Đây là thông tin được TS.BS Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng phòng Khoa học Đào tạo - Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM chia sẻ tại Hội nghị Khoa học và đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM năm 2019 diễn ra từ ngày 9-17/8.
Theo bác sĩ, ung thư đại trực tràng là một trong những bệnh ác tính thường gặp và có tỉ lệ tử vong cao, chiếm 9% tần suất các loại ung thư. Tại Việt Nam, tỉ lệ ung thư đại trực tràng tương đối cao, đứng hàng thứ 3 trong các bệnh ác tính và là vấn đề lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Độ tuổi mắc ung thư đại trực tràng thường là tuổi trung niên và tuổi già, tần suất cao nhất trong độ tuổi 50-70.
Tuy nhiên, có nhiều nghiên cứu cho thấy ung thư đại trực tràng vẫn gặp ở người trẻ với tỉ lệ mắc bệnh trung bình khoảng 2-10%. Ung thư đại trực tràng ở người trẻ thường có độ ác tính cao và tiên lượng xấu hơn so với người lớn tuổi.
TS.BS Nguyễn Hữu Thịnh cho biết, hàng năm Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM tiếp nhận chẩn đoán và điều trị cho khoảng 800 trường hợp ung thư đại trực tràng và tăng đều qua các năm. So với các nước phát triển, giai đoạn phát hiện bệnh ở Việt Nam có phần muộn hơn và tập trung chủ yếu giai đoạn 3 (tiến triển tại chỗ), còn lại là giai đoạn 2 (khu trú tại chỗ) và 4 (di căn xa).
Ở giai đoạn 3, người bệnh vẫn còn chỉ định phẫu thuật triệt căn, tuy nhiên tiên lượng khỏi bệnh và kéo dài thời gian sống thấp hơn so với các trường hợp phát hiện ung thư sớm. Ung thư tiến triển cũng khiens phẫu thuật trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi phẫu thuật viên phải nhiều kinh nghiệm cũng như cần sự phối hợp giữa các chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ và ngoại khoa.
Theo bác sĩ Thịnh, việc áp dụng điều trị đa mô thức, các kĩ thuật phẫu thuật tiên tiến giúp kết quả điều trị ung thư trực tràng ngày càng khả quan. Tại bệnh viện, tỉ lệ sống còn sau 5 năm điều trị với ung thư giai đoạn 3 là 70%.
Bên cạnh phẫu thuật cắt trực tràng truyền thống, phẫu thuật nạo hạch chậu bên là một bước tiến mới trong điều trị các trường hợp ung thư trực tràng tiến triển, giúp người bệnh có thêm cơ hội điều trị triệt căn, giúp giảm rõ rệt tỷ lệ tái phát tại chỗ, giảm biến chứng liên quan đến tái phát, cải thiện đáng kể chất lượng sống, kéo dài thời gian sống cho người bệnh thay vì chỉ được chăm sóc giảm nhẹ hoặc hóa trị làm chậm tiến trình bệnh như trước đây.
Cũng theo bác sĩ Thịnh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM đã thực hiện kỹ thuật nạo hạch chậu bên qua nội soi từ năm 2017. Đến nay đã có hơn 20 trường hợp ung thư trực tràng di căn hạch chậu bên được điều trị thành công nhờ kỹ thuật tiên tiến này.
“Với ưu điểm của phẫu thuật ít xâm lấn, kỹ thuật nạo hạch chậu bên qua nội soi vừa đảm bảo yêu cầu khắt khe về phương diện điều trị ung thư, vừa giúp giảm thiểu những biến chứng, di chứng so với mổ mở. Kết quả điều trị ban đầu rất khả quan khi tỷ lệ thành công cao và không có trường hợp nào để lại tai biến, biến chứng. Thời gian mổ trung bình 60-80 phút khi nạo hạch chậu bên và ngày càng được rút ngắn”, bác sĩ Thịnh cho hay.
TS.BS Nguyễn Hữu Thịnh khuyến cáo, như tất cả ung thư khác, ung thư trực tràng cần được tầm soát và phát hiện sớm. Các đối tượng nguy cơ cao gồm: Người lớn tuổi, đi ngoài ra máu, gia đình có người thân ung thư đại trực tràng hay u nhú lành tính của đại trực tràng.
Việc tầm soát ung thư trực tràng khá đơn giản khi chỉ cần nội soi đại tràng là có thể phát hiện được. Phát hiện sớm giúp tăng khả năng điều trị triệt để. Ngược lại, việc phát hiện bệnh muộn làm giảm khả năng điều trị triệt căn, khiến người bệnh có nguy cơ nhập viện cấp cứu vì các biến chứng liên đến khối có thể gây tử vong như chảy máu, tắc ruột, vỡ khối u.