Sức ép tới môi trường từ hoạt động dân sinh, nông nghiệp
Theo TS. Nguyễn Thị Phương Mai - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường, Tổng cục Môi trường, dư lượng phân hóa học làm ô nhiễm nguồn nước, gây tác hại tới thủy sinh, nguồn lợi thủy sản và làm thoái hóa đất. Thói quen sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, cùng việc thâm canh mùa vụ đã làm gia tăng phế phụ phẩm sau thu hoạch (rơm, rạ, trấu, cám, lõi ngô, thân ngô...).
"Năm 2020, tổng lượng phụ phẩm phát sinh từ 3 nhóm cây trồng chính với 19 loại cây trồng ước tính là 125,57 triệu tấn; Tổng lượng nylon, vỏ bao bì phát sinh đối với cây hàng năm lên đến 919,36 nghìn tấn. Giai đoạn 2017 - 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện chương trình rà soát đối với 315 làng nghề, đã tiến hành đánh giá, phân loại mức độ ô nhiễm đối với 293 làng nghề đang hoạt động.
Kết quả cho thấy có 139 làng nghề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng (chiếm 47,5%); 91 làng nghề ô nhiễm (chiếm tỷ lệ 31%); 63 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 21,5%). Các làng nghề gây ô nhiễm chủ yếu thuộc nhóm ngành nghề như thủ công mỹ nghệ, chế biến nông sản thực phẩm, dệt, nhuộm, tái chế, gia công cơ kim khí", bà Nguyễn Thị Phương Mai cho biết.
Theo TS. Nguyễn Thị Phương Mai, yêu cầu bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025 cũng đã đưa ra nhiều con số cần hướng tới, đó là tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đến năm 2025 của dân cư thành thị là 95 - 100% và nông thôn là 93 - 95%. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đến năm 2025 đạt 92%. Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đến năm 2025 đạt 100%. Tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%,...
Từ kết quả giai đoạn 2010-2020, TS. Nguyễn Thị Phương Mai cũng phân tích một số bài học kinh nghiệm trong thực hiện các tiêu chí về môi trường, trong đó nhấn mạnh: Tiêu chí về môi trường so với nhiều tiêu chí khác khi triển khai thực hiện đôi khi không đòi hỏi phải đầu tư lớn, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức, ý thức trách nhiệm của chính quyền và người dân.
Tiêu chí về môi trường là một trong những tiêu chí không ổn định, thường xuyên thay đổi và chịu ảnh hưởng từ các rào cản của các tiêu chí khác về hạ tầng (hệ thống đường, thu gom nước thải, tiêu thoát nước mưa...). Khi phân công triển khai thực hiện có sự chồng chéo dẫn đến nhiều tỉnh giao trách nhiệm thực hiện không phù hợp với chức năng quản lý Nhà nước, phân công không thống nhất từ giữa các ngành từ Trung ương tới địa phương.
Điểm mới về tiêu chí môi tường trong xây dựng nông thôn mới
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020 đã giúp nhiều vùng nông thôn thay đổi, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, từ đó, không chỉ góp phần thay đổi diện mạo nông thôn mà còn tạo cơ hội cho người dân nơi đây phát triển kinh tế. Mục tiêu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoan này cũng đưa ra những điểm mới về tiêu chí môi trường. Đối với huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hệ thống thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt chôn lấp trực tiếp phải thấp hơn 50% tổng lượng phát sinh. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn phải đạt trên 40%.
Huyện có ít nhất 1 công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung áp dụng biện pháp phù hợp. Ít nhất 1 mô hình tái chế chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp quy mô cấp xã trở lên. Cùng với đó là khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thực hiện đúng các quy định về bảo vệ môi trường, trong đó tỷ lệ đất trồng cây xanh trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp tối thiểu là 10% diện tích toàn khu.
Với huyện đạt nông thôn mới nâng cao, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại trên địa bàn huyện được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường phải đạt trên 95%. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt trên địa bàn toàn huyện được thu gom, xử lý bằng các biện pháp, công trình phù hợp phải đạt trên 50%. Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại trên địa bàn huyện được thu gom và xử lý đúng quy định phải đạt 100%.
Tỷ lệ chất thải hữu cơ, phụ phẩm nông nghiệp được thu gom, tái sử dụng, tái chế thành các nguyên liệu, nhiên liệu và sản phẩm thân thiện với môi trường phải đạt trên 80%. Tỷ lệ hộ gia đình thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn đạt trên 50%. Cùng với đó là tiêu chí không có làng nghề ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện.
Với các tiêu chí được nâng lên về tỷ lệ trên cho thấy, vấn đề môi trường ngày càng được quan tâm, nhằm đảm bảo nông thôn mới phát triển hài hòa, bền vững, nâng cao chất lượng sống cho người dân vùng nông thôn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn