'Né' cuộc chiến với con tuổi teen

07:00 | 22/03/2016;
Việc thay đổi tâm sinh lý ở trẻ vị thành niên đôi khi biến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái thành cuộc chiến bất phân thắng bại.
anh-4.jpg
Tuổi dậy thì, trẻ không muốn gần gũi bố mẹ. Ảnh minh họa

Giai đoạn mất cân bằng

Ở giai đoạn này, ngoài sự thay đổi về cơ thể, ngoại hình thì sự xuất hiện cảm xúc với bạn khác giới cũng khiến trẻ không muốn gần gũi cha mẹ. Chúng thấy mình trở thành người lớn và không cần sự bao bọc của cha mẹ nữa. Chính sự thay đổi đột ngột về cơ thể, tâm sinh lý đã làm mất cân bằng rất lớn bên trong trẻ: Trẻ muốn được tôn trọng như một cá thể riêng biệt, tạo khoảng cách với cha mẹ và chúng “thổi phồng” mình lên. Thời điểm này,  trẻ muốn tự khẳng định mình thông qua việc tự lựa chọn kiểu tóc, cách ăn mặc, tác phong, cử chỉ, sở thích riêng. Thế nên, cha mẹ phải luôn để mắt đến con, hướng con đi theo hướng tích cực.

anh-5.jpg
Tuổi dậy thì, trẻ dễ bị rối loạn tâm thần. Ảnh minh họa

Trải qua khủng hoảng

Không ít trẻ bị khủng hoảng ở giai đoạn khó khăn này. Nhiều trẻ vị thành niên rơi vào tình trạng hoang mang, dao động, mất phương hương đến mức có thể có bị rối nhiễu tâm trí. Chúng hoài nghi, coi thường các giá trị, lo lắng, sợ hãi nhưng lại muốn bộc lộ con người thật và tự khẳng định mình. Đây cũng là giai đoạn trẻ rất dễ bị rối loạn tâm thần. Các bậc cha mẹ cần nhận biết con mình đang ở mức độ nào, có nguy hiểm hay không để có biện pháp đối phó. Một đứa trẻ có vấn đề về tâm lý sẽ khác với một đứa trẻ có sự thay đổi tâm sinh lý bình thường. Cha mẹ cần lưu ý để đưa con đi khám kịp thời.

anh-6.jpg
Tôn trọng con nhưng cha mẹ cũng cần cho con biết con đang ở đâu. Ảnh minh họa

Kéo con về với thực tế

Trẻ vị thành niên thường có xu hướng tự đánh giá mình cao hơn so với thực tế, các em thích thổi phồng khả năng của mình, thích được tự xem mình là “cái rốn của vũ trụ”, là nhân vật quan trọng nhất. Chính vì đánh giá không đúng khả năng của mình nên quyết định của trẻ đôi khi là những sai lầm. Các bậc cha mẹ nên tôn trọng con nhưng cần cho con biết vị trí thực của con.

Trao quyền lựa chọn

Trong một số trường hợp, trao quyền cho con lựa chọn là cách giải quyết hiệu quả nhất. Trrong giai đoạn này trẻ muốn được tôn trọng, muốn được tự do làm theo ý mình… Thế nên thay vì ngăn cản, cấm đoán, các phụ huynh nên ủng hộ con, nhưng đừng quên giám sát con từ xa…

anh-2.jpg
Trừng phạt hợp lý chứ đừng sỉ nhục con. Ảnh minh họa

Trừng phạt hợp lý

Có những vấn đề vượt qua giới hạn của trẻ thì cần phải “cấm”, bởi dù có được trao quyền thì cũng phải có giới hạn nhất định. Tuy nhiên, khi đã “cấm” thì cần giải thích để trẻ hiểu tại sao lại cấm. Khi trẻ vi phạm, cha mẹ cần có biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, đó nên là sự trừng phạt thích hợp để con nhận ra lỗi của mình. Đừng bao giờ chọn cách làm nhục và gây khó khăn cho con.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn