Nông sản thiếu quy chuẩn thì không thể vào EU
Những ngày qua, hàng chục tấn dưa hấu, thanh long ở các tỉnh Gia Lai, Long An bí đường sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch đã được người dân TP.HCM giải cứu thành công. Nhiều chuyên gia đã chỉ rõ người nông dân Việt Nam ỷ lại và phụ thuộc quá nhiều từ việc xuất khẩu nông sản bằng con đường tiểu ngạch.
GS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ - chia sẻ, năm ngoái, các thương lái ở Hà Lan từng qua làm việc và gặp gỡ với ông. Họ có nhấn mạnh rằng, Hội đồng Châu Âu đã chấm dứt ưu đãi nông nghiệp cho Miến Điện, Campuchia và thay thế vào đó là Việt Nam.
Đây là điều rất hân hạnh cho Việt Nam. Khi Hiệp định thương mại tự do Châu Âu (EVFTA) được thông qua và sắp tới Quốc hội xem xét phê duyệt thì sẽ mở ra cánh cửa lớn trong buôn bán với Châu Âu (EU). Tuy nhiên, các thương lái Hà Lan có trao đổi với GS Võ Tòng Xuân rằng, "đừng tưởng bở" là Việt Nam sẽ được xuất khẩu mọi loại hàng hóa sang EU khi EVFTA có hiệu lực. Thương lái EU đều biết nông dân Việt Nam sử dụng phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật rất nhiều trong nông nghiệp.
Nếu cứ có tư duy nuôi trồng như vậy, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không sạch, có chứa các chất cấm mà chỉ cần độ dung sai 1 phần triệu thì chắc chắn sẽ bị dính ngay rào cản kỹ thuật. GS Xuân nêu ra ví dụ điển hình, khi cây lúa bắt đầu trổ bông thì người nông dân phải xịt thuốc để ngừa đạo ôn cổ bông (tức là bệnh làm cho lúa có hạt lép). Đây là thuốc rất mạnh và là loại thuốc mà EU cấm tiệt. Người nông dân nào sử dụng loại thuốc này thì hàng hóa sẽ bị trả về ngay.
Một điểm nữa, EU cảnh báo các sản phẩm đều phải có xuất xứ nguồn gốc hàng hóa. Một khi doanh nghiệp thu gom hàng nước ngoài rồi dán nhãn mác là hàng Việt Nam để xuất sang thị trường EU, nếu bị phát hiện doanh nghiệp đó sẽ bị cấm cửa vĩnh viễn tại thị trường này.
Theo GS Võ Tòng Xuân, ngay cả khi nông dân sử dụng sản phẩm đúng tiêu chuẩn để nuôi trồng thì vẫn có nguy cơ bị từ chối nhập khẩu vào thị trường EU. "Có thể là, trong quá trình nuôi trồng, người dân sử dụng phân vi sinh nhưng hàng hóa không đồng nhất cũng sẽ bị từ chối nhập khẩu lô hàng vào EU", GS Võ Tòng Xuân nói.
Người nông dân nên dừng làm kinh tế kiểu "phiêu lưu ký"
Nông dân của mình hiện vẫn còn thói quen nuôi trồng và sản xuất nông sản theo tâm lý "đám đông". Thấy người ta trồng được, đạt năng suất cao thì cũng ùa theo làm dù không biết ai sẽ tiêu thụ hàng hóa của mình. Như trường hợp "giải cứu thanh long ở Long An" vừa qua là một ví dụ.
Bình Thuận lâu nay đã được quy hoạch là vùng trồng thanh long nhưng người nông dân ở Long An và gần đây là Tiền Giang vẫn nhảy vào để trồng thanh long. Họ trồng có tham khảo kỹ thuật từ các nhà nông ở Bình Thuận và chế ra "phát kiến" để cho năng suất tốt hơn. Đơn cử, người nông dân có thể cho nhiều phân đạm hơn nhưng sẽ gây ra bệnh cho cây. Trái thanh long lúc này sẽ có dư lượng thuốc nhiều hơn so với quy định.
"Cây trồng cũng giống như con người vậy. Như trong đợt cúm Covid-19, người nào có dinh dưỡng tốt thì đề kháng tốt và nguy cơ bị nhiễm bệnh ít. Cây trồng cũng như vậy, có đầy đủ vi sinh vật trong đất sẽ hút lên cây và mỗi khi có mầm bệnh, có con sâu đáp vào thì có vi sinh vật đối kháng lại. Cây đó sẽ không bị sâu bệnh. Còn hễ cứ sử dụng phân đạm nhiều là cây mang nhiều sâu bệnh".
GS Võ Tòng Xuân
Do mạnh ai nấy làm nên chất lượng sản phẩm không đồng đều nên các thương lái xuất khẩu theo đường tiểu ngạch và thu gom hàng từ những hộ nông dân này. Thương lái sẽ đóng gói thành những thùng và chất lượng không đồng nhất. Hơn hết, tâm lý nuôi trồng manh mún, nhỏ lẻ và mong muốn có năng suất cao nên việc bón phân cho cây không được kiểm soát chặt chẽ.
Nói về tâm lý nuôi trồng, sản xuất theo tâm lý "đám đông" và đi theo đường tiểu ngạch, GS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh, nhiều thương lái xuất khẩu muốn lợi nhuận cao nên đi theo đường tiểu ngạch sẽ hạn chế được rất nhiều chi phí so với xuất khẩu theo đường chính ngạch. Đưa hàng đi theo đường tiểu ngạch với xe chỉ có tải trọng 10 tấn nhưng tìm cách nhét hàng càng nhiều càng tốt. Khi hàng sang bên kia biên giới thương lái sẽ thu về lợi nhuận cao hơn.
Nhiều doanh nghiệp làm đúng theo trọng lượng, quy định thì thu về lợi nhuận ít nên tìm cách "ăn gian" và chuyển sang tiểu ngạch. Nuôi trồng, kinh doanh gian dối theo "lối mòn" tiểu ngạch vừa phá đường, phá cầu và rất phiêu lưu, rủi ro cao. Khi sản phẩm nông sản hút hàng thì còn có thể bán được và xuất sang bằng con đường tiểu ngạch. Nhưng khi hàng hóa bị ứ đọng thì con đường tiểu ngạch không thể tiêu thụ được.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn