Nắng, gió tuổi thơ

14:15 | 30/10/2015;
Lời hát ấy cứ thôi thúc trong tôi mãi tận bây giờ, để lần nào dưới hàng cây quen thuộc, tôi chẳng ngại ngần mà nghêu ngao: 'Trưa nay qua đường phố quen…'.

Vậy là tôi lại có thêm một lần để nuối tiếc!

Lũ học trò chúng tôi như bầy chim sẻ, cứ líu ríu ngân nga, chẳng cần biết nơi đây là nơi nao, đó là những ngày tháng nào. Chỉ biết rằng, trong tưởng tượng của mình, tuổi thơ có lẽ sẽ là... không giới hạn. Để rồi, khi lớn lên mới hiểu, có những khoảnh khắc chỉ đến trong đời một đôi lúc, và rồi cứ theo ta mãi trong những bước phiêu lãng của cuộc đời, đó gọi là kỷ niệm!

Thành phố tuổi thơ cũng là như vậy chăng, dù ta có sống ở nơi này, nhưng thành phố của thời khắc ta trưởng thành đã khác, dù chỉ là trong cách nhìn của ta. Thành phố của tuổi thơ, chỉ đơn giản là “trong sáng tuổi ngây thơ” và cứ xuôi về kỷ niệm khiến ta càng nhớ, càng yêu thêm mãi...

Tiếng ve đầu tiên hay những ngày tháng đầu tiên, phải chăng sẽ là dấu ấn không thể phai mờ? Tiếng ve ấy lao xao, hay là tiếng của lũ trẻ chúng ta tung tăng vui đùa, đu trên những ngọn cây như tíu tít tiếng cười, rồi lại như ngẩn ngơ níu lại những tháng ngày hè rong chơi trước thềm năm học mới? Câu hát như sống lại trong mắt ta những tháng ngày thơ dại đó: “Tiếng ve đu cành sấu. Tiếng ve níu cành me. Tiếng ve vẫy tuổi thơ. Tiếng ve chào mùa hè. Và gọi cơn gió mát…”.

Nhưng những trò chơi tháng ngày tuổi thơ rồi cũng thành hoài niệm. Với nắng, với gió, với tiếng chim im lìm và khoảnh khắc của một trưa hè thanh vắng. Người ta lớn lên, người ta đi xa và rồi người ta bỗng nhớ như thể sẽ chẳng có dịp trở về. Có lẽ vì nỗi nhớ thương cứ đầy lên như vậy, mà lời bài hát càng như trầm lắng hơn, sâu về mảng đằm cuối của tâm hồn: “Lại ngỡ tiếng ve gọi ta… Tiếng ve trên đường vắng. Hát theo bước hành quân. Mãi xa vẫn còn ngân…”.

 Nhạc sĩ Hồng Đăng

Bài hát Kỷ niệm thành phố tuổi thơ được nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh, từng thế hệ thanh niên miền Bắc xung phong lên đường chiến đấu vì miền Nam ruột thịt. Trong một trưa hè, khi nhạc sĩ Hồng Đăng đi qua đoạn đường Điện Biên Phủ - Lê Duẩn, đúng lúc đó có một đoàn tàu trở các chiến sĩ trẻ vào miền Nam tham gia chiến đấu. Những người trên tàu ném rất nhiều thư ra ngoài cửa sổ, để nhờ người Hà Nội chuyển những bức thư này tới người thân mình nhanh nhất.

Đó là một trong những hành động đẹp của người Hà Nội thời chiến, với tình thương và nỗi nhớ vô vàn. Lúc đó nhạc sĩ dâng trào cảm xúc về mùa hè, tiếng ve, những người lính trẻ ra đi chiến đấu vì độc lập tổ quốc. Và bài hát ra đời từ đó, trở thành một trong những bài hát để lại dấu ấn khó phai mờ đối với từng thế hệ người Hà Nội đi qua tuổi thơ.

Nhiều người nói Kỷ niệm thành phố tuổi thơ là bài hát chỉ riêng viết về Hà Nội, hay dành cho những người Hà Nội đi xa để rồi thấy thêm yêu và thương nhớ mảnh đất này - bởi tiếng ve mùa hè như là một trong những nét riêng của thủ đô, bất cứ ai xa cũng luôn nhớ tới. Nhưng tôi đồ rằng, với tất cả những ai từng bước qua thời thơ ấu, hiểu được vị ngọt tuổi thơ, vị chua của lá me sau từng cơn mưa hè, màu xanh của sấu... sẽ đều thấy rằng, những giai điệu quen thuộc đó, dường như tặng riêng mình, về những ngày tuổi thơ xa vắng...

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn