Năng suất lao động của Việt Nam cần 20 năm mới bắt kịp các nước trong khu vực

16:00 | 05/11/2020;
Thảo luận tại hội trường chiều nay (5/11), nhiều đại biểu lo ngại với tình trạng năng suất lao động của Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực ASEAN; trong đó, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 90% của Myanma; bằng 88,7% nước bạn Lào và chỉ cao hơn Campuchia.

Quan tâm tới tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, đại biểu Trần Văn Minh, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Năm 2017, tốc độ tăng năng suất lao động của nước ta đạt 6,9%. Đến năm 2019, con số này đạt 6,28%, tiếp tục có mức tăng cao hơn mức tăng của khu vực. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam vẫn thấp hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia có năng suất lao động cao hơn Việt Nam lần lượt là 13,9; 5,4; 2,8; 2,3; 1,8 lần.

Đại biểu Trần Văn Minh cho rằng: "Nếu vẫn giữ nguyên tốc độ tăng năng suất lao động như hiện nay, phải 20 năm nữa năng suất lao động của nước ta mới bằng các nước trong khu vực. Điều này khó có thể chấp nhận".

Đặc biệt, năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 90% của Myanma; bằng 88,7% nước bạn Lào và chỉ cao hơn Campuchia. Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn.

Trong thời gian tới, để có thể bắt kịp với năng suất lao động của các nước, theo đại biểu Văn Minh, đòi hỏi chúng ta phải có sự bứt phá vượt bậc hơn nữa. Đại biểu này đề nghị Chính phủ cân nhắc đặt ra chỉ tiêu này cho giai đoạn tiếp theo một cách tích cực hơn.

Năng suất lao động của Việt Nam cần 20 năm mới bắt kịp các nước trong khu vực - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Minh, đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh, phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Cùng chung mối quan tâm về lĩnh vực lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, đoàn ĐQBH tỉnh Vĩnh Long, cũng đề nghị Chính phủ, trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn (theo Quyết định 1956 của Thủ tướng Chính phủ), để đánh giá rút kinh nghiệm; đồng thời sớm ban hành Đề án cho giai đoạn tiếp theo.

Cùng với đó, đại biểu đề nghị rà soát lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đào tạo nghề; đào tạo và đào tạo lại đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế. Ưu tiên, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đào tạo nghề và đào tạo việc làm cho người lao động. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong việc giải quyết hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển nguồn nhân lực và giải quyết việc làm.

Đại biểu Quyên Thanh cũng đề nghị nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo liên kết, hợp tác hỗ trợ nhau trong quá trình đào tạo, nâng cao kỹ năng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế…

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn