Nàng dâu Việt làm "sứ giả văn hóa" ở Ai Cập

07:09 | 08/02/2018;
Họ là những cô gái 8X, vì tiếng gọi tình yêu đã đến làm dâu ở Ai Cập. Không chỉ có cuộc sống hạnh phúc, các bạn còn đang làm tốt vai trò “sứ giả văn hóa Việt” và lan tỏa tình yêu Việt Nam trên nước bạn.
Nàng dâu được yêu mến

Phạm Linh là người Hà Nội, cử nhân trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Sau 4 năm giảng dạy tại một trường đại học tư thục, Linh sang Malaysia du học. Tại đây, cô đã tìm thấy “một nửa” của mình là một người đàn ông Ai Cập theo đạo Hồi đến Malaysia học Thạc sĩ. 

 “Bản thân mỗi người là sự hiện thân của một nền giáo dục, văn hóa nhưng khi đã xác định làm dâu người Ai Cập, mình luôn cố gắng học hỏi, trau dồi để hòa nhập với gia đình chồng tốt hơn”, Linh tâm sự. Đó là lý do Linh đã học cách ăn và nấu các món Ả Rập, cách sinh hoạt theo văn hóa truyền thống của chồng, học đạo, hành đạo. 

Do các thành viên trong gia đình chồng Linh thuộc tầng lớp trí thức, ngay cả các bậc cao niên 70-80 tuổi cũng có thể sử dụng tiếng Anh, Pháp trôi chảy nên thời gian đầu làm dâu, cô không gặp khó khăn khi giao tiếp. Dù vậy, Linh xác định mình vẫn cần học tiếng Ả Rập để hiểu gia đình chồng tốt hơn thay vì phải thông qua ngôn ngữ trung gian.

Người Ai Cập gọi bố mẹ chồng là “cô chú” nhưng Linh vẫn gọi bố mẹ chồng là “bố mẹ” với lý do theo văn hóa Việt, cha mẹ chính là người đã sinh ra cho cô một người chồng tuyệt vời nên đối với cô, họ cũng chính là cha mẹ đã sinh ra mình. Nhờ vậy, bố mẹ chồng rất yêu thương và tự hào về cô.

Ai Cập đã thực sự trở thành quê hương thứ 2 của Linh và các thành viên trong gia đình chồng cũng là những người ruột thịt thân thiết của cô. Tuy nhiên, Linh không cho phép mình quên nguồn gốc Việt.

Người Ai Cập không đón Tết âm lịch nhưng từ lâu Tết của con dâu cũng trở thành Tết của cả nhà. Vào dịp Tết, Linh thường nấu nhiều món ăn cổ truyền để mời bố mẹ. Cô giải thích cho bố mẹ chồng nghe về phong tục Tết của Việt Nam và còn đưa chồng tới dự lễ đón Tết Việt do Đại sứ quán Việt Nam ở Ai Cập tổ chức.

Linh mua biếu, tặng bố mẹ, gia đình, bạn bè của chồng nhiều ấn phẩm song ngữ Việt - Anh giới thiệu về Việt Nam. Cô còn thường xuyên hát cho chồng nghe các ca khúc về Việt Nam, Bác Hồ và giải thích ý nghĩa lời bài hát để anh hiểu.

Chồng Linh nhờ thế mà đặc biệt yêu bài hát “Bác Hồ một tình yêu bao la” và anh mơ ước một ngày sẽ có thể tự hát bằng tiếng Việt ca khúc này để thể hiện lòng tôn kính với vị cha già của dân tộc Việt Nam. 
 
Quảng bá món ăn Việt

Ca Thương và Mohamed Anees Sharara quen rồi yêu nhau từ năm 2012, dù hai người chỉ được trò chuyện với nhau qua internet. Khi biết chuyện yêu đương của con gái, gia đình Ca Thương đều phản đối vì chưa biết nhiều về Ai Cập và không nỡ nhìn con gái đi làm dâu xa. Nhưng rồi bằng tình yêu chân thành, Thương đã thuyết phục được gia đình đồng ý tác thành cho cô và Mohamed đến với nhau.
ca-thng.jpg
Ca Thương và chồng
Đám cưới của họ được tổ chức tại Ai Cập. Do khoảng cách địa lý mà bố mẹ Ca Thương không thể sang dự hôn lễ của con gái. “Trong đám cưới, mình mặc áo dài và choàng khăn Việt vì mình là cô dâu Việt. Còn Mohamed mặc áo choàng dài. Chúng mình cùng được nghe đọc Kinh Koran và thề yêu thương nhau suốt đời”, Thương chia sẻ.

Ở Ai Cập, người đàn ông là trụ cột kinh tế trong gia đình. Phần lớn phụ nữ khi lấy chồng chỉ ở nhà chăm sóc gia đình, nuôi con. Song, Thương lại không muốn “ở nhà chồng nuôi”. Cô đã cùng chồng mở một nhà hàng bán món ăn Việt ở khu ngoại giao đoàn tại quận Maadi ở thủ đô Cairo. Thương cho biết: “Tôi mong muốn nhà hàng sẽ là nơi giới thiệu ẩm thực Việt tới bạn bè quốc tế, nhất là ở đất nước vốn ở rất xa Việt Nam”.

Thương là người trực tiếp đứng bếp nấu nhiều món ăn Việt cho nhà hàng như nem, chả giò, các món bún, phở, súp, cháo... Nhiều nguyên liệu được đặt từ Việt Nam chuyển sang như gạo nếp, bánh tráng, rau thơm để đảm bảo món ăn đúng chuẩn Việt.

Thương tâm sự: “Có du khách Việt khi sang đây, ghé vào nhà hàng ăn thử món phở Việt. Ăn xong, vị khách đánh giá món phở giống tới 90% hương vị ở quê nhà. Điều đó khiến mình rất hạnh phúc”.

Nhiều du khách quốc tế khác yêu Việt Nam, nghe tiếng nhà hàng cũng tới đây để được thưởng thức ẩm thực Việt. Đặc biệt, nhà hàng còn trở thành không gian văn hóa Việt khi mọi người có cơ hội nghe Thương đàn hát các ca khúc về Việt Nam.

Thương tâm sự, chồng cô đang tích cực học cách nấu món ăn Việt. Anh muốn một ngày nào đó có thể tự đứng bếp nấu món Việt trong nhà hàng, bởi anh rất yêu Việt Nam.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn