Người đàn ông ấy trở về trong một buổi chiều trở gió. Gió làm hàng cây trước cửa nhà xơ xác, lá rụng thành một thảm dày dưới chân. Nghe tiếng lá vỡ lạo xạo, mẹ đang lui cui nấu bữa cơm chiều trong bếp ngoảnh mặt nhìn ra. Ánh mắt mẹ vấp phải ánh mắt của người ấy, nghẹn lời chẳng thể thốt thành câu.
Ti vừa chạy ra tiệm tạp hóa đầu xóm mua trứng vịt, chạy về đến sân, thấy mẹ ngồi trong bếp bất động nhìn ra, thấy một người đàn ông lạ hoắc đứng ở giữa sân nhòm vào bếp. Nó lạ lẫm nhìn người đàn ông. Trong bóng chiều nhá nhem, nó kịp nhận ra người đàn ông ấy.
Mặc dù ông ấy mặc một bộ quần áo cũ đã nhàu, mái tóc bạc nhiều và khuôn mặt đầy những nếp nhăn xô vào nhau lớp lớp. Mặc dù ông ấy cứ đứng im với cái đầu cúi gằm và đôi môi mím chặt chứ không nở nụ cười tươi tắn như trong tấm hình có lần vô tình Ti tìm thấy dưới đáy chiếc va li cũ của mẹ thì Ti vẫn nhận ra, ông ấy là cha Ti. Ông ấy nhìn thấy Ti, cơ mặt khẽ giật giật. Có lẽ ông ấy định nói gì đó với Ti nhưng rồi lại sượng sùng không dám nên thành ra chiếc miệng hơi he hé tạo thành khẩu hình nhìn hơi buồn cười. Ti bước ngang qua ông, chui thẳng vào bếp, nhắc mẹ:
- Cơm trào kìa mẹ!
Lúc này, mẹ mới giật mình, luống cuống dập bớt lửa, mở nắp vung nồi cơm. Bụi tro rơi vào cơm. Ti càu nhàu như một bà cụ non:
- Mẹ nấu mà không để ý gì hết á. Thôi mẹ lên nhà đi, để con nấu cho. Khách - Ti cố tình nhấn mạnh - đến chơi, mẹ mời vào nhà chứ để người ta đứng ngoài sân vậy?
Miệng nói, tay làm, nó ngồi xuống, vần nồi cơm xuống rồi bắc nồi nước canh lên. Ánh lửa nhảy nhót, in cái dáng ngồi còm nhom của nó lên vách bếp. Mẹ đã lên nhà. Người đàn ông vẫn cúi đầu, lặng lẽ bước theo sau mẹ nó.
Ti mới biết mặt cha mình cách đây ít lâu. Mấy tháng trước, nó dọn nhà, lôi cái va li cũ của mẹ ra lau bụi nên tìm thấy tấm hình cũ mẹ giấu dưới tận đáy. Tấm hình theo thời gian đã ố vàng nhưng vẫn nhận ra khuôn mặt hai người trong hình. Một là mẹ lúc còn trẻ. Mẹ dựa vai vào người đàn ông bên cạnh đầy tình cảm. Nó biết người đàn ông ấy là cha nó. Nhìn vào tấm ảnh, nó nhận ra ngay những đường nét trên khuôn mặt nó đều được thừa hưởng từ ông ấy.
Đấy là lần đầu tiên nó nhìn thấy hình cha. Thêm lần này nữa là lần đầu tiên sau mười mấy năm trời được nhìn thấy ngoài đời bằng xương, bằng thịt. Trước đó nữa thì nó không nhớ vì ông bỏ đi theo người ta từ cái ngày nó còn nhỏ xíu, còn chưa biết đi, chưa biết nói. Mười mấy năm trời, nó chịu khổ, chịu nhục với cái tiếng một đứa con gái không cha.
Con Ti dọn cơm lên. Nó mời. Cái giọng nó lạnh tanh không nghe ra chút cảm xúc nào của tình phụ tử trùng phùng sau mười mấy năm xa cách:
- Bác đến chơi tiện bữa mời bác ở lại dùng cơm với mẹ con cháu. Nhà nghèo, có gì dùng nấy, bác thông cảm.
Khuôn mặt người đàn ông giật giật, ông ta cười mà như mếu. Mẹ lẳng lặng, không nói thêm gì. Bữa cơm diễn ra trong im lặng. Cơm nước xong xuôi, mẹ mới cất lời:
- Ti! Đây là… cha con.
Nói rồi, mẹ nhìn Ti. Ti ngồi im, khuôn mặt không hề biểu lộ chút cảm xúc nào. Nó hỏi bằng cái giọng như thể nó là người ngoài cuộc:
- Rồi sao hả mẹ?
Mẹ ngập ngừng:
- Cha muốn về sống chung với mẹ con mình.
- Vì sao ông ấy lại về?
Mẹ đưa mắt nhìn ông ấy. Ông ấy lên tiếng, giọng hơi khàn đi, chẳng biết vì xúc động hay vì lý do gì:
- Cha biết cha có lỗi với mẹ con con nhiều lắm...
Ti cắt ngang lời ông ấy:
- Chắc là người ta bỏ rơi ông rồi nên ông mới quay về tìm mẹ con tôi. Chứ dễ gì…
Người đàn ông cúi đầu, không nói. Hình như mẹ nén một tiếng thở dài. Ti bước ra hè ngồi. Đêm nay không trăng. Cả không gian đặc quánh trong bóng tối. Trong nhà, hai người lớn im lặng, sượng sùng. Ti gục đầu vào đầu gối. Nó thấy đầu óc nó lúc này hỗn loạn trong mớ cảm xúc thất vọng, giận giữ, tủi hờn đan lấy nhau chằng chịt.
Nỗi cay đắng của một đứa trẻ không cha chẳng thể nào ngày một, ngày hai có thể kể hết được. Nó tích tụ từ ngày này qua ngày khác, đóng cặn lại rồi rỉ vào lòng người ta những vết nhức nhối. Mẹ chưa bao giờ kể về cha nhưng những lời xì xầm, bàn tán của làng xóm xung quanh cũng đủ để Ti hiểu cha nó bỏ nhà theo một người đàn bà khác từ khi nó còn ẵm ngửa.
Không phải vì mẹ nó xấu. Mẹ Ti đẹp nhất vùng từ thời con gái. Đến giờ, khi thời gian đã in một vài dấu vết lên khuôn mặt mẹ, mẹ vẫn đẹp. Cha bỏ đi vì chê mẹ nghèo. Người đàn bà ấy hứa mang lại cho cha một cuộc sống sang giàu, đầy đủ. Bà ta mê cái dáng to cao lực lưỡng, khuôn mặt chữ điền và cái miệng nói chuyện ngọt ngào của cha. Vậy là mẹ mất chồng, Ti mất cha. Nhanh đến mức mẹ hóa ngơ ngẩn một thời gian. May mà những năm tháng ấy, Ti còn có ngoại. Nếu không có ngoại, chẳng hiểu một đứa trẻ còn ẵm ngửa không có cha, mẹ nửa khôn nửa dại liệu có còn sống trên đời đến giờ phút này không nữa.
Khi Ti lên 10 tuổi thì ngoại mất. Ngoại mất mà bàn tay cứ nắm chặt lấy tay Ti không muốn buông. Ti phải ghé vào tai ngoại, thì thầm:
- Con lớn rồi. Con lo cho mẹ được, ngoại đi thanh thản nha ngoại.
Lúc ấy, ngoại mới yên lòng nhắm mắt. Ti mới có 10 tuổi đầu nhưng già dặn hơn trước tuổi. Hoàn cảnh buộc Ti phải thế. Ti chăm sóc mẹ, cơm nước, giặt giũ đủ cả. Cũng may, mẹ dần dần khá lên. Có thể vì thời gian làm vết thương lòng trong mẹ nguôi ngoai. Mẹ đã biết tự chăm sóc bản thân, biết phụ Ti cơm nước.
Người ta bảo con gái giống cha giàu ba họ. Người ta thế nào chẳng biết chứ Ti giống hệt cha từ khuôn mặt vuông, cái dáng cao đến nước da ngăm ngăm mà nhà Ti nghèo nhất xóm, có khi nhất xã. Giàu sao nổi khi mẹ Ti mới chỉ phục hồi lại bình thường mấy năm gần đây, còn cha thì bặt vô âm tín. Ti giống cha, lại để tóc ngắn nên nhìn Ti hệt như một thằng con trai.
Năm nay Ti 16 tuổi, cái tuổi bắt đầu biết ngượng ngùng, điệu đà rồi mới nuôi lại tóc. Tóc Ti mới dài chấm vai. Ngày trước, Ti chỉ ước mình biến thành con trai, một đứa con trai khỏe mạnh, giỏi võ để bảo vệ mẹ. Nhất là những đêm mẹ ôm chặt lấy Ti, co rúm người vì sợ hãi.
Bên ngoài cửa, tiếng những kẻ đàn ông không đàng hoàng thì thào trong đêm tĩnh mịch nghe như tiếng vọng về từ chốn âm ti địa ngục, như tiếng của quỷ dữ sẵn sàng lao vào cướp mẹ Ti khỏi Ti. Mẹ đẹp, lại không có chồng bên cạnh. Cũng may, lúc còn sống, ngoại đã nhờ người làm cổng, làm cửa nhà thật chắc dù trong nhà chẳng có tài sản gì quý giá.
Những ngày đã qua, chuyện nọ cứ nối tiếp chuyện kia như một cuốn phim chiếu chậm hiện ra trong đầu Ti khiến Ti thức trắng cả đêm. Trong nhà, mẹ và người đàn ông ấy cũng thức trắng. Chẳng ai dám lên tiếng gọi Ti một câu.
Ti 16 tuổi. Cái tuổi này đã biết mơ mộng, biết làm duyên và bắt đầu để ý đến một ai đó. Ti không được thừa hưởng vẻ đẹp của mẹ, tính lại lầm lì, ít nói nên chẳng có ai để ý. Ti cũng chẳng quan tâm. Nếu yêu mà như mẹ, khổ cả một đời thì Ti thà không yêu còn hơn.
Sự xuất hiện của người đàn ông là cha Ti khiến hàng xóm tò mò. Đi trên đường, Ti nghe những tiếng xì xầm sau lưng mình:
Nghe nói vợ sau của ông Bảo giàu lắm, làm cái nhà to nhất thị xã. Bà ta mê ông này vì ổng có giọng ca mùi mẫn lắm. Nhưng hai người không có con, giờ ổng già rồi, bệnh tật đầy người nên bà ta bỏ để cặp với trai trẻ…
Lúc trẻ thì theo gái, bỏ bê vợ con. Giờ về già không có ai hầu hạ lại trở về. Đúng là mặt dày…
Ti nghe những lời ấy, trong lòng thấy một cơn giận bốc hỏa. Ti chạy xồng xộc vào nhà, cầm chiếc dao rựa ra nhè mấy gốc cây trước cửa nhà mà chặt.
Hàng cây này là của ông ấy trồng. Lúc mẹ còn nửa tỉnh nửa mê, còn ngây ngô chưa khỏi, mẹ bảo cha trồng cho mẹ bế Ti ngồi chơi hóng mát chờ cha đi làm về. Ti ghét hàng cây này lắm. Ghét từ hồi còn bé. Mỗi chiều, lúc ráng chiều nhuộm đỏ không gian, mẹ lại ra ngồi dưới mấy gốc cây, ngóng về phía đường cái. Ti không bao giờ quên khuôn mặt mẹ trong những ngày ấy, ánh mắt mẹ trong những ngày ấy. Mẹ háo hức dõi theo từng bóng người, từng chiếc xe, đôi mắt mẹ tràn ngập sự chờ đợi, tha thiết. Thấy dáng ai giống ông ấy, mẹ đứng bật dậy, hớn hở như trẻ được quà. Rồi nhận ra không phải, khuôn mặt đang tươi tắn lại ngập tràn thất vọng. Mẹ cứ chờ từ lúc ráng chiều cho tới khi bóng tối tràn đầy trong đôi mắt mẹ. Ti ghét những cái cây trước cửa nhà. Ti ghét cả những chiều hoàng hôn vàng rực thứ nắng hắt lên vệt sáng chói lóa trước khi lịm tắt.
Nỗi giận dữ khiến đôi tay của Ti như được tăng thêm sức lực. Những nhát chém khắc sâu vào thân cây. Những chiếc lá rụng đầy xuống mặt đất. Từ ngày ông ấy về, mắt mẹ như long lanh hơn, nỗi buồn giấu kín trong mắt dường như cũng biến đi đâu mất. Mẹ lấy chiếc áo hoa đẹp nhất cất trong va li ra mặc. Mẹ hát. Mẹ không còn kêu đau đầu, không cần phải uống thuốc như trước. Ti thấy sức khỏe của mẹ khá lên, Ti mừng lắm. Ti thương mẹ nên mẹ muốn thế nào Ti cũng chấp nhận. Mẹ dễ dàng tha thứ cho người đàn ông phụ bạc ấy Ti cũng đồng ý. Nhưng Ti thì không thể tha thứ. Nhất là khi những lời xì xầm cứ hướng về phía Ti mà bổ xuống. Nhất là khi người ta nói mẹ dại, chắc vì thần kinh không bình thường hoặc là vì xa lâu rồi nên thiếu thốn…
Những nhát dao chém vào thân cây dội ngược về phía Ti những vết bỏng rát trên bàn tay. Mẹ nghe tiếng động, chạy ra. Nhìn thấy khuôn mặt giận dữ của Ti, mẹ bật khóc.
Người đàn ông ấy lại xách ba lô đi. Ông bảo để trả lại sự bình yên cho mẹ con Ti. Ông bảo, lỗi lầm của ông chẳng dễ gì có thể tha thứ. Ti không níu giữ. Mẹ im lặng. Và mẹ đổ bệnh. Mẹ lại như người mất hồn, chiều chiều ra hàng cây trước cửa nhà ngồi ngóng về phía đường lớn. Miệng chỉ lẩm bẩm "Sao về rồi lại đi, sao về rồi lại đi?". Mẹ không trách Ti, không nhắc đến ông ấy, chỉ lẩm bẩm một mình. Mái tóc mẹ xơ xác, mỏi mệt. Trong mắt mẹ, những vệt thẫm lại lan ra, hoang hoải.
Ti đi tìm ông ấy. Có những điều chẳng thể lý giải nổi. Ví dụ như tình yêu. Ông ấy làm tổn thương mẹ nhưng mẹ vẫn chấp nhận tha thứ. Miệng lưỡi người đời chẳng thể tránh. Chỉ cần mẹ vui. Chỉ cần mẹ khỏe lại. Và chỉ cần mẹ cảm thấy hạnh phúc.
Những chiều hoàng hôn, mẹ vẫn ra ngồi trước hàng cây. Nhưng mẹ không ngồi một mình. Bên cạnh mẹ là ông ấy. Ti chưa thể gọi một tiếng cha dù ông ấy có vẻ hối lỗi thật sự, chăm sóc mẹ, chăm sóc Ti. Ti đã bắt đầu nói chuyện với ông ấy. Cái gì cũng cần phải có thời gian. Có điều, Ti đã không còn ghét những chiều hoàng hôn. Màu nắng cuối ngày với Ti lúc này đã bớt rực chói mà trở nên dịu dàng hơn.
Trong mắt mẹ, dường như những tia nắng cuối ngày đang cười.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn