùng con cháu.