Chị Bạch Thị Tuyết, bản Cao Vều 1, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, cho biết: Trước đây, đời sống các hộ dân nơi biên giới Việt - Lào này gặp nhiều khó khăn, dựa vào khai thác sản vật tự nhiên sẵn có, nên không ổn định. Chị chia sẻ, nhiều khi muốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi, nhưng bí bách nguồn vốn vay, nên cứ mãi loay hoay với cái nghèo.
Cùng ở bản Cao Vều 1, chị Phạm Thị An cho biết: Vài năm trở lại đây, cuộc sống phụ nữ nơi biên giới này đã được gỡ khó và dần đổi thay từ khi Tổ chức Tài chính vi mô TNHH Một thành viên Tình Thương (TYM) đưa nguồn vốn vay về xã Phúc Sơn năm 2013.
Từ những đồng vốn vay đầu tiên, chị An dành mua phân giống, đầu tư sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, đàn lợn của gia đình đã có hơn 10 con; gà hơn 30 con, ruộng vườn cũng được mở rộng hơn trước. Cuộc sống dần khởi sắc, trong nhà đã sắm được các vật dụng cần thiết như xe máy, tivi; 2 con gái được học hành. Gia đình không phải lo chạy ăn từng bữa như trước.
Mặc dù cuộc sống có ổn định hơn, nhưng nguồn vốn vay từ tổ chức tài chính vi mô chỉ được tối đa 30 triệu đồng/khách hàng. Chị Trần Thị Mai, Cụm trưởng TYM bản Cao Vều 1, cho biết: Sau 3 năm hoạt động, cụm TYM bản Cao Vều 1 đã có 39 thành viên được vay mức vốn từ 10 đến 30 triệu đồng/thành viên. Hình thức vay tín chấp, chị em nhận được vốn vay nhanh để đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi và đóng gốc lãi theo tuần cũng giúp chị em biết tính toán kỹ hơn trong chi tiêu và quản lý tiền trong gia đình.
Tuy vậy, có chị em muốn mở rộng sản xuất, chăn nuôi lớn hơn nữa thì cần vay số vốn lớn hơn, nhưng lại không thể vay “vượt khung” 30 triệu đồng. Nhiều chị em đành phải “vay nóng” từ nhiều nguồn với lãi suất cao và nguồn vốn không ổn định.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 20/2017/QĐ-TTg (12/6/2017) quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.
Theo đó, mức cho vay tối đa đối với một khách hàng tài chính vi mô không vượt quá 50 triệu đồng Việt Nam. Quyết định có hiệu lực từ 1/8/2017. Mức vay được nâng lên giúp tháo gỡ được khó khăn cho hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là phụ nữ tiếp cận với số vốn lớn hơn để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống.
Theo Quyết định này, về điều kiện cho vay, khách hàng tài chính vi mô phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự; việc cho vay đối với khách hàng tài chính vi mô được đảm bảo bằng tiền gửi tiết kiệm bắt buộc và/hoặc bảo lãnh của nhóm khách hàng tài chính vi mô; mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp.
Hoạt động huy động vốn của chương trình, dự án tài chính vi mô được thực hiện dưới các hình thức: Tiếp nhận vốn tài trợ, viện trợ không hoàn lại, có hoàn lại của chính phủ, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; nhận tiền gửi tiết kiệm bắt buộc, tiền gửi tiết kiệm tự nguyện của khách hàng tài chính vi mô. Tổng mức tiền gửi tiết kiệm tự nguyện không vượt quá 30% tổng vốn được cấp của chương trình, dự án tài chính vi mô; vay tổ chức tín dụng, tổ chức tài chính, tổ chức trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Hoạt động khác của chương trình, dự án tài chính vi mô bao gồm: Nhận ủy thác cho vay của tổ chức, cá nhân, chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ để cho vay đối với khách hàng tài chính vi mô, không vì mục tiêu lợi nhuận…