Nén nỗi nhớ con, bám bản 'gieo' chữ

11:26 | 17/11/2015;
Đó là tinh thần quyết tâm, đầy nghị lực của chị Mai Thị Tuyết (giáo viên trường mầm non xã Pà Vầy Sủ, huyện Sín Mần, tỉnh Hà Giang) trong suốt 10 năm để mang tri thức đến cho đồng bào các điểm trường vùng cao.

Cô giáo Mai Thị Tuyết, giáo viên trường Mầm non xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang. Hiện, chị đang công tác tại điểm trường mầm non thôn Seo Lữ Thận.


Nén nỗi nhớ con vào lòng
Với chị Tuyết đó là những giọt nước mắt của sự kìm nén nỗi nhớ con gái để lên vùng biên dạy chữ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Quê Xuân Trường, Nam Định, năm 20 tuổi, chị Tuyết lấy chồng ở Hà Giang. Ban đầu chị xin dạy hợp đồng ở một trường gần nhà ở xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Nhưng chưa được chục năm, chồng chị không may qua đời. Lúc đó, con gái của chị mới tròn 7 tuổi. Một thân một mình nuôi con, chị đành gửi con cho ông bà để lên vùng biên dạy học. Điểm trường chị nhận công tác là một xã khó khăn nhất của huyện Sín Mần, cách nhà 170 km, đường sá đi lại khó khăn nên thời gian đầu, cứ 3 tháng chị mới về nhà một lần.
“Nghĩ đến con mình thiếu thốn tình cảm khi bố không còn, mẹ thì đi công tác xa nhưng lên tới đây nhìn cảnh các cháu tuổi mẫu giáo bé lít nhít thiếu thốn, vạ vật chả ai chăm, tự dưng mình như bị níu lại. Ấn tượng đầu tiên với tôi là cảnh cháu có áo thì không có quần, có quần thì không có áo, lớp học chằng giống như lớp học”, chị Tuyết kể.
Thời gian đầu mới lên, ngày lên lớp thì không sao nhưng đêm về nhớ con, chị không ngủ được. “Phải một năm đầu ngày nào cũng nhớ con đến phát khóc nhưng tôi chẳng biết làm sao khi điện thoại không có. Đến bưu điện xã gọi cũng lúc được lúc không”.
Thương con xa mẹ từ lúc còn quá nhỏ, lúc nào điện thoại về, nghe cô con gái thủ thỉ con nhớ mẹ chị lại không thể cầm lòng và nước mắt lại rơi. Con chị cũng ốm đau liên miên, từ lớp 3 đã không may bị căn bệnh căng thẳng về thần kinh, chữa được thời gian, đến năm lớp 9 lại tái phát. Hiện nay, mỗi tháng gia đình chị vẫn phải dành khoảng 1,5 triệu đồng tiền thuốc để điều trị. Công tác xa nhà nên chị đành trông cậy vào sự giúp đỡ của người thân mỗi lần đưa con đi khám.
Quyết bám bản gieo chữ
Từ tình thương những đứa trẻ vùng biên cùng sự động viên của bố mẹ chồng, chị Tuyết mới có thêm can đảm để tiếp tục sự nghiệp gieo con chữ. Đến nay, chị Tuyết đã công tác ở  trên địa bàn xã Pà Vầy Sủ được 10 năm và hiện đứng chân tại điểm trường thôn Seo Lử Thận. Ở đây, không có điện, nước sinh hoạt phải đi 5 km lấy về. Tuy nhiên, khó khăn về vật chất không phải là trở ngại lớn nhất với chị Tuyết.
“Năm đầu tiên, khổ sở nhất là chuyện bất đồng ngôn ngữ, bởi mình là người Kinh nên không nghe được tiếng của bà con dân tộc Mông. Nhiều hôm tôi đã bật khóc vì không thể hiểu được học sinh. Học sinh xin ra ngoài đi vệ sinh, tôi cứ giữ lại vì sợ các con bỏ về. Đến lúc các con tè ra quần thì tôi mới hiểu và phải đi thay quần rồi giặt, phơi để trưa con về có quần mặc”. Để khắc phục, mỗi tối, sau bữa ăn, chị lại mang sách vở sang nhà già làng để học tiếng Mông. Chị học từ những từ cơ bản để giao tiếp trước với học trò, sau rồi mới tự học thêm.
Việc vận động học sinh đến lớp cũng khiến chị gặp vô vàn khó khăn. Thời gian đầu, vận động đi học được rồi chị vẫn lo chuyện học sinh bỏ về. Những ngày đầu, để vận động trẻ đi học, cứ trước 8h sáng mỗi ngày chị đều có mặt ở nhà bà con. “Thậm chí, phụ huynh cũng không biết quần áo con ở đâu nên tôi kiêm luôn việc mặc quần áo cho các con”, chị Tuyết cười. Cứ từng nhà một, từ nhà xa nhất, chị Tuyết đi qua hết, đứa lớn thì dắt, đứa nhỏ thì địu tới lớp học. Từ 7 học sinh năm đầu tiên, đến nay mỗi năm lớp học của chị đã có khoảng 30 trò.
Chị Tuyết chia sẻ: “Tôi sẽ tiếp tục cố gắng ở đây công tác và vận động các cháu đi học, dạy dỗ các cháu, quyết tâm bám bản đến khi về hưu dù có khó khăn. Tôi thực sự cảm thấy vui bởi khi mới lên, nói gì các con cũng không biết nhưng đến giờ khi hỏi tiếng phổ thông các con đã hiểu được. Tôi tin, với nỗ lực của những giáo viên yêu nghề, dân trí ở những vùng sâu, vùng xa sẽ tốt lên nhiều”.
Chị Mai Thị Tuyết (sinh năm 1975) là một trong số 64 giáo viên “cắm bản” tiêu biểu xuất sắc ở 64 huyện nghèo trên cả nước được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2015” do Bộ GDĐT phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn