Tình bạn giữa những đứa trẻ, ngoài sự trong sáng và đẹp đẽ thì nó như thế giới của người lớn vậy, cũng sẽ có những cuộc cãi vã và xung đột, thậm chí là sự cô lập và bài trừ, ghen tị và tổn thương, bắt nạt và bạo lực...
Bạn bè tranh cãi đôi ba câu không sao nhưng những "tình bạn độc hại" không những không khiến trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của tình bạn mà còn khiến trẻ trở nên tiêu cực, tự ti, buồn phiền, xa hơn là ảnh hưởng đến việc học tập và cuộc sống bình thường của trẻ.
Tình bạn là một phần không thể thiếu trong quá trình trưởng thành của một đứa trẻ.
Harris, tác giả cuốn sách “Myths of Parenting”, tin rằng những nhóm bạn đồng trang lứa thường là nơi định hình hành vi và tính cách của trẻ. Tuy nhiên, ở ngoài đời, trẻ có thể gặp phải những tình bạn "độc hại", để rồi "hiệu ứng đồng trang lứa" sẽ tác động xấu và tiêu cực đến trẻ, nghiêm trọng hơn rất nhiều so với việc chúng ta lo lắng việc trẻ yêu sớm.
Vậy làm thế nào để đánh giá đó là "tình bạn độc hại"?
Xuất hiện trên chuyên trang Psychology Today của Mỹ, Tiến sĩ tâm lý Erin Leonard từng tóm tắt một số đặc điểm của "tình bạn độc hại" như sau:
- Trẻ thường không vui hoặc thậm chí khóc lóc nhiều
- Trẻ mất dần sự tự tin, không còn hứng thú với các hoạt động đã từng yêu thích
- Trẻ bị chế giễu, khinh thường chỉ vì muốn làm bạn mình vui
- Ý kiến của trẻ luôn bị bạn coi nhẹ
- Khi tình bạn không có tiến triển, trẻ nảy sinh suy nghĩ ghét bỏ bản thân
Ví dụ:
Bạn thân đột nhiên có "bạn thân mới", "mình" bị bỏ rơi, "mình" đã cố gắng cứu vãn nhưng không được;
Đang chơi với nhau rõ vui, nhưng chỉ vì một lần kiểm tra "mình" được điểm cao hơn, cậu ấy bắt đầu tránh mặt "mình" và còn nói xấu sau lưng "mình"
Bạn thường chê "mình" hết cái này đến cái khác, khiến "mình" rất buồn nhưng vì tình bạn của hai đứa, "mình" mặc kệ...
Tựu chung lại, trong tình bạn như thế này, trẻ bị tổn thương nhiều hơn, kém hạnh phúc hơn, thường xuyên mặt nặng mày nhẹ, buồn bã, chán nản. Trong trường hợp này, chúng ta cần để ý quan tâm nhiều hơn để kịp thời phát hiện ra những bất thường ở trẻ. Nếu trẻ rơi vào "tình bạn độc hại", chúng ta nên hướng dẫn và giúp đỡ trẻ kịp thời.
Tình bạn đương nhiên là rất quan trọng, nhưng tình bạn tiêu cực, độc hạn thì thà không có còn hơn. ạn bè là quan trọng, nhưng tình bạn gai góc thì tốt hơn là không. Tuy nhiên, khi giúp trẻ chấm dứt tình bạn độc hại, chúng ta phải chú ý đến cách thức, tuyệt đối không nên can thiệp một cách thô bạo.
Lý do là bởi lựa chọn kết bạn với ai là việc riêng của trẻ và là quyền quan trọng của trẻ. Đó là chưa kể đến việc, sự can thiệp thô bạo có thể gây tác dụng ngược, trẻ dễ mắc phải "hiệu ứng Romeo và Juliet", nghĩa là bạn càng cấm thì trẻ càng chơi.
Đừng gán mác, chỉ liệt kê những sự thật khách quan và tin tưởng vào sự phán xét của chính trẻ
Bất kỳ sự thay đổi nào cũng nên bắt đầu từ sự tự nhận thức của bản thân, và trẻ em không phải ngoại lệ. Vì vậy, bước đầu tiên trong việc giúp đỡ con bạn là làm cho trẻ nhận ra rằng đã có vấn đề nảy sinh.
Lúc này, bạn có thể hướng dẫn thông qua việc trò chuyện.
Ví dụ, bạn có thể tâm tình với con như sau:
"Con ơi, mẹ thấy một vài lần hai đứa con chơi với nhau, bạn luôn nói con làm không tốt. Nhưng mẹ nghĩ con là một đứa trẻ vừa ngoan ngoãn vừa chăm chỉ. Mẹ hơi tò mò, có phải với bạn nào bạn ấy cũng thế không con?"
Hoặc:
"Lần nào cũng là con nghe theo bạn, con có thích bạn như thế không?"
Trong một cuộc trò chuyện, bạn chỉ cần mô tả mọi thứ với sự thật khách quan, thay vì "gán mác" trực tiếp cho người khác, nói với trẻ rằng "Bạn đó coi thường con" hay "Bạn đó ra lệnh cho con".
Bằng cách liệt kê dẫn chứng, các bậc phụ huynh sẽ giúp con cái mình có tư duy logic, để trẻ tự rút ra kết luận và đánh giá xem liệu tình bạn này có nên tiếp tục hay không. Mục đích của việc này không phải để trẻ thừa nhận rằng đây là một người bạn xấu, mà là để trẻ phát triển khả năng phân tích tỉ mỉ, trước sau về mối quan hệ của mình. Đừng nghĩ rằng trẻ còn nhỏ, không thể nhìn nhận hay phán đoán vấn đề.
Cách trò chuyện không gác mác sẽ tránh gây ra sự phản kháng, phản cảm của trẻ, đồng thời dễ khiến trẻ mở lòng và nói ra những suy nghĩ thực của mình.
Hiểu được nhu cầu bên trong của trẻ
Trong quá trình trò chuyện với trẻ về vấn đề này, chúng ta cũng cần để tâm đến lời nói của trẻ, từ đó tìm hiểu tâm lý nhu cầu của trẻ.
Ví dụ, hãy cùng xem đoạn hội thoại này:
Mẹ: "Mọi người đều không thích bạn đó, tại sao con vẫn thích chơi với bạn?"
Con: "Chơi với bạn con gặp được nhiều điều thú vị mà bình thường con chẳng thấy bao giờ..."
Trong trường hợp này, có thể thấy trẻ tìm được điều mình cần từ đối phương.
Những thông tin như thế này đủ khiến chúng ta phải ngẫm lại xem mình có bỏ sót điều gì trong quá trình giáo dục con cái hay chưa. Ví dụ, liệu có phải bình thường bạn hạn chế con quá nhiều, ngăn trẻ khám phá, khiến trẻ không được tiếp cận với nhiều "điều thú vị".
Cũng trong quá trình trò chuyện này, trẻ không chỉ có thể giãi bày tâm sự của mình mà chính bạn cũng có cơ hội phát hiện ra những vấn đề còn tội tại trong việc nuôi dạy con cái. Khi những "kẽ hở" trong nhu cầu tâm lý của trẻ được lấp đầy, trẻ sẽ không còn đòi hỏi điều đó từ thế giới bên ngoài nữa. Nhờ thế, khi tiếp xúc với bạn bè, trẻ sẽ quan tâm hơn đến sự bình đẳng, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau, và "tình bạn độc hại" tự nhiên sẽ biến mất.
Giúp con bạn lập kế hoạch "tẩu thoát"
Cuối cùng, một khi đứa trẻ đã quyết định rời bỏ người bạn xấu đó thì phần khó khăn nhất của việc này coi như đã qua. Tiếp theo, chúng ta có thể nói chuyện với trẻ để xây dựng kế hoạch "trốn thoát" khỏi sự kìm kẹp của tình bạn độc hại một cách suôn sẻ.
Ví dụ, trẻ có thể sử dụng phương pháp "mưa dầm thấm đất", tiến hành "chiến tranh lạnh" bằng cách giảm dần thời gian ở bên nhau nhằm mục đích từ từ làm loãng "nồng độ" của tình bạn và để tình bạn độc hại tự biến mất.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn