Sắc màu cổ động
Từ khi dịch Covid-19 bắt đầu có diễn biến phức tạp ở Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã tổ chức Cuộc vận động Sáng tác tranh cổ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Chỉ trong một thời gian ngắn, Ban Tổ chức đã nhận được 103 tác phẩm của 23 tác giả tham gia với những thông điệp rõ ràng, dễ hiểu như chuyện rửa tay, đeo khẩu trang, biểu hiện bệnh Covid-19. Từ đó, 14 tác phẩm đã được chọn để in 700.000 bản tranh cổ động tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Số lượng tranh này được gửi trực tiếp cho các xã, phường, thị trấn trong cả nước để kịp thời sử dụng.
Lấy ý tưởng về công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi) đã phát động thử thách đặc biệt vẽ tranh với chủ đề "Quyết chiến 14 ngày - Quyết chiến NCOVI". Sau khi kết thúc thử thách, có hơn 300 bức ký họa của nhiều người, thuộc nhiều ngành nghề, lứa tuổi, trong đó có những em bé 7 tuổi. Những người tham dự đã tái hiện những gì bản thân cảm nhận từ cuộc chiến với "giặc" Covid-19 ở Việt Nam. Đó có thể là những hình ảnh từ khu cách ly y tế phòng dịch bệnh, những sinh hoạt thường ngày thời Covid-19, chuyện ăn uống, vệ sinh cơ thể, tập thể dục để nâng cao sức đề kháng... Qua đó, nhiều tác phẩm hay, ý nghĩa và phản ánh chân thật cuộc chiến "chống dịch như chống giặc" ở nước ta đã ra đời.
Trong khi đó, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam cũng chính thức phát hành bộ tem "Chung tay phòng, chống dịch Covid-19" do họa sĩ Phạm Trung Hà thiết kế. Bộ tem gồm 2 mẫu được thiết kế theo phong cách đồ họa. Trong đó, mẫu tem thứ nhất thể hiện hình ảnh đại diện của các lực lượng y tế, công an, quân đội... đang ngày đêm tham gia chống dịch; mẫu tem thứ hai thể hiện hình ảnh các bác sĩ của Việt Nam đang ngày đêm nỗ lực nghiên cứu, tìm ra các phác đồ điều trị tốt nhất để cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân và quyết tâm nghiên cứu vắc-xin đẩy lùi đại dịch. Bộ tem này được cung ứng trên mạng lưới bưu chính trên toàn quốc từ ngày 31/3 đến ngày 31/12/2020 và lưu hành rộng rãi tại 192 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc Tổ chức Liên minh Bưu chính thế giới.
Cũng với mong muốn chung tay chống dịch, báo An ninh Thủ đô và công ty Indochineart đã phối hợp tổ chức chương trình "Đấu giá tác phẩm nghệ thuật - Vượt qua đại dịch Covid-19". Giám tuyển, chịu trách nhiệm chất lượng tranh đấu giá là nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông với sự tham gia từ các nghệ sĩ tên tuổi như Phan Cẩm Thượng, Lý Trực Sơn, Khổng Đỗ Tuyền... Có 60 tác phẩm mỹ thuật được đấu giá với 5 phiên trực tuyến. Toàn bộ số tiền thu được từ chương trình sẽ được trao cho các bệnh viện, các y, bác sĩ hoặc các đơn vị y tế thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, còn có nhiều cuộc thi hội họa dành cho thiếu nhi chủ đề phòng, chống dịch như "Bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch Covid-19" của Tỉnh đoàn Yên Bái, "Ngày hội sắc màu" của Hội đồng Đội tỉnh Hòa Bình... Ngoài ra, có nhiều em nhỏ trong thời gian nghỉ học ở trường cũng vẽ nhiều tác phẩm liên quan Covid-19, được bố mẹ đăng tải trên mạng xã hội và lan tỏa rộng rãi.
Lan toả thông điệp
Hội họa vốn lặng lẽ hơn các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, điện ảnh, thơ ca... nhưng không vì thế mà họa sĩ và những người yêu thích hội hoạ không sáng tạo. Họ đã tìm ra cách riêng của mình trong việc truyền tải các thông điệp tích cực trong đại dịch. Hàng nghìn tác phẩm thú vị, đa dạng về góc nhìn đã góp phần cổ vũ, động viên cộng đồng cùng chung tay thực hiện những việc làm có ý nghĩa để đẩy lùi dịch bệnh.
Thông qua sự lan tỏa của các tác phẩm, mỗi người xem sẽ nâng cao ý thức phòng dịch, ghi nhớ lại thời gian khó khăn này và bình tĩnh hơn đi qua đại dịch. Và qua những nét vẽ ấy, cuộc sống và con người Việt Nam hiện lên thật đẹp giữa những bộn bề lo toan thời dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu.
Không chỉ lan tỏa rộng rãi trong nước, hội họa về Covid-19 của Việt Nam còn được thế giới đánh giá cao. Ngày 9/4/2020, tờ Guardian của Anh đã đưa các mẫu tem, bức tranh và áp phích cổ động phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam đến với thế giới. Tờ báo Anh này nhận định, những thông điệp tích cực từ hội họa cùng với hành động tức thời và sớm truy tìm các đối tượng tiếp xúc với người bệnh đã giúp Việt Nam tránh thảm cảnh mà châu Âu đang phải chịu đựng với hàng ngàn ca mới được ghi nhận mỗi ngày.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn