Có một vấn đề muôn thuở mà mỗi mùa tựu trường, các bậc cha mẹ đều đau đầu tranh cãi, đó là có nên cho học thêm trước khi vào lớp 1 (như cho học chữ, học trước chương trình,...). Không ít phụ huynh đồng tình bởi nếu không cho học trước thì con dễ bỡ ngỡ, khó theo kịp bạn bè. Song nhiều người lại phản đối bởi không muốn con học quá nhiều, bị "chín ép" so với độ tuổi. Ngoài ra, bố mẹ còn sợ con biết trước kiến thức sẽ dẫn đến sự chủ quan, bỏ bê học hành.
"Nếu không chuẩn bị trước thì sợ con sẽ bị bỏ lại phía sau"
Nói về vấn đề này, chị Lê Thị Mai (Hà Nội) đã chia sẻ lại câu chuyện của con gái mình. Chị Mai cho biết: "Con gái mình sinh năm 2013. Trước đó mình không cho con đi học thêm trước và đến khi vào lớp 1, con tụt hẳn so với bạn bè cùng lớp. Trong khi các bạn cùng lớp đều viết thành thạo thì con mình ngơ ngác đến tội.
Cô giáo lúc nào cũng than phiền con không biết viết, viết chậm. Cô cũng phải để ý đến con nhiều nhất nhưng khi viết chữ thì con bị còng lưng và vẹo tay. Cộng thêm con không theo kịp chương trình học nên mọi thứ càng khó khăn. Năm tới, mình sẽ cho con tạm nghỉ một năm, không học lên lớp 2 vội. Mình sẽ đồng hành lại cùng con, để con học kiến thức lớp 1 thật chắc rồi mới học tiếp kiến thức lớp 2. Thời điểm hiện tại, mình phải chấp nhận để con chậm hơn các bạn một năm".
Chị Mai bày tỏ, nếu được lựa chọn lại thì sẽ cho con đi học thêm trước để con không lạc lõng với bạn bè. "Quan điểm của mình bây giờ là nên cho con học trước. Chương trình học hiện giờ không phải bạn nào cũng theo kịp. Ngoài ra, một lớp mấy chục học sinh, cô giáo không thể kèm cặp sát sao từng bạn được. Nếu không chuẩn bị trước thì sợ con sẽ bị bỏ lại phía sau".
Anh Trần Quý Quang (Hoài Đức, Hà Nội) cũng đồng tình về việc cho con đi học thêm trước bởi: "Bây giờ ai cũng cho con đi học trước. Mình mà không theo thì đến khi đi học chính thức, con sẽ bị chậm so với bạn bè rồi nảy sinh tâm lý tự ti, chán học. Ngoài ra học các lớp hành trang vào lớp 1 cũng giúp con quen dần với tác phong, sinh hoạt của bậc tiểu học.
Tuy nhiên mình nghĩ học cũng nên có mức độ thôi. Chỉ cần nắm được những cái cơ bản như thuộc bảng chữ cái, thuộc và đếm từ 1-10, biết được các nét cơ bản, tô đúng quy trình các chữ cái,... Quan trọng nhất là phải chuẩn bị cho con tâm lý khi chuyển sang một môi trường mới, học nhiều hơn chơi".
Không muốn con "bị chín ép"
Có con hiện đang học lớp 2, chị Lương Hoài Thu lại quyết định không cho con đi học trước, bởi sợ con sẽ vất vả và không muốn con "bị chín ép". Bà mẹ này cho biết: "Mình thấy các con học nhiều thì khá tội nên không bắt học sớm. Người thân cũng gợi ý cho con đi học trước nhưng mình không đồng ý.
Ở trường mầm non con mình vẫn được các cô dạy làm quen trước, tập tô, rồi học ghép vần, nhưng đến khi nghỉ mầm non thì con vẫn chưa đọc được chữ, viết cũng chưa biết viết, viết số còn viết ngược.... Mình ngại so sánh và cũng giữ luôn tinh thần là nếu cô giáo gọi điện trao đổi vấn đề con học chậm hơn các bạn do không được học trước thì sẽ ý kiến ngay.
Và đúng là con đi học thì chậm hơn các bạn thật. Các bạn viết chữ phăm phăm, nét nào ra nét đấy rồi mà con vẫn chưa viết được. Nhưng được cái con có trí nhớ tốt nên đọc rất tốt. Sau đó mình rèn viết cho con theo các bài tập cô giáo giao. Thậm chí có quãng thời gian, nếu con chưa muốn hoặc không muốn học, mình cũng không quá chú trọng vào việc học ở nhà mà chỉ quan tâm nhiều tới việc giúp con giải tỏa sau giờ học như tăng cường cho con đi vận động, bơi lội, chơi cầu lông, dành nhiều thời gian chơi với con,... Dần dần con đã học tốt hơn và bây giờ còn vượt qua nhiều bạn trong việc đọc và viết".
Theo ý kiến của một số chuyên gia giáo dục, khó khăn của con khi vào lớp 1 đến từ sự thay đổi: Môi trường (mầm non sang lớp học), thay đổi tư duy trực quan hình ảnh (mầm non) sang tư duy trừu tượng (con số, phép toán ở bậc tiểu học), thay đổi quan hệ giao tiếp với cô giáo chứ không phải khó khăn ở việc đọc - viết.
Vậy nên phụ huynh cần chuẩn bị tâm thế và tinh thần ham học hỏi, khám phá cho con chứ không nhất thiết chuẩn bị cho con tập đọc, tập viết trước. Bên cạnh đó, học trước chương trình lớp 1 sẽ khiến trẻ chủ quan, giảm hứng thú học tập khi vào học lớp 1, ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tâm sinh lý của trẻ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn