Sáng 10/12, TAND TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội. Đây là vụ án từng khiến dư luận xôn xao, phẫn nộ hồi Covid – 19 bùng phát tại Hà Nội.
Đáng chú ý, trong vụ án này có Nguyễn Nhật Cảm (SN 1963, nguyên Giám đốc CDC Hà Nội). Ngoài bị cáo Cảm, còn có 5 bị cáo khác là thuộc cấp tại CDC Hà Nội và 4 bị cáo thuộc các công ty là đối tác của CDC.
Cụ thể, các bị cáo gồm Nguyễn Vũ Hà Thanh (sinh năm 1979, nguyên Trưởng phòng Tài chính kế toán, CDC Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Dung (sinh năm 1973, nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính, CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Quỳnh (sinh năm 1975, nguyên Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ, CDC Hà Nội), Hoàng Kim Thư (sinh năm 1987, nguyên Kế toán trưởng, Phó Trưởng phòng Tài chính Kế toán, CDC Hà Nội), Lê Xuân Tuấn (sinh năm 1982, cán bộ CDC Hà Nội), Nguyễn Ngọc Nhất (sinh năm 1986, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Phát triển khoa học Vitech), Đào Thế Vinh (sinh năm 1975, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Vật tư khoa học và thương mại Việt Nam – MST), Nguyễn Trần Duy (sinh năm 1980, nguyên Tổng Giám đốc Công ty cổ phần định giá và bán đấu giá Nhân Thành), Nguyễn Thanh Tuyền (sinh năm 1985, nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiết bị y tế Phương Đông) bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo quy định tại Điều 222, khoản 3, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Trong số 10 bị cáo, có bị cáo Nguyễn Nhật Cảm và 5 bị cáo khác bị tạm giam, 4 bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú. Tổng số 27 luật sư đăng ký tham gia bào chữa cho các bị cáo. Riêng bị cáo Nguyễn Nhật Cảm có 3 luật sư bào chữa.
Bị cáo Nguyễn Nhật Cảm bị xác định có vai trò chủ mưu, đã lợi dụng dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, thông đồng nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 lên 7 tỉ đồng, gấp 3 lần giá nhập.
Phiên sơ thẩm dự kiến diễn ra trong 3 ngày, thẩm phán Chử Phương Ngọc làm chủ toạ.
Theo cáo trạng, CDC Hà Nội được Sở Y tế Hà Nội giao hơn 31 tỉ đồng kinh phí bổ sung để mua sắm thiết bị khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
Trong đó dự toán gói thầu số 15 trị giá 9,54 tỉ đồng gồm: hệ thống máy Realtime PCR tự động (máy xét nghiệm Covid-19) giá 7 tỉ đồng, máy tách chiết DNA/RNA tự động giá 1,2 tỉ đồng, hai tủ lạnh âm và một tủ mát giá 1,34 tỉ đồng. CDC Hà Nội làm chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu thông thường.
Thời điểm tháng 2/2020, bị cáo Nguyễn Thanh Tuyền, chủ động liên hệ với ông Nguyễn Nhật Cảm để "chào giá" hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 với giá 7 tỉ đồng.
Kết quả điều tra xác định hệ thống máy này nhập về Việt Nam theo khai báo hải quan có giá 2,3 tỉ đồng, tuy nhiên các bị caó mua bán lòng vòng từ Công ty Phương Đông qua một số công ty khác, "thổi giá" để bán cho CDC Hà Nội giá 7 tỉ đồng.
Cựu giám độc CDC Hà Nội bị xác định có trách nhiệm chính trong việc mua sắm hàng hóa, thực hiện đấu thầu theo hình thức chỉ định thầu theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên ông Cảm đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, vì động cơ vụ lợi, trực tiếp thỏa thuận, thống nhất giá mua sắm các máy, thiết bị y tế với các bị cáo Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, ấn định mức giá gói thầu là 9,54 tỉ đồng trước khi thực hiện quy trình chỉ định thầu thông thường.
Ông Cảm cũng trực tiếp ký hợp đồng cung cấp dịch vụ thẩm định giá với Nguyễn Trần Duy để bị cáo này giả mạo hồ sơ, ký ban hành chứng thư thẩm định giá theo mức do CDC Hà Nội yêu cầu.
Giám đốc CDC Hà Nội còn chỉ đạo các cán bộ cấp dưới hợp thức hồ sơ đấu thầu để chỉ định công ty MST trúng thầu trái quy định gây hậu quả thiệt hại ngân sách nhà nước 5,4 tỉ đồng.
Báo PNVN sẽ cập nhật diễn biến phiên tòa này.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn